Đề xuất gói an sinh xã hội 58.000 tỉ đồng để phát triển kinh tế bền vững
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 ngày 05/12 đề xuất, “Cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội bằng gói hỗ trợ khoảng 58.000 tỉ đồng”.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra kiến nghị để phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, đã chỉ rõ yêu cầu phát triển các ngành/lĩnh vực mới, tạo việc làm, thay đổi cơ cấu việc làm, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tăng chất lượng dịch vụ công.
Khi bàn về các giải pháp can thiệp nền kinh tế, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn kiến nghị:
Thứ nhất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc, gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỉ đồng.
Thứ hai, cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội, gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỉ đồng.
Thứ ba, cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, trong đó gói hỗ trợ doanh nghiệp cần khoảng 244.000 tỉ đồng cùng với việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết.
Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.
Gói đầu tư công mà PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đề xuất có quy mô là 288.000 tỉ đồng trong giai đoạn hai năm 2022-2023. Như vậy, tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng.
Tài khóa hay tiền tệ
Cho rằng vẫn cần một gói an sinh xã hội bằng tiền mặt, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia cao cấp Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã khuyến nghị giải pháp chuyển tiền trực tiếp hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất để thúc đẩy tổng cung, tổng cầu.
“Đại dịch Covid-19 gây nên khủng hoảng do y tế công kéo dài. Chúng ta cần có một cơ chế tài khóa hỗ trợ tổng cung và thúc đẩy tiêu dùng. Có đến 65% tăng trưởng đến từ tiêu thụ nội địa. Vì vậy, nếu chúng ta không thể trao tiền cho người dân trong khi người dân đang giảm tiêu thụ sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế. Nhất là những người mất nguồn thu nhập thường trực”.
Rất nhiều chính phủ trên thế giới đã đổi mới sáng tạo tìm ra những cách trao tiền cho người lao động thông qua các doanh nghiệp, nhưng hình thức này chưa được sử dụng nhiều ở Việt Nam. Những chính sách giảm thuế, an sinh xã hội không phải một công cụ tài khóa.
Khảo sát của UNDP kết hợp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn cho thấy, Covid-19 đã làm gia tăng 30% tỉ lệ đói nghèo tạm thời nhưng những người khó khăn nhất lại không nhận được sự hỗ trợ do không ở trong khu vực chính thức, không tham gia bảo hiểm xã hội.
Ông Jonathan Pincus cho rằng, cần nhìn rõ tác động của Covid-19 lên tăng trưởng kinh tế đang dẫn đến hậu quả tiêu thụ tăng trưởng âm. Theo Ngân hàng Thế giới, thời điểm từ giờ đến Tết, thu nhập của các hộ kinh doanh gia đình sẽ phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu. Nếu người dân không chi tiền do thu nhập giảm sẽ ảnh hưởng đến diện rộng tổng cầu một cách tiêu cực và tiền thu thuế cũng sẽ giảm.
Theo ông Jonathan Pincus, Chính phủ có thể đưa ra phương án vận chuyển những người lao động an toàn để họ quay lại khu vực công nghiệp, hỗ trợ tiền thuê nhà, qua đó thúc đẩy phục hồi kinh tế ngắn hạn, đảm bảo người thuê lao động có nguồn nhân lực cần thiết để sản xuất trong thời điểm tới.
Tuy nhiên dưới góc độ của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế này lại cho rằng, hiện nay dư địa chính tài khoá vẫn còn khả quan do mấy năm vừa qua được củng cố tương đối tốt.
"Nền tài khoá của Việt Nam được quốc tế đánh giá là vững chãi, có thể mở rộng tài khoá trong vài năm tới nhưng phải đi kèm với kiểm soát. Chính sách tiền tệ vẫn còn một phần dư địa, tuy nhiên ít hơn vì lãi suất đã giảm tương đối sâu".
Cùng có những đề nghị đối với các chính sách an sinh xã hội, TS.Cấn Văn Lực cho biết, cần tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ đang triển khai. Ngoài ra, ông Lực đề xuất thêm hai hạng mục là hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoại tỉnh quay về phía Nam làm việc trong ba tháng, mỗi tháng 1 triệu đồng (ngân sách mất khoảng 6.000 tỉ đồng) và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động mất 6.800 tỉ đồng. Tổng gói an sinh xã hội là 12.800 tỉ đồng (khoảng 0,16% GDP 2021).
Các gói hỗ trợ khác được đề xuất bao gồm giảm tiền điện với giá trị 26.650 tỉ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số 2.000 tỉ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo 4.000 tỉ đồng… tổng cộng gần 38.000 tỉ đồng (0,46% GDP).
Nhấn mạnh nguồn lực và huy động nguồn lực thực hiện chính sách là điều quan trọng, TS. Cấn Văn Lực nói: “Cần phải chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm một điểm % mỗi năm trong 2022–2023. Đồng thời thực hiện tiết giảm chi phí, đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ, rà soát các quỹ ngoài ngân sách…”
Bàn về vấn đề tài khóa hay tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong bối cảnh đặc biệt thì cần có giải pháp đột phá.
Các chính sách của chúng ta lần này là không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng y tế mà phải tính toán lâu dài tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển xanh và số hướng tới bền vững. Nên cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.
“Việt Nam học tập kinh nghiệm nước ngoài triệt để nhưng phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước ta, khuyến nghị tài khóa phát tiền trực tiếp cho dân nhiều hơn là đúng và thế giới đã làm nhưng nếu áp dụng vào Việt Nam thì có điểm khác. Vừa rồi chúng ta đã có chi trực tiếp cho người lao động bằng tiền tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, bằng các quỹ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
"Một nguyên tắc quan trọng của Việt Nam là bội chi ngân sách chỉ dùng để đầu tư. Nên chúng ta đã hỗ trợ bằng cách khác, ví dụ giảm 2% thuế giá trị gia tăng tác động đến bội thu ngân sách là khoảng 80.000 tỉ. Người dân sẽ trực tiếp được thụ hưởng điều này và phạm vi rất là rộng và đồng thời kích cầu tiêu dùng nội địa lên, đạt được đa mục tiêu”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích: “Đây là điểm khác nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển. Bởi các nước đang phát triển, dư địa co giãn cầu rất hẹp nên chính phủ phải bơm tiền trực tiếp ra cho người dân”.
Bùi Hằng