Việt Nam - Na Uy thúc đẩy hợp tác phát triển năng lực dự báo biển
Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) phối hợp với Cơ quan Khí tượng Na Uy tổ chức hội thảo dự báo biển năm 2022: "Mô hình dự báo sóng và Quỹ đạo đại dương". Đây là lần thứ 6 Tổng cục KTTV phối hợp với Cơ quan Khí tượng Na Uy tổ chức.
Theo Tổng cục khí tượng thủy văn, từ năm 2013 đến nay, được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao Na Uy, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) đã hợp tác với Cơ quan Khí tượng Na Uy thực hiện rất nhiều các hoạt động hợp tác nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ của Tổng cục KTTV. Một trong những hoạt động nổi bật là Cơ quan Khí tượng Na Uy đã hỗ trợ các cán bộ của Tổng cục KTTV khai thác, sử dụng phần mềm phục vụ dự báo Diana, mô hình dự báo biển ROMS.
Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan khí tượng Na Uy, rất nhiều lượt cán bộ của Tổng cục đã được cử đi học tập kinh nghiệm, đào tạo ngắn hạn tại Na Uy. Đồng thời, với sự hợp tác, hỗ trợ nhiệt thành từ Cơ quan khí tượng Na Uy, nhiều bài báo hợp tác nghiên cứu khoa học đã được đăng trên các tạp chí lớn như: Geosciences, MDPI; Ocean Engineering, Elsevier; Journal of Coastal Researcher, CERF; Advances in Meteorology, Hindawi;
Nhiều lượt cán bộ được tài trợ tham dự các Hội thảo khoa học quốc tế và tham dự các khóa đào tạo chuyên môn do Cơ quan khí tượng Na Uy và Trung tâm phòng tránh thiên tai châu Á (ADPC) phối hợp tổ chức tại Thái Lan và một số nước khác trong khu vực.
Một trong những hoạt động nổi bật là Cơ quan khí tượng Na Uy đã hỗ trợ các cán bộ của Tổng cục khí tượng thủy văn khai thác, sử dụng phần mềm phục vụ dự báo Diana, mô hình dự báo biển ROMS và hiện đang được áp dụng phổ biến.
Phát biểu khai mạc tại buổi Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục KTTV, ông Hoàng Đức Cường cho biết: Việt Nam là một nước nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa với chiều dài đường bờ biển dài hơn 3200 km, công tác dự báo biển, dự báo nước dâng do bão luôn là một trong những thách thức đối với ngành khí tượng thủy văn Việt Nam. Do đó, tăng cường năng lực dự báo biển luôn là một trong những ưu tiên phát triển của Tổng cục KTTV.
Trong thời gian qua, với sự hợp tác, hỗ trợ của Cơ quan Khí tượng Na Uy, năng lực dự báo biển của các cán bộ dự báo hải văn tại Tổng cục KTTV đã từng bước được nâng cao. Mô hình dự báo biển ROMS3D, phần mềm DIANA, Mô hình Wavymini kiểm nghiệm dự báo sóng bằng các sản phẩm vệ tinh và gần đây là mô hình tràn dầu, mô hình đại dương, mô hình quỹ đạo đại dương do Cơ quan Khí tượng Na Uy chuyển giao và đào tạo sử dụng đã được đưa vào tác nghiệp tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, và hiện đã được mở rộng sử dụng tại tất cả các Đài KTTV khu vực.
Ông hy vọng rằng, trong thời gian tới, sự hợp tác giữa Tổng cục KTTV và Cơ quan Khí tượng Na Uy sẽ có những bước tiến mới, phát triển sâu rộng hơn nhằm góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phát triển bền vững kinh tế - xã hội không những cho Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế.
Cùng tại Hội thảo, với 17 báo cáo đến từ 2 nước các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác dự báo biển như: Giới thiệu về dự báo thời tiết biển và dự báo nước dâng do bão tại Na Uy; Giới thiệu về Mô hình giảm tỉ lệ động của dự báo sóng DNORA; Kiểm nghiệm dự báo sóng bằng dữ liệu vệ tinh, ứng dụng mô hình ROMS 2D và Open Drift tại Việt Nam; Giới thiệu và đào tạo kỹ thuật sử dụng Mô hình quỹ đạo đại dương OpenDrift...
Chia sẻ từ góc độ cơ sở, dự báo viên Nguyễn Thị Hiền, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, hiện đài này đang dự báo biển cho vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực Trường Sa và huyện đảo Phú Quý.
Một số phần mềm mà Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ đang sử dụng là mô hình ROMs và mô hình SWAN của Viện khí tượng Na Uy để dự báo sóng, dòng chảy; dự báo thủy triều từ mô hình Mike 21 kết hợp tham khảo các sản phẩm dự báo hải văn của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cùng với Viện khí tượng thủy văn và biến đổi khi hậu để ra bản tin.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, khó khăn trong công tác dự báo biển là các trạm quan trắc sóng ở khu vực còn thưa, công nghệ, công cụ dự báo biển của Đài khí tượng thủy văn khu vực và các Đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố còn hạn chế…
Bà Hiền chia sẻ: “Do vậy, đài mong muốn tiếp tục có những dự án hợp tác về công nghệ dự báo biển để hỗ trợ các đài khu vực và đài tỉnh, thành phố trong việc dự báo phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế biển”.
Tương tự, dự báo viên Lê Thị Oanh, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: Hiện đài này đang sử dụng mô hình ROMs để dự báo hải văn (thủy triều, sóng, dòng chảy...) cho vùng biển Nam Bộ. Tuy nhiên, mô hình này chạy rất lâu mới cho ra kết quả dự báo và đó chỉ là những dự báo, cảnh báo hải văn nguy hiểm, các bản tin dự báo hải văn hạn ngắn, chưa thực hiện được dự báo hải văn hạn dài.
Còn theo ông Nguyễn Bá Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, để làm tốt hơn nữa công tác dự báo biển cần tăng cường hợp tác với các ngành liên quan, các tổ chức khí tượng thế giới đồng thời tăng cường các trạm quan trắc hải văn trên biển; đồng bộ hóa các số liệu khí tượng hải văn.
Hải Anh