Thứ năm, 28/03/2024 18:12 (GMT+7)
Thứ ba, 15/11/2022 06:53 (GMT+7)

Nhiều nước đang cần tiền để phục hồi sau các thảm họa khí hậu trong quá khứ

Theo dõi KTMT trên

Yêu cầu các nước giàu hỗ trợ các nước dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu luôn là vấn đề dằng dai nhiều năm nay. Việc các nước đang phát triển yêu cầu thêm khoản hỗ trợ được gọi là một kiểu quỹ “tổn thất và thiệt hại” khiến các cuộc đàm phán khó khăn hơn.

Các quốc gia giàu có, gây ô nhiễm phớt lờ lời kêu gọi thiệt hại

Vấn đề đóng góp tài chính giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu lại một lần nữa nóng lên tại Hội nghị Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu COP27. Theo các chuyên gia, sự thất bại trong việc cung cấp các khoản tài trợ cho tới nay đã “ăn mòn” lòng tin của cộng đồng quốc tế, và rất có thể sẽ làm suy yếu toàn bộ nỗ lực của Liên hợp quốc.

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia giàu có, gây ô nhiễm đã phớt lờ lời kêu gọi bù đắp cho những  này. Về mặt pháp lý và thực tế, rất khó xác định “tổn thất và thiệt hại” là gì, xác định những gì có thể phải trả và ai sẽ phải trả bao nhiêu.

Nhiều nước đang cần tiền để phục hồi sau các thảm họa khí hậu trong quá khứ - Ảnh 1
Vấn đề đóng góp tài chính giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu lại một lần nữa nóng lên tại Hội nghị Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu COP27. (Ảnh minh họa)

Nhưng những vết nứt của “thế trận phòng ngự” đó đang bắt đầu lộ ra. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm ngoái, Scotland, nước chủ nhà, đã trở thành nước đầu tiên cam kết chi tiền cho một quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại mới. Tuần này, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cũng tán thành các cam kết bằng tiền mặt của Ireland, Đan Mạch và Bỉ. Hôm 9/11, ông Giải, nhà đàm phán về khí hậu của Trung Quốc, hiện là quốc gia phát thải lớn nhất hành tinh, cũng ủng hộ ý tưởng về quỹ tổn thất và thiệt hại nhưng cũng thận trọng khi nói về đóng góp của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia châu Âu có quan hệ thuộc địa với các quốc gia đang phát triển đang tìm kiếm nguồn quỹ, một mối quan hệ càng củng cố lập luận về bồi thường trong mắt một số người.

Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói: “Điều đó càng làm những tổn thương, thiệt hại do điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây ra lớn hơn và gây tác động tốn kém hơn”, ông nhấn mạnh.

Tại Mỹ, ý tưởng trả tiền bồi thường cho các quốc gia xa xôi sẽ là “một thảm họa chính trị trong nước”, theo Paul Bledsoe – cố vấn khí hậu dưới thời Tổng thống Bill Clinton và hiện là giảng viên tại Đại học Mỹ. Ông nói rằng nó sẽ “làm tê liệt” cơ hội tái đắc cử năm 2024 của ông Biden.

“Về mặt văn hóa, nước Mỹ không thực sự muốn đền bù. Nếu không phải là người Mỹ bản địa hoặc người Mỹ gốc Phi, họ có rất ít hoặc gần như không muốn xem xét nghiêm túc tác động khí hậu đối với các quốc gia khác. Đó sẽ là một sự thay đổi hoàn toàn trong nền chính trị của chúng tôi”, ông Bledsoe cho hay.

Hơn một nửa số cử tri đã đăng ký tin rằng Mỹ có ít nhất một phần trách nhiệm trong việc tăng cường đóng góp cho các quốc gia đang phát triển, để giúp bảo vệ họ chống lại biến đổi khí hậu, theo một cuộc khảo sát của Morning Consult/Politico được công bố trong tuần này. Nhưng có một sự chia rẽ đảng phái rõ ràng, khả năng đóng góp của Dân chủ cao gấp đôi so với đảng Cộng hòa trong vấn đề ngăn biến đổi khí hậu.

Bị dồn ép từ mọi phía, ông Biden và các cố vấn của ông phải cẩn trọng xoay quanh vấn đề tiền bạc. Ông Kerry đồng ý chỉ thảo luận về ý tưởng quỹ.

Các quan chức Nhà Trắng thay vào đó đang cố gắng tập trung lại sự chú ý vào thành tích của ông Biden, ký Đạo luật Giảm lạm phát và khoản đầu tư kỷ lục 370 tỷ USD vào các loại năng lượng sạch như gió và năng lượng mặt trời, hứa hẹn sẽ cắt giảm đáng kể lượng khí nhà kính do Mỹ tạo ra.

Một nhóm các cố vấn cấp cao của Nhà Trắng mới đây đã đến thị trấn nơi các cuộc đàm phán về khí hậu đang được tổ chức để khẳng định rằng, các điều luật và kế hoạch cắt giảm khí thải của Mỹ sẽ không đảo ngược. Đó là sự đảm bảo mà nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đã tìm kiếm, vì Mỹ đã hai lần rút khỏi các cam kết về khí hậu toàn cầu kể từ những năm 1990.

Ali Zaidi, cố vấn khí hậu quốc gia của Nhà Trắng, cho biết: “Không có gì cản trở điều này”. Ông lưu ý rằng các khoản đầu tư của luật mới vào năng lượng gió, năng lượng mặt trời, lưu trữ pin và năng lượng sạch khác hiện được đưa vào các chương trình thuế của Mỹ. “Chúng tôi có thể có những thất bại, nhưng chúng tôi đang đi trước và đáp ứng các cam kết của mình”, ông khẳng định.

Nhưng Andres Mogro, một nhà đàm phán về khí hậu của một khối các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh và Zimbabwe, cho biết luật khí hậu mới và những gì nó hứa hẹn với người Mỹ là “thực lòng không liên quan” đến các quốc gia đang phát triển, những nước hiện đang cần tiền để phục hồi sau các thảm họa khí hậu trong quá khứ, chuẩn bị cho các thảm họa trong tương lai cũng như chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch.

“Thành thật mà nói, chúng tôi không mong đợi bất cứ điều gì từ Tổng thống Biden”, Richard Sherman, nhà đàm phán chính của một khối các quốc gia châu Phi cho biết. Ông tóm tắt cách các nước đang phát triển nhìn nhận về Mỹ là: “Họ có xu hướng hứa rất nhiều, cam kết rất nhiều nhưng thực hiện lại rất ít”.

Nigel Topping, quan chức cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc, lưu ý rằng Mỹ đã không thực hiện được những gì các tổ chức độc lập ước tính là khoản chia sẻ tài chính khí hậu công bằng của mình.

Vào năm 2020, Mỹ chỉ đưa ra 5% những gì họ nên đóng góp, theo một báo cáo gần đây. Ông Topping lập luận rằng tất cả các nước đều đã đưa ra cam kết mà họ cần tuân thủ, bất kể chu kỳ bầu cử.

“Phàn nàn rằng nền chính trị của bạn đang khó khăn là sự xúc phạm đối với mọi quốc gia khác. Về chính trị thì ai cũng khó khăn”, ông nói.

Sau COP27 lượng khí thải thay đổi thế nào?

Theo South China Morning Post, một nghiên cứu mới cho biết, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) ở Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm trong năm nay, trong khi ở Ấn Độ và Mỹ có khả năng tăng.

Cụ thể, theo Báo cáo Ngân sách Carbon Toàn cầu 2022, vào năm nay, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chịu trách nhiệm cho 32% lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trên thế giới, tiếp theo là Mỹ với 14%. 27 nước thành viên EU và Ấn Độ đều chiếm 8%.

Theo nghiên cứu, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đều có lượng khí thải năm nay giảm, lần lượt là 0,9 và 0,8%, trong khi của Ấn Độ sẽ tăng 6% và từ Mỹ là 1,5%. Giám đốc điều hành của dự án Pep Canadianell cho biết mức giảm ước tính của Trung Quốc là nhỏ nhưng “rất đáng kể”.

Báo cáo cũng được ​​đưa ra tại COP27. Các quốc đảo có nguy cơ biến mất vì mực nước biển dâng cao, đã nói rằng các nền kinh tế mới nổi gây ô nhiễm nặng, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, nên đóng góp vào quỹ bồi thường để giúp các quốc gia khác tái thiết sau những sự kiện như vậy.

Nghiên cứu dựa trên số liệu thống kê năng lượng và dữ liệu sản xuất xi măng tính đến tháng 10 cho thấy, lượng khí thải toàn cầu trong năm nay có khả năng cao hơn một chút so với mức trước đại dịch. Các nhà nghiên cứu cho biết “chưa có dấu hiệu cho thấy sự suy giảm khí thải cần kíp để đối phó với biến đổi khí hậu đang xảy ra”.

Mặc dù các dự báo khác nhau của báo cáo về bốn nền kinh tế gây ô nhiễm lớn nhất thế giới có thể tác động đến các cuộc đàm phán, các nhà phân tích môi trường cho biết chúng không có khả năng tác động đáng kể đến chương trình nghị sự chính ở Ai Cập.

Bình luận về báo cáo, Yang Fuqiang, cố vấn cấp cao tại Viện Năng lượng của Đại học Bắc Kinh, người không tham gia vào báo cáo, cho biết sự sụt giảm lượng khí thải carbon của Trung Quốc trong năm nay – được cho là do tác động của các đợt phong tỏa chống Covid-19 – có thể chỉ là ngắn hạn và nước này dự kiến ​​sẽ phát thải nhiều carbon dioxide hơn trong hai đến ba năm tới. Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030 như một phần của con đường tiến tới trung hòa carbon vào năm 2060.

Trong khi đó, lượng khí thải của Mỹ đạt đỉnh vào năm 2005 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục có xu hướng giảm, Yang nói. Mặc dù lượng khí thải năm nay của Mỹ tăng đột biến, được cho là do sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19. “Báo cáo có thể không có tác động lớn đến các cuộc đàm phán COP27 vì những thay đổi về lượng khí thải là một hiện tượng ngắn hạn”.

Ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã cam kết giảm lượng khí thải carbon xuống 50-52% mức năm 2005 vào năm 2030 như một phần của mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Tuy nhiên, Yang nhận định “lượng khí thải CO2 ở Mỹ sẽ giảm xuống” nhưng sẽ khó đạt được mục tiêu năm 2030. “Than vẫn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong ngành năng lượng của Mỹ và năng lượng tái tạo không phát triển nhanh như mọi người nghĩ”.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Nhiều nước đang cần tiền để phục hồi sau các thảm họa khí hậu trong quá khứ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…
Hưởng ứng ngày Chủ nhật Xanh lần thứ 152
Mới đây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Thành phố cùng các đơn vị phối hợp tổ chức Lễ ra quân Ngày chủ nhật xanh lần thứ 152 với các hoạt động thiết thực tại phường Thới An, Quận 12.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.