Thứ năm, 09/05/2024 00:12 (GMT+7)
Thứ tư, 23/02/2022 15:00 (GMT+7)

Việt Nam hướng đến mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với tăng trưởng xanh

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng thì nhu cầu cấp thiết của các quốc gia, trong đó có Việt Nam là phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững.

Ngày 1/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu quan trọng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, nêu bật những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Với cam kết này, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trước thềm Hội nghị COP26, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với 4 mục tiêu cụ thể về: Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi; Mục tiêu bao trùm: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP tới năm 2030 và 2050 (tương ứng 15% và 30% so với năm 2014). Chiến lược là minh chứng rõ nét nhất về việc Việt Nam quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh làm nền tảng cho tương lai đất nước, hướng tới các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Việt Nam hướng đến mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với tăng trưởng xanh - Ảnh 1

Với các mục tiêu và giải pháp toàn diện nêu trên, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã định vị rõ nét nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong tổng thể khung khổ chính sách quốc gia, góp phần hết sức quan trọng triển khai các quyết sách lớn của đất nước trong thời gian tới:

Một là, thực hiện các định hướng lớn trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là định hướng quan trọng nhất để triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Hệ thống quan điểm trong báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước”, và “…thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đặt ra những yêu cầu về “…cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững…” và “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp...”. Với các luận điểm trên, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là một bộ phận không tách rời trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

Hai là, triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trên cơ sở đó Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm đưa ra cơ sở để cụ thể hóa các hoạt động, nhiệm vụ góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững trong quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời, định hướng và huy động nguồn lực thực hiện các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn tích hợp các chương trình và dự án đầu tư xanh, đầu tư không hối tiếc.

Ba là, quyết liệt hoàn thành hệ thống quy hoạch các cấp, các chiến lược, chương trình, đề án phát triển của các ngành

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh có tính chất định hướng cho việc xanh hóa các ngành và không gian, lãnh thổ trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn 2050. Cụ thể, Chiến lược này cung cấp căn cứ nghiên cứu, phân tích tổng hợp kịch bản phát triển các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, phản ánh toàn diện và tích hợp các nội dung nhằm tạo sự đồng bộ, tương thích, bổ trợ, khả thi trong triển khai thực hiện các quy hoạch trên quy mô toàn nền kinh tế cũng như theo ngành, lĩnh vực, lãnh thổ.

Bốn là, phương thức để phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)

Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để đạt được phát triển bền vững. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh làm sâu sắc hơn các nội dung về phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu với cách tiếp cận xuyên suốt từ quan điểm, mục tiêu đến giải pháp cho tổng thể nền kinh tế và các ngành ưu tiên. Cụ thể, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đưa ra cách tiếp cận trên cơ sở tối ưu nguồn lực, trong đó tập trung vào các ngành ưu tiên dựa trên đóng góp của ngành trong GDP, xanh hóa sản xuất, tiêu dùng dựa trên tỷ trọng phát thải và khả năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; đi sâu khai thác và cụ thể hóa các khía cạnh “xanh” thành các mục tiêu định lượng và giải pháp chi tiết của các ngành, lĩnh vực, đồng thời chú trọng các nội dung về y tế, xã hội, khoa học, công nghệ, chính sách hỗ trợ cho tăng trưởng xanh. Các giải pháp tăng trưởng xanh trong từng ngành đã đề cập trong NDC cũng được mở rộng hơn, hướng tới cải thiện hiệu quả kinh tế, tăng cường khả năng huy động tài chính và thúc đẩy đầu tư xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đảm bảo nhu cầu thiết yếu, chất lượng cuộc sống của người dân.

Với các vai trò nêu trên, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh có tính gắn kết chặt chẽ với chiến lược tổng thể của quốc gia và của các ngành, địa phương; đồng thời có vị trí và vai trò riêng, đặc biệt đối với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mặt khác là cơ sở để cân đối và huy động hiệu quả nguồn lực nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam hướng đến mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với tăng trưởng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.