Thứ ba, 23/04/2024 14:25 (GMT+7)
Thứ ba, 22/02/2022 17:00 (GMT+7)

Năm Du lịch Quốc gia 2022: ‘Cú hích’ phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn giữa đại dịch

Theo dõi KTMT trên

Năm Du lịch Quốc gia 2022 được xác định là cơ hội lớn để hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành một nền kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Điểm đến du lịch xanh

Sau những thành công của Ninh Bình, tỉnh được lựa chọn làm điểm đến của Năm Du lịch Quốc gia 2021, Ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia quyết định lựa chọn tỉnh Quảng Nam là nơi để quảng bá du lịch Việt Nam trong năm 2022.

“Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022” có tên gọi Tiếng Anh là “Visit Viet Nam Year - Quang Nam 2022” với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.

Để thực hiện thành công sự kiện này, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam và các ban ngành liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức hàng loạt các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2022 tại Quảng Nam hoặc tại các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm ghi dấu sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của ngành trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, với rất nhiều lợi thế, Quảng Nam hoàn toàn xứng đáng được lựa chọn làm Năm Du lịch Quốc gia, năm đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch sau hai năm vật lộn với đại dịch Covid-19. Sự kiện này cũng có thể là cơ hội lớn để Quảng Nam giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh tới bạn bè trong nước cũng như quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành một nền kinh tế mũi nhọn.

Năm Du lịch Quốc gia 2022: ‘Cú hích’ phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn giữa đại dịch - Ảnh 1
Năm Du lịch Quốc gia 2022 sẽ đánh dấu sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của ngành du lịch trong bối cảnh mới.

Theo kế hoạch, Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” bắt đầu với Lễ khai mạc tại đảo Ký Ức, TP.Hội An vào ngày 25/3/2022 và kết thúc bằng Lễ bế mạc vào cuối tháng 12/2022 tại Vinpearl Nam Hội An, huyện Thăng Bình.

Trong Năm Du lịch Quốc gia 2022, Quảng Nam dự kiến sẽ tổ chức 50 hoạt động nổi bật để hưởng ứng theo 6 chủ đề bao gồm: Du xuân đất Quảng (tháng 1-3/2022); Du lịch sông nước, nông nghiệp và sản phẩm OCOP (tháng 4-6/2022); Du lịch Chu Lai điểm hẹn (tháng 4-9/2022); Du lịch văn hóa các dân tộc và đường Hồ Chí Minh huyền thoại (tháng 5-8/2022); Quảng Nam - Cảm xúc mùa hè (tháng 5-9/2022); Du lịch - Sắc màu di sản (tháng 9-12/2022).

Bên cạnh đó còn có 5 hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao như: Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An; Giải Vô địch Teakwondo các CLB mạnh Cúp Đại sứ Hàn Quốc; Giải chạy "Hoian Discovery Marathon 2022" (diễn ra tháng 4/2022); Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 18 (tháng 8/2022); Các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (tháng 9/2022).

Đây sẽ là cơ hội để ngành du lịch phục hồi và phát triển trong tình hình mới, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng trong những năm tiếp theo.

Du lịch mở cửa trong trạng thái mới

Năm 2021 là khoảng thời gian "gặp hạn" của du lịch Việt Nam. Làn sóng dịch bệnh thứ 3, thứ 4 đã khiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phá sản, còn lại hoạt động cầm chừng, hàng vạn người lao động mất việc.

Tuy nhiên, cùng với nhiều chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động mọi mặt của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trên cơ sở đó, ngành Du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Việt Nam tự tin trên con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch.

Trong đó phải kể đến lượng khách nội địa tháng 12/2021 ước đạt hơn 5 triệu lượt, gấp đôi tháng 11 (2,5 triệu lượt) và gấp hơn 6 lần con số của tháng 10 (750.000 lượt). Khách du lịch nội địa gia tăng nhanh chóng tại nhiều điểm du lịch khắp cả nước, đặc biệt là dịp cuối tuần như Khánh Hòa, Đà Lạt, Phú Quốc, Lào Cai… Cả năm 2021, lượng khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020.

Năm 2022, hoạt động du lịch được dự báo tiếp tục gặp khó khăn vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa sẽ là hướng khai thác chủ đạo của Việt Nam trong năm tới. Toàn ngành ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, song song với triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi du lịch nội địa và quốc tế. 

Vượt qua đợt dịch thứ 4 cùng chiến dịch tiêm chủng vaccine, Việt Nam đang từng bước dần quay trở lại cuộc sống bình thường mới, với mục tiêu mới Chính phủ đã xác định là công tác phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Có thể thấy, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát tương đối tốt, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong những giai đoạn tới. Do đó, để du lịch phục hồi và phát triển, các yếu tố: An toàn - mở - đồng bộ là giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho cùng sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, điểm du lịch, doanh nghiệp. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác. Hơn nữa, đây là nhu cầu khi cuộc sống được nâng cao. Hiện điều cần làm là làm thế nào để triển khai trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo an toàn.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành đánh giá, dịp Tết vừa qua là sự khởi đầu ấn tượng của hoạt động du lịch. Theo thống kê có hơn 6,1 triệu khách du lịch nội địa trong dịp Tết, với 3,2 triệu khách lưu trú. Doanh thu du lịch tuy còn khiêm tốn nhưng ở mức ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa khởi động lại, có mở cửa nhưng chưa hoàn toàn.

"Trong trong bối cảnh mở cửa bình thường mới, thời điểm mở cửa không chỉ ở chính sách mà cả hạ tầng, điều kiện, để khi mở cửa phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ", ông Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Năm Du lịch Quốc gia 2022: ‘Cú hích’ phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn giữa đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới