Thứ bảy, 20/04/2024 03:39 (GMT+7)
Thứ tư, 16/02/2022 17:00 (GMT+7)

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Vì vậy, mở cửa du lịch sẽ góp phần nhanh chóng phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng, thúc đẩy phát triển bền vững hoạt động du lịch.

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 1

Đại dịch Covid-19 là biến cố chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu cũng như đối với Du lịch Việt Nam. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng ghi nhận đây là điều tồi tệ nhất trong chuỗi lịch sử phát triển của du lịch thế giới từ năm 1950. 

Vậy mở cửa thế nào để an toàn nhưng không bỏ lỡ cơ hội đón hàng hàng triệu du khách quốc tế đang muốn đến Việt Nam sau hơn 2 năm chúng ta đóng cửa chống dịch? Chấp nhận hy sinh tăng trưởng để bảo vệ sự an toàn, tính mạng cho người dân, Việt Nam đã kiểm soát được dịch, phủ vaccine ở nhiều tỉnh thành và chuyển sang trạng thái "sống chung với Covid-19". 

Một trong những tiền đề quan trọng là Việt Nam đã trở thành một trong 6 nước có độ bao phủ vaccine lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, với chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các chuyên gia cho rằng Việt Nam giờ đã tương đối yên tâm để mở cửa du lịch càng nhanh càng tốt.

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 2

Căn cứ tình hình, kết quả phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 để mở lại bình thường hoạt động du lịch quốc tế và nội địa. Một trong những cơ sở quan trọng cho việc này là Việt Nam đã trở thành một trong 6 nước có độ bao phủ vaccine lớn nhất thế giới.

Vì vậy, Bộ VHTTDL đề xuất sớm mở cửa để khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’’.

Theo đó, yêu cầu được Bộ VHTTDL đặt ra là xác định cụ thể thời gian, đối tượng, yêu cầu mở cửa hoạt động du lịch. Đáng chú ý, hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán.

Từ nay đến 14/3, tiếp tục triển khai chương trình thí điểm giai đoạn 2 đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Từ 15/3, mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới bằng đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với thời gian triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 3

Đối tượng áp dụng trong giai đoạn này gồm có: người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Phạm vi thí điểm đón khách du lịch thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc thương mại quốc tế thường lệ đến các địa phương đảm bảo điều kiện đón khách.

Theo thông tin mới nhất, hôm nay (ngày 16/2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL và ý kiến các bộ, cơ quan về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3. Tinh thần mở cửa được lãnh đạo Chính phủ quán triệt là thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế. Cùng với đó, ông lưu ý Bộ VHTTDL hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức thực hiện.

Liên quan đến việc cấp thị thực nhập cảnh (Visa), Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Song do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020 và tuỳ theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế miễn visa này.

Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Do đó, du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, du khách cần cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022, Thủ tướng đã giao Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL công bố công khai, cụ thể về việc mở cửa trường học và các hoạt động du lịch, nêu rõ lộ trình, các điều kiện, công việc cần làm, diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm. "Tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn, hợp lý, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình".

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 4

Thủ tướng nhấn mạnh: “Khi chưa có đủ vaccine, chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính và điều này ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội". Đến nay, khi đã đạt độ bao phủ vaccine, đúc kết được các kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng chống dịch thì chúng ta mạnh dạn, tự tin mở cửa trở lại".

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 5

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), trong giai đoạn đầu Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được triển khai đã có những kết quả tích cực. Từ tháng 11/2021 đến ngày 10/2, Việt Nam đã đón được khoảng 9.000 khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vaccine”, đảm bảo điều kiện an toàn, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Đây được xem là tín hiệu khả quan, mang đến hy vọng cho việc sớm phục hồi du lịch trong năm 2022.

“Sau hơn 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế nói chung, gặp rất nhiều khó khăn. Từng bộ, ngành phải hết sức khẩn trương, trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 6
Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. (Ảnh: Phạm Huy Trung)

Cùng chung ý kiến, theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, quan điểm đánh giá về dịch là mấu chốt rất quan trọng trong quyết định mở cửa du lịch. Thực tế số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam vẫn rất cao và có tỷ lệ ngày càng tăng sau Tết Nguyên đán, nếu căn cứ vào chỉ số ca nhiễm sẽ rất khó đưa ra quyết định nới lỏng hay mở cửa.

Theo ông, để đánh giá mức độ dịch nặng hay nhẹ vào thời điểm này cần căn cứ vào số bệnh nhân nhập viện hoặc số ca tử vong. Và thực tế thì con số này đã giảm, không cao như giai đoạn trước.

Một khi đã mở cửa du lịch quốc tế, ông Lương lưu ý nên xem xét nới lỏng điều kiện vì nếu yêu cầu khắt khe quá, khách du lịch sẽ e ngại khi đến Việt Nam. Nhưng nếu “mở quá” cũng đáng lo, vì Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo sau Omicron vẫn còn có thể có biến thể khác của virus với mức độ nguy hiểm chưa thể đánh giá.

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 7

Với việc triển khai chương trình thí điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế một cách chủ động, qua đó thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch Covid-19 của đất nước thời gian qua, khẳng định chủ trương đúng đắn về "chiến lược vaccine" của Đảng, Chính phủ.

Việc triển khai chương trình là động lực tích cực, là "liều thuốc tinh thần" khích lệ các doanh nghiệp du lịch quyết tâm khôi phục lại hoạt động sau 2 năm gần như đóng cửa, chủ động kết nối lại thị trường, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, qua đó góp phần lan tỏa, thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế.

Thông qua việc triển khai chương trình thí điểm, với những kết quả đạt được bước đầu đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch "an toàn, hấp dẫn", cũng như khẳng định năng lực "thích ứng an toàn, linh hoạt" của ngành du lịch Việt Nam. Đó cũng là căn cứ quan trọng để du lịch Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, góp phần nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 8

Trong bối cảnh đại dịch, du lịch Việt Nam đang đi đúng hướng với việc thích ứng, linh hoạt chung sống với Covid-19, đồng thời tiếp tục giành được các giải thưởng du lịch uy tín quốc tế. Đó là tín hiệu cho thấy du khách quốc tế vẫn luôn đánh giá cao sức hấp dẫn, an toàn của các điểm đến Việt Nam.

Đánh giá về hiệu quả của việc đón khách quốc tế trong giai đoạn thí điểm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, việc thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 1 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, minh chứng nước ta là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”, cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành Du lịch Việt Nam. Trên cơ sở này, nước ta cần chủ động mở rộng cửa đón khách quốc tế ngay trong mùa hè năm nay.

Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy, lượng tìm kiếm đã tăng dần từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022. Lượt tìm kiếm vào thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021.

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 9
Lượng tìm kiếm quốc tế đến Việt Nam trên Google Destination Insights. (Ảnh chụp màn hình) 

Đây là tín hiệu đầy khả quan về một sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam năm 2022, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.

Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thời điểm ngày 21/1 tăng 425% so cùng kỳ 2021, thời điểm ngày 3/2 (ngày cập nhật số liệu mới nhất) tăng 374% so cùng kỳ 2021.

Cùng với đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng cao rõ rệt từ đầu tháng 12/2021. Thời điểm đầu tháng 1/2022 tăng 42% so cùng kỳ 2021. Sau đó tiếp tục duy trì ở mức cao và thời điểm ngày đầu tháng 2/2022 đạt mức tăng 86% so cùng kỳ 2021.

[LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế - Ảnh 10
Ảnh internet.

Trên cơ sở đó, theo Bộ VHTTDL, để mở cửa đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, cần ban hành hướng dẫn thủ tục nhập xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Ngoài ra, tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng - "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới. Gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Bài viết: Lan Anh
Đồ họa: Hoàng Việt

Bạn đang đọc bài viết [LONGFORM] Du lịch mở cửa: ‘Liều thuốc tinh thần’ phục hồi kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023
Khép lại năm 2023, trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.

Tin mới