Thứ hai, 25/11/2024 05:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/04/2022 10:00 (GMT+7)

Việt Nam đã kiểm soát và loại trừ hoàn toàn các chất làm suy giảm tầng ozone

Theo dõi KTMT trên

Là một nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất làm suy giảm tầng ozone (HCFC) như CFC, Halon, CTC; kiểm soát xuất, nhập khẩu Methyl Bromide và thực hiện loại trừ theo lộ trình các chất HCFC.

Loại bỏ chất nguy hại làm suy giảm tầng ozone

Mới đây, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa phối hợp Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, tổ chức hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone”.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, bà Mai Kim Liên cho rằng, theo quy định của Nghị định thư Montreal, là một nước thành viên, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ozone (HCFC) như CFC, Halon, CTC; kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu Methyl Bromide và thực hiện loại trừ theo lộ trình các chất HCFC. Các môi chất này được sử dụng chính trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan là một mắt xích quan trọng trong công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu các chất HCFC tại biên giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong loại trừ hoàn toàn việc tiêu thụ chất HCFC.

Để tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu và Cục Điều tra chống buôn lậu và đang triển khai nhiều hoạt động như phối hợp đào tạo, tổ chức tập huấn, phổ biến... tăng cường, nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Trong khuôn khổ Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn 1, cơ quan hải quan đã thực hiện loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở. Bên cạnh đó, gần 500 cán bộ hải quan được tập huấn về kiểm soát xuất nhập khẩu các chất HCFC, nâng cao nhận thức về phòng chống buôn bán bất hợp pháp các chất HCFC và bảo vệ tầng ozone.

Việt Nam đã kiểm soát và loại trừ hoàn toàn các chất làm suy giảm tầng ozone - Ảnh 1
Là một nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ozone (HCFC). (Ảnh minh họa)

Thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, có hiệu lực thi hành từ ngày 7/1/2022. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gồm các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hàng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm các biện pháp chính sách, quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở; Công nghệ, quy trình sản xuất, dịch vụ ít phát thải khí nhà kính; Các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bảo vệ tầng ozone, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu

Theo Cục Biến đổi khí hậu, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon (Nghị định thư Montreal) là một trong những thỏa thuận quốc tế thành công nhất cho đến nay. Nỗ lực chung của cả thế giới trong việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon đã góp phần thu hẹp lỗ thủng tầng ozon, qua đó bảo vệ sức khỏe con người, duy trì sự ổn định kinh tế và các hệ sinh thái.

Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Viên về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ tháng 1/1994.

Bên cạnh đó, khoảng 1/3 tổng lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí mỗi năm, phần lớn là do không được tiếp cận với các chuỗi cung ứng lạnh. Việc này không chỉ lãng phí kinh tế (mất hàng tỷ USD mỗi năm) mà ước tính tạo ra 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính mỗi năm trên toàn cầu.

Do đó, trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam cần thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC (tương đương với hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC chỉ còn 2.600 tấn, giảm 1.000 tấn so với giai đoạn trước); giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040.

Được biết, tháng 9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon. Theo đó, Việt Nam đặt ra lộ trình quản lý, cắt giảm các chất HFC trong giai đoạn từ năm 2024 - 2045. Mức tiêu thụ cơ sở các chất HFC được xác định căn cứ trên lượng tiêu thụ trung bình của 3 năm 2020, 2021, 2022.

Hiện nay, bảo vệ tầng ozon là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozon đã được quy định tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Thời gian tới, việc triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam sẽ đồng bộ, hiệu quả hơn nữa khi Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon được ban hành, đi vào cuộc sống.

Hằng năm, sự kiện Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng và toàn xã hội.

Trước đó, Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2021 với chủ đề “Nghị định thư Montreal: Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vaccine”, nhằm nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tầng ozone giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực làm mát, đảm bảo an ninh lương thực và bảo quản vaccine.

Theo báo cáo đánh giá năm 2018, cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỷ lệ phục hồi của tầng ozone là 1-3%. Với tỷ lệ phục hồi như vậy, tầng Ozone ở Bắc Bán Cầu sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2030. Đến năm 2050, tầng Ozone tại Nam Bán cầu và đến năm 2060 tại những vùng cực Nam bán cầu sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Tầng ozone ngăn 97-99% tia cực tím của bức xạ Mặt trời đến Trái Đất, có tác dụng lọc tia cực tím nguy hại cho thảm thực vật và có thể gây ung thư cũng như bệnh đục thuỷ tinh thể ở người.

Nếu tầng ozone bị suy giảm 1% sẽ dẫn đến việc gia tăng tia cực tím ở tầng đối lưu khoảng 2%.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đã kiểm soát và loại trừ hoàn toàn các chất làm suy giảm tầng ozone. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới