Thứ sáu, 22/11/2024 17:30 (GMT+7)
Thứ hai, 24/10/2022 06:55 (GMT+7)

Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Đây là thời điểm quan trọng của Việt Nam trong việc triển khai, hướng đến phát thải ròng bằng “0”, do đó cần đẩy mạnh hợp tác để xây dựng những dự án thúc đẩy việc thực hiện cam kết tại COP26 và tiến tới COP27.

Thiên tai gây thiệt hại gần 9.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, chỉ riêng lũ lụt đã làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thiệt hại lên đến gần 9.000 tỷ đồng do thiên tai.

Trong đó, ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương bởi lũ lụt, nước biển dâng. Thực tế tại ĐBSCL năm 2022 cho thấy hiện tượng ngập lụt, sụt lún đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Theo dự báo, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích ĐBSCL bị ngập, lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác. 

Thời gian qua, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, ngập lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản cũng như gây tác hại nghiêm trọng đến nhiều mặt đời sống của người dân, góp phần cản trở sự phát triển của vùng nói chung, doanh nghiệp ĐBSCL nói riêng.

Nghiên cứu của ThS Hoàng Thị Bình Minh, Viện nghiên cứu khoa học Miền Trung cũng cho thấy, biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất. Có nguyên nhân bắt nguồn từ tự nhiên và nhân tạo nhưng con người là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Với sự hiện diện của 8 loại hình do thiên tai, hiểm họa gây ra bao gồm bão, lũ, lụt, hạn hán, sạt lở đất, lốc, xâm nhập mặc và xói lở bờ sông, miền Trung là nơi nhạy cảm và thể hiện rõ ràng nhất về vấn đề biến đổi khí hậu.

Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thiệt hại lên đến gần 9.000 tỷ đồng do thiên tai.

Nhiều năm qua, các hình thế thời tiết cực đoan, như bão và áp thấp nhiệt đới, gây hệ quả về sạt lở đất, xói mòn, trượt lở đất gây ra rất nhiều thiệt hại về người và của cho người dân địa phương. Đáng ngại hơn, hiện tượng hạn hán cũng xuất hiện tại miền Trung dù đây là nơi có mưa nhiều. Hạn hán kết hợp với nước biển dâng cao đã dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và khan hiếm nguồn nước cho các hoạt động.

Do đó, an ninh nguồn nước và lương thực ở khu vực bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. ThS Hoàng Thị Bình Minh cho rằng, hạn hán, bão lũ thất thường và nước biển dâng là ba vấn đề liên quan đến khí hậu cần phải nghiên cứu giải quyết để hạn chế thiệt hại đến con người và đời sống.

Xây dựng giải pháp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu

Thực tế hiện nay, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sự ổn định chính trị thế giới. Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "hành động quyết định ngay bây giờ để ngăn chặn thảm họa khí hậu”. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ nhằm ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, đề ra phương án thích nghi được với những biến đổi, từ đó, giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo vệ được nền kinh tế của Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cho biết: “Việc nhận định rõ ràng về vấn đề biến đổi khí hậu sẽ giúp cho chúng ta có các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế những thiệt hại có thể gây ra bởi hiện tượng thời tiết cực đoan trước mắt và cả về lâu dài. Lấy ví dụ như trong những năm qua, tôi nhận thấy hiện tượng mưa bão đang dần giảm ở Miền Bắc và chuyển dịch về phía Nam. Đây có thể là dấu hiệu của hiện tượng biến đổi khí hậu nhưng lại rất ít được đề cập, đánh giá tác động”.

Khẳng định nếu chỉ đánh giá chủ quan từ một vài hiện tượng khí tượng thất thường để đưa ra hệ quả của biến đổi khí hậu là chưa đủ, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, cần dựa trên những công trình nghiên cứu, lưu trữ số liệu căn cơ trong nhiều năm để so sánh rồi mới đưa ra kết luận để tìm ra giải pháp hiệu quả ứng phó với mọi tác động. Tuy nhiên, hiện nay các phương pháp khoa học dường như chưa có sự quan tâm đúng mức.

Mới đây, Hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu và An ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển” trong khuôn khổ Diễn đàn Franconomics IV 2022 đã diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, Hội thảo hướng đến mục tiêu làm rõ tình trạng biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu với ngành sản xuất lương thực hiện nay tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia đang phát triển nói chung.

Đồng thời, trao đổi về kinh nghiệm, giải pháp giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và đưa ra các đề xuất để nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai, đề xuất chính sách với Đảng và Chính phủ nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu với ngành nông nghiệp và phương thức hợp tác với các nước đang phát triển để hình thành nỗ lực chung nhằm đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường trong tương lai.

Theo ông Hervé Conan – Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Hà Nội, hiện nay là thời điểm quan trọng của Việt Nam trong việc triển khai, hướng đến phát thải ròng bằng “0”. Bởi Việt Nam là 1 trong 5 nước có vùng Duyên hải đang bị đe dọa trước những biến đổi khí hậu khi lượng khí thải CO2 tăng và mực nước biển có nguy cơ dâng cao

Trong đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với đại diện các nước Châu Âu và Vương quốc Anh để xây dựng những dự án thúc đẩy việc thực hiện cam kết trong Hội nghị COP26 và làm những cam kết mới trong Hội nghị COP27 sắp diễn ra, nhằm đạt được mục tiêu là nước có thu nhập cao vào năm 2045, và phát mức thải ròng bằng “0” vào năm 2050.                                                        

Để thực hiện những mục tiêu đó, không chỉ các nước trên thế giới nói chung mà cả Việt Nam nói riêng cần phải có sự đầu tư lớn về nguồn lực. Thông qua việc gặp gỡ nhân dân, chính quyền địa phương từ đó, tìm ra giải pháp hữu hiệu cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, vì chính người dân là những người đã phải chịu những tác động thiên tai do bão lũ, mưa lụt gây ra, đặc biệt là nhân dân miền Trung.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao hệ thống cảnh báo sớm trong giảm thiểu rủi ro thiên tai của Việt Nam

Việt Nam có 186 trạm khí tượng bề mặt, 2.500 điểm đo mưa tự động, 14 trạm đo bức xạ, 232 trạm thủy văn, 26 trạm khí tượng thủy văn biển, 10 radar thời tiết, 179 trạm quan trắc môi trường không khí và nước và 18 trạm định vị sét.

Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu tác động của thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán có tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới nhiều vùng, nhiều lĩnh vực. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan. Thiên tai đã ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần tăng cường hệ thống cảnh báo sớm cấp quốc gia.

Nằm trong chuỗi các hoạt động của chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao hệ thống cảnh báo sớm trong giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như công tác dự báo thời tiết, thủy văn của Việt Nam. Đồng thời, ông nhấn mạnh, khi có hệ thống cảnh báo sớm, chúng ta sẽ biết tai họa xảy ra và sẽ có thời gian để sơ tán người dân, bảo vệ tài sản. Tất cả các mục tiêu mà chúng ta đang cố gắng thiết lập liên minh trong 5 năm tới là hệ thống cảnh báo ở các nước được xây dựng với mục đích chấm dứt những thảm họa ảnh hưởng đến sinh mạng con người, tài sản.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh niên 9x khởi nghiệp với hoa cẩm cù
Đỗ Văn Phúc (SN 1991) bất ngờ khám phá niềm yêu thích đặc biệt với hoa cẩm cù. Từ đó, anh đã biến đam mê này thành sự nghiệp, gặt hái thành công và tạo ra nguồn thu nhập ổn định tại Bình Phước.

Tin mới