VIASEE nhận Bằng khen của VUSTA
Sáng 16/3, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trao Bằng khen cho Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Sáng 16/3, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) tổ chức Hội nghị gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn và triển khai kế hoạch năm 2024.
Tham dự Hội nghị có TSKH. Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp hội Việt Nam); PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Tường Quân - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam kiêm Trưởng ban Khoa học; TS. Nguyễn Văn Phúc - Phó Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; cùng nhiều đại biểu, đại diện các chi hội trực thuộc.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có bà Nguyễn Thị Huyền, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Tại Hội nghị, Nhà báo Nguyễn Tường Quân đã đọc Quyết định của Liên Hiệp hội Việt Nam về việc trao Bằng khen cho Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, ghi nhận những đóng góp của VIASEE đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Liên Hiệp hội Việt Nam nói riêng.
Sau khi trao Bằng khen của Liên Hiệp hội Việt Nam cho Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chúc mừng những thành tựu mà VIASEE đã đạt được trong năm vừa qua.
Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, 2023 là một năm rất đặc biệt đối với Liên Hiệp hội Việt Nam khi được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm ấy được thể hiện bằng những văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đối với đội ngũ trí thức, khoa học công nghệ. Không những thế, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước còn trực tiếp tham dự những sự kiện quan trọng của Liên Hiệp hội Việt Nam.
Ngày 24/3, Liên Hiệp hội Việt Nam vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023), 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023). Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng trực tiếp tham dự những sự kiện quan trọng liên quan đến hoạt động tư vấn phản biện, giám định xã hội của Liên Hiệp hội Việt Nam.
"Để có được sự quan tâm đặc biệt ấy chính là nhờ sự cống hiến, cố gắng không ngừng nghỉ của tất các hội, hiệp hội trực thuộc, trong đó có Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. VIASEE là một trong những đơn vị tiêu biểu, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Liên Hiệp hội Việt Nam. Mặc dù mảng môi trường rất nhạy cảm, nhưng hoạt động của VIASEE luôn bám sát tôn chỉ mục đích, không để xảy ra tiêu cực.
Hiếm có đơn vị nào nhận được nhiều giải thưởng báo chí, nhiều bằng sáng chế (ứng dụng trong thực tế), nhiều công trình nghiên cứu khoa học như VIASEE. Xin được biểu dương, ghi nhận những kết quả mà VIASEE đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực từ phát triển tổ chức, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn phản biện giám định xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí, những kết quả mà các đồng chí đạt được đã góp phần tạo nên thương hiệu cho VUSTA. Mong rằng trong thời gian tới, các đồng chí tiếp tục cố gắng, cống hiến bằng tất cả nhiệt huyết cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ nước nhà, xứng đáng với sự tin tưởng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho đội ngũ trí thức", TSKH. Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam dành cho Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam khẳng định, VIASEE sẽ cố gắng hết sức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Liên Hiệp hội Việt Nam giao phó.
Tại Hội nghị gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn và triển khai kế hoạch năm 2024 nhiều đại biểu tham gia cũng đã có những góp ý về công tác phát triển hội trong năm tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Phó Tổng thư ký VIASEE cho biết, ông cơ bản tán thành về báo cáo kết quả hoạt động của Hội trong năm 2023 và định hướng triển khai kế hoạch năm 2024. "Sứ mệnh của Hội chúng ta là vì lợi ích của các hội viên; là đại diện, bảo vệ lợi ích của các Hội viên. Nếu chúng ta nếu không làm được việc đó thì các hội viên sẽ không tham gia. Chúng ta cần làm rõ xem thời gian qua chúng ta đã bảo vệ các hội viên như thế nào", Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc khẳng định.
Vị này nói thêm, trong thời gian tới, Ban Hội viên của Hội cần được kiện toàn. Song song với đó là kiện toàn ban chấp hành. Hội có thể tổ chức nhiều cuộc họp ban chấp hành trên một năm. Thậm chí là họp phiên họp bất thường nếu cần thiết. TS. Nguyễn Văn Phúc cũng nêu ý kiến VIASEE kiện toàn Ban Thường vụ của hội.
Tiến sĩ Lê Đình Tiến, Phó chủ tịch Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam nêu quan điểm: "Tôi đánh giá cao các nhà khoa học của VIASEE trong vấn đề tham vấn phản biện phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Lĩnh vực môi trường đang được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, hai hội hoàn toàn có thể ký hợp tác trên nhiều lĩnh vực".
Dưới góc độ hội viên, bà Nghiêm Thị Vân, Hội viên Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ: "Tôi cũng tham gia rất nhiều hội liên quan đến tư vấn, khai thác khoáng sản. Vì công ty chúng tôi làm các dự án thiết kế liên quan đến môi trường như tuyển quặng, xây dựng quy chuẩn nghiệm thu về nước thải do Bộ Công Thương đặt hàng. Tôi đánh giá Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có rất nhiều chuyên gia am hiểu về lĩnh vực kinh tế môi trường, kinh tế tuần hoàn nên tôi rất muốn tham gia hội để nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia và hợp tác của Hội và các thành viên trực tiệp hội.", bà Vân nói.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Lợi, Phó viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, VIASEE cần nghiên cứu, đề ra các đề án để triển khai trong năm 2024 sớm hơn. Việc đề các đề án nên được thực hiện từ quý III năm trước. Trong đó, cần hết sức quan tâm đến các đề án về vấn đề môi trường từ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hình thức thực hiện là tổ chức hội thảo, góp ý để phản biện, đánh giá các văn bản.
Phó viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho rằng, các Viện, Trung tâm trực thuộc VIASEE nên mở rộng chức năng về tư vấn môi trường, giấy phép môi trường... Huy động các nguồn lực từ các nhà khoa học trong Viasee để cùng thực hiện.
PV