Vì sao người dân không đồng ý công ty Thủ Đô khai thác vàng trên núi Pu Phen
Nhiều năm đã qua nhưng hệ lụy từ "vàng tặc" tại huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn còn, vết thương vẫn chưa liền sẹo. Đây chính là lý do khiến đồng bào nơi đây không đồng tình cho thực hiện dự án khai thác vàng tại địa phương.
Ký ức kinh hoàng vàng tặc càn quét Pu Phen
Đã hơn 15 năm, kể từ khi Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô (Công ty Thủ Đô) vào thăm dò khoáng sản, người dân 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An lại cảm thấy bất an khi nghe tin, doanh nghiệp mong muốn được khai thác vàng trên núi Pu Phen. Bởi trước đó, hàng trăm người dân tứ xứ và địa phương cùng nhau lên núi đào hầm để khai thác vàng trái phép là việc chưa từng có ở một vùng quê hẻo lánh. Từ đó, đã kéo theo hàng tá hệ lụy mà sau này nhắc đến, người dân nơi đây vẫn không khỏi bàng hoàng mỗi khi nhớ lại.
Theo người dân nơi đây kể lại, khoảng năm 2008, trên địa bàn có công ty vào núi Pu Phen thăm dò khoáng sản. Một thời gian sau, xung quanh khu vực núi Pu Phen như một đại công trường, tấp nập người ra kẻ vào, đỉnh điểm có đến hơn 20 đội đi vào khai thác vàng trái phép. Các đội chia nhau các khu vực rồi đục khoét vào lòng núi sâu cả trăm mét. Các đối tượng thường dùng những chất hóa học như thủy ngân để khai thác vàng. Những chất thải này sau đó được đổ thẳng ra các khe suối chảy về các bản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho vùng hạ lưu.
Trao đổi với Phóng viên, ông Vi Thanh Bảy – Bí thư bản Na Bón, xã Yên Na cho biết: “Cách đây 10 năm, khi tôi còn làm công an xã đã phải tham gia truy quét vàng tặc rất vất vả. Thời điểm đó, những người tứ xứ đến đây vào khai thác trái phép vàng rất nhiều. Từ đó các tệ nạn như ma túy, mại dâm,… xuất hiện ngày một nhiều khiến cuộc sống người dân xã Yên Na, Yên Tĩnh thêm phần khó khăn. Thậm chí khi đi tuần tra, bắt gặp cán bộ, các đối tượng còn bắn súng thị uy khiến chúng tôi hết sức vất vả để truy quét. Đến nay cuộc sống người dân đã yên bình trở lại, chúng tôi không muốn quay lại thời kỳ trước đó”.
Cùng chung quan điểm trên, ông Lương Xuân Nước - người có uy tín tại bản Xiêng Nứa, xã Yên Na nói rằng: “Người dân chúng tôi lo ngại khi dự án triển khai sẽ gây ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân (chăn nuôi cá), ảnh hưởng đến môi trường (khe Chà Ha). Hiện tại nước khe, suối trong xanh, cây cối tươi tốt, nếu khai thác vàng trở lại có nguy cơ làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và môi trường. Vì vậy, tôi không đồng ý với dự án, đề nghị không cho khai thác vàng nữa”.
Ông Vi Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Yên Na thông tin, tại các cuộc họp, nhân dân và cán bộ xã kiên quyết không đồng tình cho doanh nghiệp khai thác vàng. Người dân nơi đây lo sợ các tệ nạn như ma túy, cờ bạc, mại dâm, ô nhiễm môi trường... lại tái diễn.
Tại xã Yên Tĩnh, hơn 10 năm trôi qua, khi nhắc tới việc khai thác vàng, người dân nơi đây lại cảm thấy bất an, bởi ký ức kinh hoàng ngày ấy vẫn còn hiện hữu. Những đứa trẻ không cha, không mẹ, những người mang trong mình căn “bệnh lạ” đang là nhân chứng sống cho những hệ lụy mà việc khai thác vàng để lại. Hiện trên núi Pu Phen, người dân đang phát triển dự án chè dây để phát triển kinh tế. Vì vậy chính quyền và nhân dân không đồng tình để tái diễn tình trạng khai thác vàng như trước đó.
Chính quyền cùng người dân kiên quyết phản đối
Trước đó, mặc dù UBND huyện Tương Dương và các cơ quan cấp tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép khai thác vàng ở Yên Na – Yên Tĩnh nhưng Công ty Thủ Đô vẫn ôm mộng khai thác vàng trên núi Pu Phen. Mới đây, ngày 9/5/2024, một hội nghị lấy ý kiến của UBMTTQ, UBND và cộng đồng dân cư xã Yên Na về “Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại xã Yên Na, Yên Tĩnh” đã diễn ra.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Liên, chuyên viên môi trường của Công ty Thủ Đô đã trình bày tóm tắt dự án: Công ty Thủ Đô đã thực hiện thăm dò từ năm 2008 và được cấp phép khai thác năm 2017. Hiện tại, công ty đang tiến hành tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ còn thiếu đề khai thác mô vàng tại khu vực xã Yên Na và Yên Tĩnh. Công suất 13.800 tấn quặng vàng nguyên khai/năm và khai thác trong vòng 15 năm. Áp dụng công nghệ khai thác hầm lò. Nhân công dự kiến khoàng 40 người. Tổng diện tích ảnh hưởng khoảng hơn 126 ha. Đối với phần lợi nhuận, công ty cam kết sẽ trích 1 phần để hỗ trợ cho nhân dân 2 xã.
Tuy nhiên, tại hội nghị, 35/35 người dân được lấy ý kiến và tỉ lệ 100% biểu quyết không đồng ý với việc triển khai dự án trên.
Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh, ông Lữ Khăm Phon tỏ thái độ cứng rắn: "Khi nhắc đến khai thác vàng, người dân nơi đây liền nghĩ đến một bức tranh màu xám. Ký ức và hệ lụy của khai thác vàng trái phép vẫn còn để lại trong lòng dân sự bất an, ác cảm nhất định. Quan điểm của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cấp xã và người dân rất kiên định, từ trên xuống dưới kiên quyết không đồng tình với dự án này. Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thu hồi giấy phép khai thác”.
Tại công văn số 1439/UBND-NL ngày 31/12/2022 của UBND huyện Tương Dương phúc đáp công văn số 25/CV-TĐ ngày 19/12/2022 của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô, với nội dung: “UBND huyện Tương Dương giữ nguyên quan điểm đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản tại công văn số 1372/UBND-NL ngày 20/12/2021 về việc đề nghị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP-BTNMT ngày 19/01/2017 và không đồng ý việc tham vấn đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường của dự án: Công trình khai thác hầm lò mỏ vàng gốc tại các xã Yên Na, Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An theo đề nghị của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô".
Ông Nguyễn Phùng Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương, cho biết: “Trước đây, trên địa bàn các xã Yên Na, Yên Tĩnh có tình trạng khai thác vàng trái phép gây ra một số hệ lụy như nghiện hút ma túy, mại dâm, trẻ mồ côi, ... nên người dân nơi đây không đồng ý cho doanh nghiệp này khai thác vàng. Năm 2021, huyện đã có văn bản đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, không đồng ý để doanh nghiệp tiếp tục khai thác vàng trên núi Pu Phen. Quan điểm của huyện là nhất quán, không thay đổi…”.
Mới đây, ngày 17/5/2024, tại báo cáo kết quả về việc tham mưu các nội dung liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na -Yên Tĩnh, UBND huyện Tương Dương đã có văn bản kiến nghị, đề xuất các sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu UBND tỉnh tiếp tục báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP-BTNMT ngày 19/01/2017 theo đề nghị của UBND huyện Tương Dương tại Công văn số 1372/UBND-NL ngày 20/12/2021 (có công văn kèm theo).
PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần đánh giá trực diện các hành vi khai thác trái phép khoáng sản gây tổn hại về kinh tế, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Các hành vi khai thác trái phép đều vi luật (vi phạm pháp luật) và không hề tuân thủ các quy định, chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường tự nhiên và xã hội. Sự lộng hành của các đơn vị này làm người dân hoang mang, mất lòng tin, đồng thời có khả năng hình thành các tụ điểm nguy hiểm, sa đà vào các tệ nạn xã hội nhờ nguồn lợi lớn từ hoạt động khai thác trái phép.
Tuấn Quỳnh - Quang Trường