Thứ bảy, 09/11/2024 20:23 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/09/2022 07:55 (GMT+7)

Vì sao hàng loạt ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng lãi suất?

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, một loạt ngân hàng trung ương từ châu Á đến châu Âu đã công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, sau hành động tương tự của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cụ thể, các ngân hàng trung ương của Philippines và Indonesia trong chiều 22/9 đồng loạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Với động thái đó, lãi suất của Philippines hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019 là 4,25%.

Vì sao hàng loạt ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng lãi suất? - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Đối với Indonesia, đây là tháng thứ 2 liên tiếp ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ - điều nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích.

Tại châu Âu, các ngân hàng trung ương Na Uy và Thụy Sĩ cũng có bước đi tương tự. Ngân hàng trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 2,5%. Dự kiến, mức lãi suất mới này của Thụy Sỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 23/9.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng sẽ công bố quyết định liên quan đến lãi suất trong ngày 22/9. Theo dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %, lên 2,25%. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là lần thứ hai trong hai tháng liên tiếp BoE điều chỉnh lãi suất với mức tăng lớn nhất kể từ năm 1995.

Dù tiếp tục kiên trì chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng chiều nay, Nhật Bản đã phải tuyên bố có động thái can thiệp, dùng dự trữ ngoại hối mua vào đồng Yen để ngăn đà giảm của đồng tiền này trước USD. Đồng Yen đã mất giá gần 20% trong năm nay, xuống mức thấp nhất trong 24 năm. Đây cũng là lần đầu tiên trong 24 năm, Nhật Bản thực hiện mua vào đồng Yen để can thiệp tỷ giá.

Trước đó, rạng sáng 22/9 (giờ Việt Nam), FED quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm % nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua.

Mức tăng này đã được tất cả các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) ủng hộ, đưa lãi suất cơ bản tại Mỹ lên mức từ 3 - 3,25%, cao nhất từ năm 2008.

Các quan chức FED cho rằng việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rủi ro suy thoái theo đó đang gia tăng.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 của Mỹ trong năm nay, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất với mức 0,75 điểm %, biện pháp đã không được dùng đến trong nhiều thập kỷ.

Hà Ly

Bạn đang đọc bài viết Vì sao hàng loạt ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng lãi suất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần có quỹ tài chính xanh
Theo T.S Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, ngoài việc xây dựng cơ chế cụ thể cho tài chính xanh, Chính phủ nên nghiên cứu lập quỹ tài chính xanh.
Mua xăng không cần tiền mặt trên ứng dụng PVOIL 4U
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) chính thức kết nối thành công hệ thống thanh toán trên ứng dụng PVOIL 4U của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), mang đến sự thuận tiện cho khách hàng khi mua xăng dầu tại các điểm bán trên toàn hệ thống PVOIL

Tin mới