Chủ nhật, 24/11/2024 21:56 (GMT+7)
Thứ hai, 07/03/2022 06:00 (GMT+7)

Vì sao Bộ Y tế đề xuất dừng công bố số ca mắc Covid-19 hàng ngày?

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất tạm dừng việc thông báo số ca mắc Covid-19 hằng ngày để tránh gây hoang mang người dân do số nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch.

Tránh gây hoang mang 

Trong báo cáo công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế nhận định đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128.

Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 141.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày và hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP.Hà Nội và TP.HCM thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của TP.Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron; tại TP.HCM biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene.

Biến thể BA.2, còn được gọi là "Omicron tàng hình" đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.

Tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên toàn quốc giảm sâu.

Vì sao Bộ Y tế đề xuất dừng công bố số ca mắc Covid-19 hàng ngày? - Ảnh 1
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. 

Tỉ lệ tử vong/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.

Phân bố tỉ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2/2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.

Theo TS Trần Thanh Tùng (Đại học Y Hà Nội), hiện nay nhiều người nhiễm nhưng không báo nên số liệu không chính xác. Hơn nữa hầu hết ca nhiễm hiện nay biểu hiện nhẹ do đã được tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19.

TS Tùng cho rằng việc xem số liệu hằng ngày đã thành thói quen của người dân. "Tuy nhiên khi con số đã không còn chính xác, không đánh giá đúng tình trạng dịch bệnh và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thì chúng ta nên gỡ bỏ. Tại nhiều nước họ đã không còn công bố ca nhiễm hằng ngày nữa. Bộ Y tế chỉ nên công bố số ca nặng phải nhập viện và tử vong hằng ngày mà không cần phải công bố ca mới chung", TS Tùng nói.

Bộ Y tế cho biết tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch, tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19; Hướng dẫn cách ly y tế đối với ca bệnh Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần...

Số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch Covid-19

Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.

Hiện có 2.150 xã, phường cấp độ 3 - nguy cơ cao (chiếm 20,3% số xã, phường cả nước); 401 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (3,8%) tại 22 tỉnh, thành phố

Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo cho phép tạm dừng việc thông báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Đề xuất cho F0 và F1 làm việc

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất cho F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly. Đề xuất này áp dụng với nhóm F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc.

Theo đó, các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí cho F0 thuộc nhóm trên thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc cho phép họ tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Riêng những người được bố trí làm việc tại cơ sở điều trị Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2. Không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân tuy nhiên lưu ý phải đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc đã bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, làm việc, không tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

Với F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến, nếu làm việc trực tiếp các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.

8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch, gồm:

- Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân.

- Tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người.

- Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân.

- Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên điạ bàn.

- Tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định tiêm chủng) trong số đối tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã.

- Tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã.

- Tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh Covid-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện/100.000 dân tại thời điểm đánh giá.

- Tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Bộ Y tế đề xuất dừng công bố số ca mắc Covid-19 hàng ngày?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới