Thứ sáu, 22/11/2024 10:51 (GMT+7)
Thứ tư, 25/05/2022 08:55 (GMT+7)

Ưu tiên giải quyết vấn đề môi trường khi thực hiện Quy hoạch Thủ đô

Theo dõi KTMT trên

Theo đề xuất của các chuyên gia, trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này cần lồng ghép các vấn đề về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến xây dựng xã hội văn minh, thông minh, xanh, phát triển bền vững… công tác xử lý chất thải rắn cần được quan tâm đặc biệt, triển khai theo hướng hiện đại, thông minh nhằm tiết giảm chất thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng.

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, TP. Hà Nội đã và đang triển khai công tác xử lý chất thải rắn theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 tại Quyết định số 609/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy hoạch 609). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, bất cập cần sớm giải quyết.

Ưu tiên giải quyết vấn đề môi trường khi thực hiện Quy hoạch Thủ đô - Ảnh 1
Nhà máy điện rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn nhìn từ trên cao. (Ảnh: TL)

Nhiều tồn tại trong xử lý chất thải rắn

Sau 8 năm triển khai Quy hoạch 609, công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Có thể kể đến như: 100% chất thải công nghiệp, y tế được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn; xấp xỉ 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khoảng 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý.

Mặc dù đã được nêu rõ trong Quy hoạch 609, đồng thời cũng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp lý liên quan nhưng cho đến nay TP. Hà Nội chưa có sự chuẩn bị về hạ tầng và chưa triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Điều này đi ngược với xu hướng của thế giới, gây gánh nặng cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

Tuy nhiên, theo rà soát còn nhiều nội dung trong Quy hoạch 609 chưa được triển khai, công tác xử lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập. Đầu tiên là Thành phố vẫn chưa thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hiện Hà Nội mới chỉ làm tốt công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với chất thải công nghiệp và y tế.

Hơn nữa, hệ thống thu gom chất thải rắn vẫn còn lạc hậu, công tác vận chuyển còn nhiều bất cập. Ngay tại khu vực nội đô, hoạt động thu gom vẫn được thực hiện bằng các phương tiện cơ giới thô sơ, được gia cố thêm các thanh tre, gỗ phía trên thùng xe để chứa rác, gây cảm giác nhếch nhác, mất vệ sinh. Hầu như toàn bộ hệ thống xe thu gom rác (từ xe đẩy tay trong ngõ xóm đến xe vận tải khối lượng) đều không được rửa thường xuyên, việc vận chuyển gây rò rỉ rác và nước rác, làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan Thành phố.

Đặc biệt, đến nay, Thành phố chưa xây dựng được trạm trung chuyển chất thải rắn nào, chỉ có 2 khu xử lý chất thải rắn là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) đang tiếp nhận, xử lý chất thải rắn cho toàn Thành phố, dự báo không còn khả năng chôn lấp trong 1 - 2 năm tới. Còn 5 trạm trung chuyển và 15/17 khu xử lý chất thải theo quy hoạch chưa được triển khai hoặc đã có xây dựng nhưng chưa hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do lựa chọn công nghệ không phù hợp...

Ưu tiên giải quyết vấn đề môi trường khi thực hiện Quy hoạch Thủ đô - Ảnh 2
Theo Luật Quy hoạch 2017, lĩnh vực xử lý chất thải rắn sẽ được tích hợp trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. (Ảnh minh họa)

Giảm phát thải, tăng tái chế

Ngày 7/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những yêu cầu tại Quyết định là nội dung lập quy hoạch phải định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cấp có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Giới chuyên gia cho rằng, trước khi bắt tay thực hiện Quy hoạch này, TP. Hà Nội cần rà soát, đánh giá toàn bộ kết quả thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn theo Quy hoạch 609. Bởi thực tế cho thấy những hạn chế trong công tác xử lý chất thải rắn thời gian qua tại Hà Nội là do công tác dự báo chưa chính xác; áp lực dân số tăng quá nhanh; năng lực quản lý Nhà nước còn yếu…

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu xu hướng xử lý chất thải rắn trên thế giới để lựa chọn công nghệ hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa xử lý chất thải rắn, vừa phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội nên ưu tiên đầu tư cho sản xuất phân compost (phân hữu cơ) từ chất thải thực phẩm. Đồng thời hoàn thành, vận hành 2 nhà máy đốt rác phát điện tại Sóc Sơn và Sơn Tây; khuyến khích đầu tư tư nhân cho các hoạt động tái chế khác.

Song song với đó, Hà Nội cần nghiên cứu phương án xây dựng hạ tầng đồng bộ cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn theo hướng hiện đại, văn minh, phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn… Mặt khác, Thành phố phải nghiên cứu, bố trí, phân vùng không gian cho các trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn cần đảm bảo tính khả thi về kinh tế, hợp lý về đặc điểm địa chất, vị trí địa lý, đảm bảo an toàn cho người dân.

Hà Nội cũng có thể tính đến phương án phối hợp để triển khai các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp tái chế tại các làng nghề của các tỉnh lân cận trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trong khu vực trong việc xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng…

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, việc phát triển và bảo tồn không gian xanh và mặt nước đã được chú trọng. Việc khai thác và duy trì hành lang xanh kết hợp với hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị đã được nhấn mạnh trong đồ án. Các nội dung này cũng đã được cụ thể hóa trong các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật như: Quy hoạch thoát nước, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ,…

ThS. Nguyễn Việt Dũng, Viện Quy hoạch Môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia) đề xuất, thời gian tới, TP. Hà Nội cần cần tập trung ưu tiên vào việc tính toán, bố trí hợp lý đất công viên cây xanh, các mảng xanh đô thị và quy hoạch mặt nước. Đối với các khu vực đô thị cũ cần khuyến khích cải tạo công trình theo hướng giảm thiểu mật độ xây dựng, tăng các không gian xanh, không gian đệm.

Còn KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định, để đô thị có sức đề kháng trước thiên tai, cũng như các tác động của biến đổi khí hậu thì công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong phát triển đô thị bền vững trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng bằng cách định hướng phát triển hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Khánh Thư

Bạn đang đọc bài viết Ưu tiên giải quyết vấn đề môi trường khi thực hiện Quy hoạch Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới