Trái đất vừa trải qua tháng 2 nóng nhất từ trước đến nay
Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), thế giới vừa trải qua tháng Hai nóng nhất từ trước đến nay. Nhiệt độ tại Châu Âu và Siberia đến Nam Mỹ tăng vọt kỷ lục.
Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của EU, còn gọi là C3S nhận định tháng 2 cũng là tháng thứ 9 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu ghi nhận ở mức cao chưa từng thấy do biến đổi khí hậu gây ra.
Năm ngoái, thế giới đã chứng kiến các cơn bão, các đợt hạn hán làm khô héo cây trồng và những trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra liên tiếp khi biến đổi khí hậu do con người gây ra kết hợp với hiện tượng El Nino đã khiến tình trạng ấm lên toàn cầu dường như ở mức nóng nhất trong khoảng 100.000 năm qua.
Giám đốc C3S Carlo Buontempo nhận định đây là chuỗi ngày dài nhất có mức nhiệt cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Từ tháng 2-2023 đến tháng 1-2024, trái đất lần đầu tiên trải qua 12 tháng liên tiếp với mức nhiệt cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Xu hướng này tiếp tục diễn ra khi mức nhiệt trong tháng 2 vừa qua cao hơn 1,77 độ C so với các ước tính cùng kỳ trong giai đoạn tiền công nghiệp (1850-1900).
Nhiệt độ tăng vọt trên khắp hành tinh trong tháng trước, từ Siberia đến Nam Mỹ, trong đó châu Âu cũng trải qua mùa Đông ấm thứ hai trong lịch sử.
Nhiệt độ bề mặt nước biển cũng cao nhất từ trước đến nay ở mức hơn 21 độ C ghi nhận vào cuối tháng trước, vượt qua mức nhiệt cực đoan trước đó ghi nhận hồi tháng 8/2023.
Đại dương bao phủ 70% diện tích hành tinh và hấp thụ 90% lượng nhiệt dư do tình trạng ô nhiễm carbon mà hoạt động của con người gây ra. Đại dương nóng lên đồng nghĩa với việc bầu khí quyển có nhiều hơi ẩm hơn, dẫn đến thời tiết ngày càng bất thường như mưa gió dữ dội hơn.
Dữ liệu của C3S cho rằng, xét đến những gì mà các nhà khoa học biết được về lịch sử nhiệt độ, “nền văn minh của chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với tình trạng khí hậu này”.
Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, thế giới đặt mục tiêu cố gắng duy trì mức tăng nhiệt độ ở mức hoặc dưới 1,5 độ C (2,7 độ F).Tuy nhiên theo dữ liệu 8 tháng qua, kể từ tháng 7 năm 2023 trở đi, mức độ nóng lên đã vượt quá 1,5 độ.
Các nhà khoa học khí hậu thông tin, lượng nhiệt kỷ lục là do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Hiện tượng El Nino tự nhiên, sự nóng lên của vùng trung tâm Thái Bình Dương cũng làm thay đổi các kiểu thời tiết toàn cầu.
Trước đó Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ dự báo hiện tượng El Nino kéo theo thời tiết nóng, khô ở châu Á và mưa lớn bất thường ở nhiều vùng của châu Mỹ sẽ chấm dứt trong nửa đầu năm 2024. Trong số các dự báo hàng tháng có đến 55% khả năng La Nina phát triển trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay.
Kim Ngân