Thứ sáu, 29/03/2024 20:20 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/08/2020 06:40 (GMT+7)

Trái đất đang rơi xuống 'điểm giới hạn biến đổi khí hậu'

Theo dõi KTMT trên

Theo các dữ liệu mới từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ hội tránh khủng hoảng khí hậu đang ngày càng mong manh.

Trái đất đang rơi xuống 'điểm giới hạn biến đổi khí hậu' - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng cháy rừng.

Nhiệt độ toàn cầu hàng năm đang tăng ít nhất 1 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp, và có khả năng vượt quá 1,5 độ C trong 5 năm tới. Nếu những dự đoán này là đúng thì hành tinh của chúng ta đang ngày càng khó có thể đạt được các mục tiêu mà Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu đặt ra 5 năm trước.

Giáo sư Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu của trái đất đã cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thách thức trước mắt là đạt được mức phát thải lớn nhất càng sớm càng tốt và hạ thấp mức phát thải vào nửa sau của thế kỷ này.

Theo các chuyên gia, mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, để hạn chế các tác động tiêu cực, các quốc gia trên thế giới cũng nên theo đuổi những nỗ lực để giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C.

Theo dữ liệu mới từ cơ quan Cập nhật Khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc, các nhà nghiên cứu dự đoán trong 5 năm tới nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng trong khoảng 0,91-1,59 độ C so với mức tiền công nghiệp, sẽ có ít nhất 1 năm nhiệt độ tăng cao hơn 1,5 độ C.

Trái đất đang rơi xuống 'điểm giới hạn biến đổi khí hậu' - Ảnh 2
Bắc Cực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Mộ trong những tác động của việc nhiệt độ gia tăng là gây ra thời tiết cực đoan hơn đang gây ra những hậu quả khôn lường đối với loài người và các sinh vật khác trên trái đất. Sự tác động của khí thải nhà kính do con người gây ra cũng góp phần khiến cho nhiệt độ tăng cao kỷ lục và băng tan ở các cực trái đất.

Báo cáo cho biết, nhiệt độ Bắc Cực đã ấm hơn gấp đôi so với trung bình toàn cầu vào năm 2020. Năm nay, nhiệt độ ở Nam Mỹ, Nam Phi và Úc cũng được dự báo tăng mạnh so với trước đây do biến đổi khí hậu. Cường độ và mức độ bão ở Bắc Đại Tây Dương cũng sẽ tăng lên, ảnh hưởng mạnh đến khu vực Vương quốc Anh và Tây Âu.

Giáo sư Taalas cũng cho biết, lượng thải CO2 toàn cầu thấp nhất trong 14 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không phải là thành quả của các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi thời gian tồn tại của CO2 trong khí quyển rất dài nên tác động của việc giảm phát thải trong năm nay dự kiến ​​sẽ không dẫn đến việc giảm nồng độ khí quyển CO2 đang làm tăng nhiệt độ toàn cầu.

"Nói một cách đơn giản, 2 độ C là giới hạn mà con người không được phép vượt quá. Khi nhiệt độ vượt quá 2 độ C, hành tinh sẽ không còn các rạn san hô rực rỡ, hàng nghìn loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng; sóng nhiệt, hạn hán và các sự kiện thời tiết cực đoan; sự dịch chuyển quy mô lớn của người dân và sự gia tăng nghèo đói toàn cầu" - giáo sư Taalas nhấn mạnh.

Để đối phó với tình trạng này, chính phủ các nước cần có những chương trình cụ thể, thể hiện quyết tâm hành động vì khí hậu như: ngừng các trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch, định giá khí thải carbon; ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than từ 2020 trở đi; chuyển thuế từ thu nhập thành thuế carbon; đánh thuế ô nhiễm thay vì đánh thuế vào con người.

Hoàng Anh

Bạn đang đọc bài viết Trái đất đang rơi xuống 'điểm giới hạn biến đổi khí hậu'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.