Thứ bảy, 23/11/2024 12:12 (GMT+7)
Thứ hai, 27/07/2020 09:29 (GMT+7)

Mùa hè ngày càng dài hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Nhiều nơi trên thế giới đang trải qua khoảng thời gian nắng nóng chưa từng có trong lịch sử. Biến đổi khí hậu đã khiến mùa hè dường như kéo dài hơn.

Đà tăng nhiệt của Trái Đất có thể cao hơn

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa có báo cáo đánh giá về nhiệt độ toàn cầu 6 tháng đầu năm 2020 và dự báo mức tăng nhiệt trong vòng 5 năm tới.

Các chuyên gia trên thế giới nhận định nhiều nơi đang trải qua khoảng thời gian nắng nóng chưa từng có trong lịch sử. Biến đổi khí hậu đã khiến mùa hè tại nhiều nơi trên thế giới dường như kéo dài hơn.

Một nghiên cứu toàn diện vừa được công bố ngày 23/7 dự báo đà tăng nhiệt của Trái Đất có thể cao hơn.

Nghiên cứu quốc tế được Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới ủy quyền thực hiện và do các nhà khoa học và giáo sư nghiên cứu khí hậu Australia dẫn đầu. Nghiên cứu đánh giá nhiệt độ trung bình toàn cầu khả năng sẽ tăng thêm khoảng 2,3 - 4,5 độ C nếu lượng khí thải CO2 trong không khí tiếp tục xu hướng hiện nay, tức là gấp đôi so với các mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Mùa hè ngày càng dài hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - Ảnh 1

Để chắc chắn về kết quả nghiên cứu, nhóm nhà khoa học đã kết hợp một loạt bằng chứng độc lập, đánh giá số liệu về nhiệt độ Trái Đất thời tiền sử và hiện đại, kết quả quan sát vệ tinh và mô hình toán học về sự tác động qua lại trong hệ thống khí hậu.

Giáo sư Steven Sherwood của Đại học New South Wales, một trong những tác giả nghiên cứu, cho biết: “Việc thu hẹp phạm vi thể hiện độ nhạy cảm khí hậu là thách thức lớn kể từ khi công trình của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Mỹ đưa ra phạm vi tăng 1,5 - 4,5 độ C vào năm 1979. Phạm vi tương tự vẫn được trích dẫn trong báo cáo gần đây nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC)”. Nhóm nghiên cứu cho rằng chỉ có 5% khả năng nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức dưới 2 độ C.

Nam Cực lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục

Dù là châu lục lạnh nhất thế giới, nhưng Nam Cực cũng không thể 'miễn dịch' được với tình trạng ấm lên toàn cầu khi giới khoa học lần đầu tiên phát hiện mức nhiệt cao kỷ lục tại đây trong giai đoạn hè 2019-2020.

Ngày 31/3, các nhà nghiên cứu tham gia Chương trình Nam Cực của Australia cho biết họ đã ghi nhận nền nhiệt độ cao tới 9,2 độ C tại trạm quan trắc Casey, ở phía Đông châu lục này, vào đầu năm nay.

Các đợt nóng này đã được quan sát trong 3 ngày liên tục từ 23 - 26/1 với nhiệt độ cao nhất là 9,2 độ C và mức nhiệt thấp nhất là trên 0 độ C.

Nhà sinh học tại Đại học Wollongong, Tiến sĩ Sharon Robinson, cho biết trong 31 năm quan trắc nhiệt độ tại Casey, mức nhiệt kỷ lục nói trên chênh tới 6,9 độ C so với nền nhiệt trung bình đo được ở trạm quan trắc này. Bên cạnh đó, nhiệt độ tối thiểu cũng cao hơn 0,2 độ C so với mức nhiệt tối thiểu trung bình.

Các nhà khoa học đánh giá các đợt nóng bất thường tại Nam Cực có thể tạo tác động 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực, đối với hệ sinh thái nơi đây.

Mùa hè ngày càng dài hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Trạm quan trắc Casey ở Nam Cực. (Ảnh: theguardian.com)

Mùa hè kéo dài hơn, mùa đông ngắn đi

Năm 2020, mùa hè tại Australia cũng kéo dài hơn một tháng hoặc hơn, trong khi mùa đông đang ngắn đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đó là kết quả phân tích do Viện nghiên cứu Australia công bố ngày 2/3.

Nghiên cứu cho thấy mỗi năm nhiều khu vực của Australia có thêm 31 ngày hè so với trong những năm 50. Cụ thể, kể từ giữa thế kỷ 20, mỗi năm thành phố Sydney có thêm 28 ngày nắng nóng, trong khi thành phố Melbourne có thêm 38 ngày.

Tại một số vùng cháy rừng hoành hành những tháng gần đây như thị trấn Port Macquarie của bang New South Wales, thời gian có nhiệt độ đặc trưng mùa hè đã tăng thêm 7 tuần.

Cũng theo nghiên cứu trên, trong khi mùa hè kéo dài, mùa đông ở Australia ngắn hơn so với trước đây. Điển hình là tại thủ đô Canberra, mùa đông đã giảm 35 ngày, trong khi tại thành phố Brisbane, miền Đông Australia, mùa đông giảm 31 ngày.

Không phải đợi đến năm 2020, thế giới mới nghi nhận những kỷ lục nhiệt độ. Mùa hè năm 2019, nhiều nước châu Âu như Pháp, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Cộng hòa Bắc Macedonia... đã phải trải qua mùa hè khắc nghiệp với nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 45 độ C.

Biến đổi khí hậu nhiều khả năng đã khiến cho mức tăng nhiệt độ cao hơn ít nhất gấp 5 lần so với trước đây.

Đợt nắng nóng dữ dội này một lần nữa cho thấy tác động của tình trạng Trái Đất ấm dần lên và các hình thái thời tiết khắc nghiệt này có khả năng sẽ trở nên ngày một thường xuyên hơn. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng ấm lên của Trái Đất có liên quan tới việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khiến các đợt nắng nóng thường xuyên xuất hiện hơn.

Mùa hè ngày càng dài hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Cánh đồng cỏ dành cho chăn nuôi gia súc bị khô hạn do nắng nóng kéo dài tại bang New South Wales, Australia. (Ảnh: TTXVN)

Nhiệt độ 6 tháng đầu năm 2020 đã cao hơn 1 độ C

Mới đây, Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) cũng đưa ra bản cập nhật khí hậu hàng năm trên toàn cầu, cung cấp dự báo về nền nhiệt trên toàn thế giới trong 5 năm tới.

Theo đó, nhiệt độ trung bình của trái đất trong 6 tháng đầu năm đã cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đúng như dự báo đầu năm nay của Met. 5 năm qua là khoảng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử ngành khí tượng và 2020 khả năng là năm nóng kỷ lục.

Theo ông Petteri Taalas, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nghiên cứu cũng cho thấy thế giới đang đứng trước những thách thức trong việc đáp ứng thỏa thuận Paris về mục tiêu biến đổi khí hậu.

"Thỏa thuận này nhằm duy trì nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ XXI tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đồng thời, chúng ta cũng theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế nhiệt độ tăng trên 1,5 độ C", ông Petteri Taalas cho biết.

Báo cáo của Met Office đã đưa ra những điểm dự báo rất quan trọng cho xu hướng tăng nhiệt trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới.

Thứ nhất, nhiệt độ toàn cầu hàng năm có thể cao hơn ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (được xác định là giai đoạn 1850-1900). Mức tăng này sẽ xuất hiện liên tục trong vòng 5 năm tới và mức nhiệt tăng dao động trong ngưỡng 0,91 đến 1,59 độ C.

Thứ hai, trong các năm 2020-2024, hầu hết khu vực của đại dương phía Nam có khả năng ấm hơn so với trung bình nhiều năm.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Mùa hè ngày càng dài hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới