Thứ bảy, 20/04/2024 05:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/06/2021 05:53 (GMT+7)

TP.HCM: Xuất hiện việc giả nhân viên diện lực để lừa đảo

Theo dõi KTMT trên

Nhiều người dân tại TP.HCM bị gọi điện thông báo tiền điện tăng bất thường, dọa sẽ cắt điện và yêu cầu phải cung cấp thông tin.

Ngày 10/6, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) phát đi thông tin cảnh báo gửi tới khách hàng, thời gian gần đây trên địa bàn thành phố, nhiều khách hàng sử dụng điện tiếp tục nhận được các cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực.

Tập đoàn Điện lực (EVN) và EVN HCMC đã có nhiều cảnh báo về tình trạng giả mạo này.

Theo thống kê của EVN HCMC từ cuối tháng Tư đến nay đã có hơn 700 khách hàng thông báo về các số điện thoại gọi đến giả danh điện lực Việt Nam thông báo tiền điện tăng bất thường, dọa sẽ cắt điện và yêu cầu cung cấp thông tin.

Các khách hàng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, thậm chí có đầu số không phải ở Việt Nam, gọi đến với nội dung thông báo đang sử dụng điện cao bất thường, dọa sẽ cắt điện trong thời gian tới và yêu cầu bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn.

Trước tình trạng trên, EVN HCMC tiếp tục cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Trường hợp nhận được cuộc gọi mạo danh hoặc xưng danh là “công ty điện lực” nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân của mình.

TP.HCM: Xuất hiện việc giả nhân viên diện lực để lừa đảo - Ảnh 1
Trang web giả danh EVN với mục đích xấu.

Đặc biệt, trong mọi trường hợp, EVN HCMC khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình. Khách hàng tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến hành vi có dấu hiệu lừa đảo này, luật sư Nguyễn Minh Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi lừa đảo thông qua việc mạo danh là nhân viên Điện lực, hay tổng đài ngành điện để chiếm đoạt tài sản, có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theokhoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền đến 2 triệu đồng.

Hành vi gọi điện lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu lừa đảo số tiền từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành, đã phạm tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

Ngoài ra, tội này còn quy định các khung hình phạt tăng nặng khác như: Phạt tù từ 2 - 7 năm khi thuộc một trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng; phạt tù từ 7 - 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Trước đó, EVN cũng phát đi thông tin cảnh báo, trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo thương hiệu EVN có địa chỉ: http://dienlucevn.com. EVN khẳng định, trang web tại địa chỉ http://dienlucevn.com hoàn toàn không phải của EVN cũng như của bất cứ đơn vị thành viên nào của EVN. Trang web này đã sử dụng tên miền và một số nội dung, hình ảnh có thể gây hiểu nhầm là ấn phẩm thông tin thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi sử dụng các thông tin tại trang web này.

Ngày 9/6, Công an TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cũng phát đi thông tin cảnh báo, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra, một số đối tượng giả làm cán bộ đến kiểm tra sức khỏe người dân, tặng miễn phí khẩu trang có tẩm thuốc mê cho nạn nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

TP.HCM: Xuất hiện việc giả nhân viên diện lực để lừa đảo - Ảnh 2
Văn bản của Công an TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cảnh báo tình trạng phát khẩu trang miễn phí tẩm thuốc mê để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công an TP. Rạch Giá cho biết, nhóm đối tượng lừa đảo thường có từ 3 đến 5 thành viên, chúng đã có sự tìm hiểu từ trước về thời điểm vắng người hoặc lựa chọn những gia đình chỉ có người già, trẻ nhỏ để tiếp cận và thực hiện hành vi.

Khi tiếp cận mục tiêu, các đối tượng lừa đảo thường giới thiệu là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương hoặc cán bộ y tế xã, phường đến điều tra về tình hình sức khỏe của người dân; Các đối tượng cũng đeo thẻ như cán bộ công chức, đeo khẩu trang bịt kín và mặc quần áo bảo hộ.

Thông qua quá trình trao đổi, các đối tượng cho biết có chương trình phát khẩu trang miễn phí cho người dân nhằm nâng cao khả năng phòng, chống dịch bệnh nhưng thực chất những chiếc khẩu trang này đã được tẩm thuốc mê. Khi nạn nhân đeo vào sẽ bị hôn mê, các đối tượng sẽ nhanh chóng lục soát lấy tài sản rồi tẩu thoát.

Công an TP. Rạch Giá nhận định, đây là phương thức, thủ đoạn mới của bọn tội phạm, đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác; khi có người tự xưng là cán bộ nhà nước đến kiểm tra cần thận trọng xác minh, tuyệt đối không tự tiện mở cửa cho người lạ vào nhà; đồng thời báo ngay cho cơ quan công an gần nhất khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, nghi vấn.

Nguyễn Thu

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Xuất hiện việc giả nhân viên diện lực để lừa đảo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới