TP.HCM nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính: Con số báo động
Lượng khí nhà kính được thải ra tại Thành phố tính từ năm 2013 đến hết tháng 10/2020 đã vượt 60 triệu tấn CO2, tăng gần 20 triệu tấn so với lần thống kê vào năm 2018.
Tốc độ phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và đô thị hóa lớn nhất cả nước đã mang đến nhiều cơ hội, lợi thế cho TP.HCM trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, những yếu tố này cũng mang đến cho thành phố nhiều hệ quả về môi trường và an sinh xã hội, trong đó đáng chú ý là vấn đề phát thải khí nhà kính ngày càng tăng mạnh những năm gần đây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, sức khỏe của người dân.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, TP.HCM đang đẩy mạnh triển khai xây dựng quy trình quản lý và kiểm kê khí nhà kính.
Đây được cho là bước đi quan trọng trong mục tiêu lâu dài nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính, giảm thiểu biến đổi khí hậu cho Thành phố.
Theo một đánh giá của Ngân hàng Thế giới vào đầu năm 2020, TP.HCM là một trong những thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do tác động của biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, lượng khí nhà kính thải ra trong 10 năm qua tại TP.HCM gần như dẫn đầu khu vực châu Á, thậm chí vượt xa so với nhiều đô thị lớn của châu Mỹ, châu Âu...
Thực trạng này đã và đang khiến thành phố đối mặt với nhiều hệ lụy khó lường về con người, kinh tế và môi trường.
Những con số báo động
Báo cáo vừa được công bố vào đầu tháng 11/2020 về giám sát phát thải khí nhà kính tại TP.HCM do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện cho thấy lượng khí nhà kính được thải ra tại Thành phố tính từ năm 2013 đến hết tháng 10/2020 đã vượt 60 triệu tấn CO2, tăng gần 20 triệu tấn so với lần thống kê vào năm 2018 (38,8 triệu tấn), cao nhất trong các tỉnh, thành phố ở Việt Nam và chiếm gần 20% tổng lượng phát thải của cả nước.
Các khí gây ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, NO2, SO2, CO... đều vượt ngưỡng cho phép từ 1,5-2 lần theo quy chuẩn Việt Nam.
JICA nhận định nếu so sánh trong mạng lưới C40 - Nhóm 94 siêu đô thị trên thế giới cam kết ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, lượng phát thải khí nhà kính của TP.HCM tương đương với thành phố Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản)..., gần bằng một nửa lượng phát thải của các thành phố London (Anh), New York (Hoa Kỳ)... và cao hơn tổng lượng phát thải trong 7 năm của toàn nước New Zealand, Campuchia, Myanmar, Singapore và Mông Cổ.
Còn nếu tính theo GDP bình quân đầu người, lượng phát thải khí của TP.HCM thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, khoảng 4,2 tấn/người. Đây là những con số rất đáng lo ngại.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, chuyên gia năng lượng và quy hoạch, cố vấn của Tổ chức C40 tại Việt Nam, căn cứ theo nguồn gốc phát sinh, xu hướng, mức độ tuyệt đối cũng như mức độ ảnh hưởng đến tổng tiềm năng phát thải khí nhà kính trên địa bàn, các nguồn phát thải tại TP.HCM được chia thành ba nhóm chính là năng lượng, giao thông và xử lý chất thải.
Phát thải từ năng lượng cố định chiếm 46% tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính ở TP.HCM.
Lượng khí thải này chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng và sản xuất tại khu chế xuất, khu công nghiệp, năng lượng sử dụng trong việc vận hành, sinh hoạt tại các tòa nhà dân cư, tòa nhà thương mại, tòa nhà hành chính và cơ sở hạ tầng.
Hoạt động giao thông cũng là một trong những tác nhân làm phát thải nhà kính vượt ngưỡng tại TP.HCM hiện nay, chiếm đến 45% tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính toàn Thành phố theo kết quả kiểm kê của JICA. Trong đó, xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% phát thải bụi siêu mịn.
Trong lĩnh vực xử lý chất thải, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phát thải khí nhà kính là do hoạt động chôn lấp chất thải rắn trái phép của người dân, công tác xử lý sinh học, tiêu hủy chất thải, xử lý và xả nước thải sai quy định từ các nhà máy, xí nghiệp.
Trong 5 năm gần đây, mỗi năm, TP.HCM ghi nhận gần 10.000 tấn chất thải rắn được thải ra từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chỉ có trên 70% lượng chất thải này được thu gom, xử lý đúng quy trình, lượng chất thải còn lại không được xử lý triệt để đã trở thành nguồn phát sinh khí độc hại.
Những tác động khó lường
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết hiệu ứng nhà kính làm tăng lượng khí bốc hơi, gây mưa nhiều dẫn đến lụt lội thường xuyên.
Theo nghiên cứu của Viện Tài nguyên Môi trường, từ năm 2010 đến nay, lượng mưa tại TP.HCM đã tăng gần 11% do khí nhà kính tăng mạnh, dẫn đến số tuyến đường bị ngập trên địa bàn cũng tăng gấp 3 lần vào năm 2018 trước khi giảm nhẹ trong năm nay nhờ thành phố triển khai nhiều biện pháp chống ngập.
Đây là tác động trực tiếp, rõ rệt nhất của hiệu ứng nhà kính đến đời sống người dân và kinh tế - xã hội thành phố mà đến nay vẫn chưa tìm ra hướng khắc phục hiệu quả.
Hiệu ứng nhà kính còn làm biến đổi sinh thái sâu sắc theo hướng tiêu cực như mở rộng tình trạng sa mạc hóa, làm mực nước biển tăng khiến đất đai bị xói mòn, nhiễm mặn, gây hạn hán nặng và cháy rừng do không khí khô hanh, nhiệt độ tăng.
Theo ông Hồ Quốc Bằng, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng tại khu vực miền Nam trong thập niên qua có một phần không nhỏ đến từ hiệu ứng nhà kính.
Tuy TP.HCM chưa chịu ảnh hưởng nhiều nhưng tác động sẽ ngày càng rõ rệt nếu lượng phát thải tiếp tục tăng như hiện nay, trong đó đáng lo ngại nhất là nguy cơ khó lường đến khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ.
Dưới tác động của hiệu ứng nhà kính, số người mắc bệnh về đường hô hấp cũng sẽ tăng mạnh khi nguồn phát thải đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và phương tiện giao thông đều chứa những chất gây hại đến sức khỏe con người như oxit nitơ (NOx), oxit lưu huỳnh (SOx) và carbon monoxit (CO).
PGS.TS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết hàng năm, hơn 90% người dân thành phố phải tiếp xúc với nồng độ những chất gây hại ngoài trời cao hơn các chỉ tiêu về chất lượng không khí WHO đưa ra.
Carbon monoxit là nguy hiểm nhất khi chất này có thể kết hợp với các hạt bụi mịn lơ lửng trong không khí xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và hệ thống mạch máu, dẫn tới nguy cơ hen suyễn, ung thư phổi, các bệnh về tim mạch.
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dự báo thành phố sẽ tăng thêm 40% khí thải nhà kính vào năm 2025 và 50% vào năm 2030 nếu không có giải pháp kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải.
Trong khi đó, TP.HCM hiện nay về cơ bản đã không còn khả năng tiếp nhận khí thải đối với các chất CO, NOx tại một số khu vực trung tâm.
Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề này, ngành môi trường thành phố đang triển khai nhiều chương trình nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí, hướng đến mục tiêu giảm mạnh lượng khí nhà kính trên địa bàn.
Hồng Giang