TP.HCM giảm phát thải khí nhà kính: Cần sự chung tay của cộng đồng
Muốn thực hiện mục tiêu giảm khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, rất cần sự vào cuộc không chỉ từ chính quyền mà còn cả sự hiến kế của các chuyên gia và sự tham gia của toàn xã hội.
TP.HCM có phát thải khí nhà kính lớn nhưng đồng thời cũng là địa phương có khả năng đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Một kết quả nghiên cứu mô phỏng theo mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương (AIM) do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện gần đây cho thấy nếu có các hành động giảm thiểu hiệu quả, Thành phố có thể giảm khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, tức là giảm hơn 4% tổng lượng khí thải cho toàn quốc.
Muốn thực hiện được mục tiêu này, rất cần sự vào cuộc không chỉ từ phía chính quyền mà còn cả sự hiến kế của các chuyên gia và sự tham gia của toàn xã hội.
Kỳ vọng phát thải bằng
Theo đề xuất của GS.TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM), nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần có những hành động thực tế để ngăn chặn tác động của hiệu ứng nhà kính.
Việc khuyến khích các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư ứng dụng công nghệ và sáng kiến khoa học để góp phần làm giảm lượng khí CO2 ra môi trường là giải pháp rất đáng lưu tâm.
Vì trên thực tế, nhiều phát kiến đến từ doanh nghiệp đã đạt hiệu quả trong mục tiêu bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, có thể kể đến Tập đoàn sản xuất thực phẩm toàn cầu ADM đã tiến hành lắp đặt lò hơi sinh khối tại tất cả 5 nhà máy trên cả nước, sử dụng nguyên liệu vỏ trấu để sản xuất nhiệt và năng lượng, đồng thời xây dựng hệ thống năng lượng Mặt Trời tại nhà máy Đồng Tháp.
Tương tự, thời gian qua, hãng xe hơi Ford cũng chuyển sang sử dụng bóng đèn LED thay cho bóng đèn truyền thống và ứng dụng công nghệ sơn xe cần ít năng lượng cho tất cả hệ thống trên thế giới, bao gồm Việt Nam, qua đó giảm đến 30% lượng CO2 trong hoạt động sản xuất mỗi năm.
Nếu có thể nhân rộng tinh thần bảo vệ môi trường này đến toàn thể cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp Thành phố giải quyết phần nào nỗi lo về hiệu ứng nhà kính.
Ông Yasuki Shirakawa, chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại TP.HCM, đề xuất thí điểm “Hệ thống báo cáo carbon” do JICA xây dựng nhằm cung cấp thông tin về việc sử dụng và tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà văn phòng, cao ốc, chung cư... trên địa bàn.
Sau đó, tiến hành xếp hạng hiệu quả sử dụng năng lượng như một động lực thúc đẩy cũng như tạo áp lực cho chủ đầu tư của các tòa nhà nghiêm túc thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu quả tiết kiệm năng lượng, giảm khí nhà kính.
Theo ông Shirakawa, phương pháp này đã được chính quyền thành phố Tokyo áp dụng và giúp Tokyo giảm 16% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn từ năm 2000-2012.
Bà Ellie Kilroy, đại diện nhóm tư vấn của Tổ chức C40 (Nhóm 94 siêu đô thị trên thế giới cam kết ứng phó biến đổi khí hậu) tại Việt Nam, cho biết C40 đang làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM để xem xét áp dụng trên địa bàn mô hình Pathways, một công cụ quy hoạch giảm nhẹ khí nhà kính quy mô đô thị do C40 sáng tạo.
Theo bà Kilroy, mô hình Pathways được thiết kế để hỗ trợ các đô thị định lượng cụ thể các nguồn gây phát thải khí nhà kính và dự báo được lượng phát thải trong tương lai. Từ đó, giúp các nhà hoạch định chính sách xác định các khu vực mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính nhằm xây dựng và so sánh các kịch bản khác nhau, xác định con đường tiến tới phát thải bằng 0.
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng khẳng định việc giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền mà cần có sự hợp tác đa ngành giữa các đơn vị hữu quan và sự tham gia của cả doanh nghiệp và cộng đồng.
Giai đoạn sau năm 2020, Thành phố sẽ tham gia dự án SPI-NAMA (hoạt động giảm nhẹ khí thải khí nhà kính) cùng tổ chức JICA với sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiến hành kiểm kê khí nhà kính hai năm/lần vào các năm chẵn; thử nghiệm áp dụng hệ thống báo cáo carbon cho 9 tòa nhà cao ốc lớn trên địa bàn như Bitexco, Landmark 81... để xây dựng kế hoạch giảm phát thải cho các tòa nhà và doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng lớn.
Qua đó, đưa ra các khuyến nghị cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm. Đồng thời, thu thập dữ liệu từ 17 cảng biển nhằm ước tính lượng giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động cảng biển của ngành giao thông.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường TP.HCM đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khí biogas để xử lý chất thải chăn nuôi và sử dụng khí thải từ xử lý chất thải chăn nuôi để làm nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch; ứng dụng công nghệ ủ yếm khí chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Đối với các hoạt động sử dụng đất, Thành phố chủ trương đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên các vùng đất quy hoạch cho lâm nghiệp theo chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2020-2030.
Trong lĩnh vực giao thông, Thành phố đang trong quá trình triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường kết nối giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng nhằm tăng tỉ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm kẹt xe, giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, Thành phố sẽ nghiên cứu và thí điểm xây dựng hệ thống trạm sạc cho các phương tiện giao thông sử dụng điện; nghiên cứu các giải pháp nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông công cộng, thay thế nhiên liệu truyền thống như xăng và dầu diesel.
Ước tính, lượng khí thải nhà kính có thể giảm được từ các giải pháp này là gần 200.000 tấn CO2/năm.
Trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi công nghệ sạch và công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp; Sở Xây dựng triển khai Dự án thí điểm mô hình mái nhà xanh và tường xanh.
Đặc biệt, Sở Công Thương chủ trì thực hiện Dự án áp dụng các “biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa”. Dự án này có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính lên tới nửa triệu tấn CO2/năm.
Cùng chung tay các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, ông Đinh Công Thương, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Thép, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, cộng đồng doanh nghiệp thép trên địa bàn Thành phố đang thực hiện chuyển đổi sử dụng các nguồn điện năng từ năng lượng tái tạo, năng lượng Mặt Trời... trong sản xuất để giảm lượng phát thải khí CO2.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng công nghệ khai thác, chế biến và sản xuất thép tiên tiến, chú trọng công nghệ sản xuất sạch hơn; đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu chất thải, hạn chế phát sinh gây tác động tiêu cực bằng việc sử dụng công nghệ ít tiêu tốn vật tư, nguyên nhiên liệu; kết hợp với biện pháp xử lý cuối nguồn để đảm bảo không thải ra môi trường nhiều chất khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ông Masuda Chikahiro, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại TP.HCM, nhận xét TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung đã thể hiện nỗ lực cao nhất mang tầm quốc gia trong góp phần giảm nhẹ hiệu ứng nhà kính trong nước và toàn cầu.
Chính quyền các cấp từ địa phương đến Trung ương đều xem ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn, xem việc thực hiện các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là trách nhiệm của toàn xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu xã hội carbon thấp, tiến tới xã hội không phát thải carbon.
Với những nỗ lực này, JICA hoàn toàn có lòng tin Việt Nam, với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hồng Giang