TP.HCM cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19
Các trường hợp lây nhiễm Covid-19 tại TP.HCM trong thời gian qua cho thấy, thời gian ủ bệnh cũng chính là thời gian dịch bệnh lây lan. Trong khi đó người dân vẫn còn có tâm lý chủ quan dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra vào chiều ngày 11/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định với các biện pháp truy vết, cách ly tập trung, phong tỏa nơi lây lan dịch, đến nay thành phố cơ bản đã kiểm soát dịch bệnh, chỉ còn truy vết những trường hợp liên quan đến tòa nhà Samco và giám sát các trường hợp phát sinh khác trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, hiện nay thành phố đang ứng phó với sự xuất hiện của cả biến chủng Ấn Độ và Anh, đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát, khống chế dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
Mặc dù toàn TP.HCM đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/5, nhưng mỗi ngày vẫn xuất hiện từ 30-50 ca bệnh.
Đa số các trường hợp mắc là F1 trong các khu cách ly, các khu phong toả hoặc phát hiện qua xét nghiệm tầm soát khi đến khám bệnh tại các bệnh viện và truy vết rộng tại các khu phố, công ty, cao ốc.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tỉ lệ chuyển từ F1 lên F0 có xu hướng giảm dần, nhưng tỉ lệ các trường hợp ca mắc mới được phát hiện từ khám sàng lọc tại bệnh viện, phòng khám có xu hướng tăng.
Ông Phong cho rằng, điều đó chứng tỏ tình hình dịch bệnh trong cộng đồng chưa kiểm soát được kiểm soát triệt để.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo hiện nay là người dân khi đi khám không thành thật khai các triệu chứng ngay từ khâu khám sàng lọc, do đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác sàng lọc của các bệnh viện.
Dựa vào thời gian ủ bệnh là 14-21 ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định trong 10 ngày tới có thể phát hiện thêm các ca bệnh rải rác từ những ổ dịch đã được kiểm soát.
Từ đó, ông Phong đề nghị, cần tận dụng tối đa những ngày áp dụng giãn cách tiếp theo, bên cạnh việc yêu cầu người dân khai báo y tế đầy đủ, khám kiểm tra sức khỏe ngay khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ để kịp thời phát hiện tình trạng bệnh và cách ly điều trị sớm, TP.HCM cần thực hiện nghiêm việc điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch khẩn trương, triệt để; Tăng cường giám sát, phòng chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp; Đảm bảo năng lực và chất lượng cách ly tập trung; tăng cường giám sát cách ly tại nhà;
Đồng thời tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19, sẵn sàng năng lực điều trị người bệnh. Đối với các tòa nhà văn phòng, công ty, trung tâm thương mại được phong tỏa để xử lý phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, ông Phong nhấn mạnh, cần phải đẩy nhanh công tác tiêm vaccin phòng chống Covid-19 với mục tiêu 2/3 dân số TP.HCM sẽ được tiêm trong năm nay.
Bên cạnh chương trình tiêm vaccin của cả nước, cùng với sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế, TP.HCM sẽ thành lập Tổ công tác mua - tiêm vaccin Covid-19 để thực hiện việc đàm phán nguồn cung vắc xin, tham mưu và tổ chức tiêm vaccin.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đề xuất tiêm vaccin vì nguy cơ cao, tuy nhiên trong điều kiện lượng vaccin có hạn, TP.HCM cần có lộ trình và sắp xếp theo mức độ ưu tiên.
Duy Thật