Thứ bảy, 27/04/2024 14:12 (GMT+7)
Thứ năm, 03/08/2023 11:10 (GMT+7)

TP.Hà Nội chưa có phương án cụ thể về chủ trương sáp nhập quận Hoàn Kiếm

Theo dõi KTMT trên

Thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm mới chỉ là số liệu rà soát và đối chiếu theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện TP.Hà Nội chưa có phương án cụ thể để triển khai sáp nhập quận.

Thông tin quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp quận duy nhất của Hà Nội thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025, đang là vấn đề gây nhiều tranh luận trong những ngày qua.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023 - 2025. 

Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, việc tính toán sáp nhập quận phải rất thận trọng và tính tới các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa. Việc sáp nhập là vấn đề liên quan kinh tế, văn hóa xã hội, lịch sử, địa lý nhân sinh, quản trị hành chính đa chiều, đa dạng. Nếu chỉ dựa trên chỉ tiêu diện tích và dân số thì đây mới chỉ là 2 tiêu chí có tính phổ quát, chưa đề cập tới các yếu tố đặc thù.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quận Hoàn Kiếm là địa bàn mang đậm dấu ấn Thăng Long - Hà Nội, không thể mất đi dấu ấn đó bằng một quyết định hành chính sáp nhập.

Nhấn mạnh quan điểm không ủng hộ việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, ông Nghiêm cho rằng: "Mọi quy định đều do con người nghĩ ra, nên việc áp dụng phải hợp lý và khả thi, không nên cứng nhắc. Đặc biệt, phải tôn trọng lịch sử".

Cùng quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng không đồng tình sáp nhập quận Hoàn Kiếm.

TP.Hà Nội chưa có phương án cụ thể về chủ trương sáp nhập quận Hoàn Kiếm - Ảnh 1
Thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm mới chỉ là số liệu rà soát và đối chiếu theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hoàn Kiếm không thể sáp nhập với Long Biên hay Gia Lâm vì còn cách nhau con sông Hồng, không thuận tiện về mặt địa lý.

Với các quận lõi lân cận như Ba Đình, Đống Đa hay Hai Bà Trưng, ông Chính lo ngại nếu sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào sẽ gây xáo trộn rất lớn. Điển hình như việc sau sáp nhập đổi tên quận cũng sẽ làm mất đi bản sắc của những quận vốn dĩ mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

Theo ông Chính, Hà Nội còn rất nhiều việc cần làm, như quy hoạch tốt thủ đô, chuẩn bị thật tốt hạ tầng khi xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, quy hoạch có hiệu quả hai bên sông Hồng, xây dựng thêm nhiều công viên và trường học…

Vì thế, tính toán sáp nhập một quận quan trọng như Hoàn Kiếm vào thời điểm này hay cả giai đoạn tới, là không hợp lý.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh - Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia phân tích, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh giản bộ máy hành chính. Tuy nhiên, đối với Hà Nội cần có lộ trình riêng vì là Thủ đô ngàn năm văn hiến, là “bộ mặt” của cả nước.

"Sắp xếp quận Hoàn Kiếm không đơn giản. Ngay cả việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm với đơn vị hành chính bên cạnh thì việc chọn tên nào cũng là cả một vấn đề lớn. Bởi vì Hoàn Kiếm là quận lâu đời, lại là trung tâm của Thủ đô nên phải cân nhắc rất kỹ", PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh lưu ý.

Trao đổi bên lề Hội thảo góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng ngày 1/8, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Thành cho biết, thông tin đưa ra mới chỉ là số liệu rà soát, chưa phải phương án cụ thể. Theo quy trình, TP.Hà Nội phải xây dựng phương án tổng thể. Khi phương án tổng thể được phê duyệt thì tiếp tục làm phương án cụ thể. Hà Nội mới báo cáo về số liệu rà soát chứ chưa quyết định.

Theo Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, các huyện, xã thuộc diện sắp xếp nhưng không bắt buộc nếu có một trong các yếu tố đặc thù theo quy định.

Theo đó, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào… thuộc diện không bắt buộc phải sáp nhập.

Tương tự, đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội… cũng nằm trong diện này.

Song đây mới chỉ là báo cáo rà soát của Hà Nội về mặt chính sách, chưa phải là quyết định. Quận Hoàn Kiếm hiện mới chỉ được đánh giá trên tiêu chí là quy mô dân số và diện tích tự nhiên.

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội. Với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000 người, đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.

Đối chiếu với những quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Ngoài Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội còn 7 quận khác không đảm bảo diện tích tự nhiên nhưng không trong diện sáp nhập.

Bao gồm quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm. Các quận này không thuộc diện phải sáp nhập vì dù không đạt tiêu chí diện tích tự nhiên, nhưng lại có dân số cao đáp ứng tiêu chuẩn quy định.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết TP.Hà Nội chưa có phương án cụ thể về chủ trương sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới