Thứ tư, 04/12/2024 11:07 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/08/2021 16:24 (GMT+7)

Tình người trong đại dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

"Làn sóng" người dân di chuyển từ TP.HCM về quê đã vô tình cho chúng ta thấy những hình ảnh về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa con người với con người trong khó khăn thời dịch bệnh.

"Về quê vui lòng nhận phong bì 500k"

Cuối tháng 7/2021, những ngả đường từ TP.HCM kết nối với các tỉnh miền Trung đông đúc bởi người dân dời về quê. Họ hầu hết là những lao động có thu nhập không ổn định.  Theo tìm hiểu của Tạp chí Kinh tế Môi trường, trong số hàng nghìn người lao động đó, nhiều người còn chẳng có nổi vài trăm nghìn trong túi để làm "lộ phí" đi đường. Nhưng cũng chính vì thế mà lại có những câu chuyện xúc động, ấm áp tình người được chia sẻ, lan rộng trong xã hội đã tiếp thêm động lực và sức mạnh để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ngày 30/7, tại chốt cầu Bến Thủy 2 (TP.Vinh, Nghệ An), chị Định Thu Hiền (47 tuổi) đậu chiếc ô tô của mình ở đó suốt cả ngày với thùng carton đầy phong bì bên trong chứa 500.000 đồng để ở mui xe với dòng chữ viết "Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận 1 phòng bì 500k".

Trước khi thực hiện hành động này, chị Hiền có viết trên facebook và nhờ bạn bè chia sẻ để nhiều người dân được biết để nhận tiền. Cụ thể, chị viết:

"Nhờ bạn bè thông báo cho những người về quê bằng xe máy để tránh dịch, đi qua cầu Bến Thủy 2 để mình chia sẻ một chút khó khăn với bà con. Gia đình mình đứng chờ ở đây đến 12 giờ đêm nay", chị Hiền viết.

Tình người trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
Túi carton của chị Hiền giúp đỡ người dân nghèo về quê trong đại dịch Covid-19.

Không chỉ có vậy, hình ảnh lực lượng CSGT ở Gia Lai, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… cùng các tình nguyện viên xuyên đêm hướng dẫn, phát xăng, thức ăn, nước uống miễn phí để tiếp sức cho hàng nghìn người dân chạy xe máy từ tâm dịch TP.HCM về quê cũng khiến cho bao người rưng rưng xúc động.

Hay câu chuyện của anh Lê Đình Vân ở TP.HCM lo lắng cho con trai không qua khỏi vì căn bệnh ung thư, đã ra đường giữa đêm tìm mua bình oxy. 

Cảm động về hình ảnh người cha hết lòng vì con, tổ công tác rưng rưng, đành gấp lại biên bản, động viên anh khẩn trương về với con.

Nhờ sự linh động của Tổ tuần tra lưu động Đội CSGT – Trật tư Công an quận Tân Bình (TP.HCM), anh Vân đã mang được bình oxy về cho con.

Cũng tại TP.HCM, tối ngày 30/7, hai chị em quê ở miền Trung quyết định về quê. Người em làm nghề tự do, từ khi dịch Covid-19 bùng phát không thể đi làm được. Còn người chị vừa mới ra trường đang trong thời gian tìm việc.

Họ phải vay mượn 800.000 đồng để làm xét nghiệm nhanh Covid-19. Còn lại 200.000 đồng trong túi với dự định vượt gần 500 km trở về quê trong đêm. 

Do đang ở trong thời gian giãn cách, chị em này bị tổ công tác yêu cầu dừng xe. Trình bày hoàn cảnh của mình, tổ công tác đã động viên chị em ở lại, một chiến sĩ công an đã tự lấy 500.000 đồng tiền túi của mình ra đưa cho cho 2 chị em và không quên xin số điện thoại với lời hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ để yên tâm ở lại.

Tình người trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2
Lực lượng CSGT phát đồ ăn miễn phí cho người dân về quê hồi cuối tháng 7/2021.

Chung tay cùng niềm tin thắng đại dịch 

Trước đó, dư luận cũng chia sẻ khoảnh khắc một người phụ nữ cùng đoàn từ thiện của mình phân phát cơm miễn phí cho cho những người từ vùng dịch về quê bằng xe máy với nhiều lời bình luận đầy lòng biết ơn.

Theo clip được chia sẻ, người phụ nữ cầm từng bọc thức ăn đã được đóng thành túi riêng sạch sẽ và cẩn thận, chỉ chờ được đem cho. Kèm theo đó là dòng trạng thái: "Cảm ơn mọi người đã tiếp sức cùng bọn em để bà con đi lại an toàn". Không những vậy, người phụ nữ này còn nhanh nhẹn chạy tới dúi vào tay họ, mỗi xe một tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng cùng lời chúc "thượng lộ bình an".

Trước lòng tốt của những cá nhân tưởng chừng như xa lạ, đoàn phương tiện mang biển số 75 (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã vô cùng cảm kích. Ai cũng rối rít nói lời cảm ơn, trước khi tiếp tục hành trình còn không quên cúi chào tạm biệt sau khi nhận được sự trợ giúp vô cùng thiết thực ấy.

Cách đây hơn 1 tháng, chuyện về em bé 3 tuổi ở tâm dịch Bắc Giang phải cách ly một mình, do bố mẹ, anh chị đều là F0 đang được điều trị, khiến nhiều người xúc động. Gần một tháng phải cách ly xa gia đình, em rất ngoan, tự biết ăn uống, vui chơi, không quấy khóc mà còn tạo niềm vui cho mọi người. Trong sự yêu thương, đùm bọc, em còn đón một ngày Quốc tế Thiếu nhi đặc biệt nhất trong đời khi được các y bác sĩ ở khu cách ly tập trung tặng quà.

Ngày em được về với gia đình, nụ cười của em là hình ảnh đại diện cho tinh thần chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam.

Rồi câu chuyện em bé khóc với câu hỏi "mẹ ơi, sao mẹ lại ở trên tivi, sao mẹ không về với con đi?" khi nhìn thấy mẹ mang trên mình chiếc áo trắng của bác sĩ, mặt bịt khẩu trang đã lâu chưa về nhà vì hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19...

Tình người trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 3
Em bé 3 tuổi tự chơi trong khi cách ly tại tỉnh Bắc Giang khi bố mẹ đều là F0.
Tình người trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 4
Hình ảnh em bé khóc khi nhìn thấy mẹ trên tivi đã khiến nhiều người rưng rưng xúc động.

Tại TP. Hà Nội, những lát cắt cuộc sống đầy tình người trong dịch bệnh đều xuất hiện hằng ngày ở đâu đó trong các khu dân cư phải cách ly y tế để phòng dịch hay khu cách ly tập trung. Hàng xóm láng giềng chia sẻ nhau những vật dụng, thực phẩm thiết yếu; Lực lượng tuyến đầu như công an, quân đội, nhân viên y tế gác lại niềm riêng hết lòng phục vụ nhân dân.

Không chỉ khi có đại dịch Covid-19 mà trong bất kỳ khó khăn nào, sự đoàn kết, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau của người dân Việt Nam vẫn luôn tỏa sáng. 

Mỗi năm miền Trung hứng chịu hàng chục cơn bão, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn ngập nước, người dân không có chỗ ở... là ngay lập tức phong trào hỗ trợ, chung tay cùng bà con vượt qua hoạn nạn lại bừng lên. Hay khi người nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản là xuất hiện nhóm thiện nguyện, cùng chung sức kêu gọi mọi người "giải cứu"...

Tình người hiện diện ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Đi cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ đến từ các cơ quan ban, ngành Trung ương, địa phương.

Để kịp thời ngăn chặn đại dịch Covid-19, các chỉ đạo của Chính phủ diễn ra dồn dập, nhanh chóng theo từng ngày để phù hợp với tình hình mới. Cùng với đó là lời kêu gọi, khích lệ tinh thần nhân nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước,... 

Đích thân lãnh đạo đứng đầu cơ quan Trung ương, địa phương trực tiếp thị sát các điểm nóng, nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết, thần tốc, hiệu quả vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Điều đó để thấy rằng, mặt trận chiến đấu với Covid-19 không chỉ nằm ở khẩu hiệu mà còn đến từ những hành động thiết thực, và mỗi người dân Việt Nam đều là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Hồ Duy

Hồ Duy

Bạn đang đọc bài viết Tình người trong đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới