Tín hiệu mừng trong phòng chống Covid-19 tại TP.HCM
Khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đặc biệt là yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18h đến 6h sáng hôm sau thì tốc độ ca mắc Covid-19 đã giảm xuống đáng kể.
Sáng ngày 30/7, tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo, khi thành phố thực hiện Chỉ thị 10 trên cơ sở Chỉ thị 15, số ca nhiễm tăng 6,1 lần so với khi áp dụng Chỉ thị 19.
Khi áp dụng Chỉ thị 16, số ca mắc tăng bình quân 7,7 lần/ngày so với áp dụng Chỉ thị 10. Khi tiếp tục áp dụng chỉ thị 10 thì số ca mắc bình quân tăng 1,5 lần so với khi áp dụng Chỉ thị 16.
Như vậy, khi tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thì tốc độ tăng ca mắc bình quân đã chậm lại, chỉ tăng 1,5 lần.
Đánh giá việc thực hiện chỉ thị 16 tăng cường, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc hạn chế ra đường từ sau 18h đến 6h sáng được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, từ 6h sáng đến trước 18h, nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do cần thiết.
Ông Phong cho biết thêm, có thể kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa từ sau ngày 1/8. TP.HCM sẽ áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo thực thi triệt để các biện pháp siết chặt chỉ thị 16, đặc biệt là từ sau 6h sáng đến 18h. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.
Liên quan tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, trong 3 ngày qua thành phố đã đón nhận tín hiệu lạc quan từ số lượng các ca được xuất viện về nhà.
Theo đó, trong 3 ngày qua có hơn 11.200 ca nhiễm Covid-19 được xuất viện về nhà (trung bình mỗi ngày hơn 3.000 ca xuất viện), còn từ đầu mùa dịch là 28.320 ca.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin thêm, hiện thành phố đang điều trị 36.378 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 847 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong 2 tuần tới, TP.HCM dự kiến tăng thêm 100 xe cấp cứu 115 với đủ lực lượng cấp cứu và trang thiết bị y tế, tăng cường chuyển đổi thêm 200 xe taxi thành xe cấp cứu cho bệnh nhân.
Hệ thống cấp cứu 115 sẽ được triển khai đến từng cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại quận, huyện, các khu dân cư nhằm kịp thời vận chuyển những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng đến các bệnh viện, can thiệp điều trị sớm nhằm làm giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tỉ lệ tử vong.
Việc huy động nhân sự, xe vận chuyển cũng phải thực hiện đồng bộ với tổng đài 115 mới hiệu quả, trong đó trước mắt sẽ có 50 xe taxi chuyển đổi thành xe y tế.
Hiện TP.HCM cũng chỉ đạo thành lập 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực đặt tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12 và TP.Thủ Đức để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu.
Nguyễn Thu