Tin tức môi trường nổi bật ngày 6/7: Chiều tối nay và ngày mai Bắc Bộ mưa rất to
Miền Trung: Vật vã với nắng nóng, khô hạn; Cần làm rõ vụ phá rừng phòng hộ tại xã Trường Sơn, Quảng Bình; Rà soát điều chỉnh sớm quy hoạch thoát nước Thủ đô... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 6/7.
Chiều tối nay và ngày mai Bắc Bộ mưa rất to
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ và vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh nên từ chiều tối nay (6/7) đến ngày mai (7/7), Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 30-50mm, có nơi trên 80mm.
Thủ đô Hà Nội đêm nay (6/7) và ngày mai (7/7) có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Dự báo, mưa dông ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 9/7. Thời gian mưa dông chủ yếu tập trung vào chiều tối và đêm, ban ngày trời nắng gián đoạn, nhiệt độ cao nhất phổ biến 32-34 độ.
Từ chiều tối nay đến ngày mai, mưa cũng mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa đến Hà Tĩnh), thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 30-50mm, có nơi trên 80mm. Trong mưa dông đề phòng lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Do mưa dông, từ ngày mai (7/7), các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh nắng nóng vẫn duy trì nhưng giảm về cường độ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34-36 độ, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 50-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-16 giờ.
Miền Trung: Vật vã với nắng nóng, khô hạn
Khắp nơi ở miền Trung nắng nóng đang xảy ra gay gắt, khô hạn và ngày càng trở nên khốc liệt. Ruộng đồng nứt nẻ, bỏ hoang; nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt khiến người dân miền Trung vật vã để chống chọi.
Hơn 1 tháng qua, địa bàn xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) nắng nóng như đổ lửa. Khắp nơi, ruộng đồng, vườn tược, cây cỏ đều khô cháy; nhiều rẫy sắn rũ ngọn, chết khô. Khung cảnh hạn hán căng thẳng nhất tại các thôn Thuận Hiệp, Thuận Hạnh (xã Bình Thuận), bà con vật vã từng ngày tìm nguồn nước để cứu hoa màu và để sinh hoạt.
Còn tại ốc đảo Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam), bà con cũng đang vật lộn dưới cái nắng nóng gay gắt, từng ngày tìm nguồn nước để sinh hoạt. Cả thôn chỉ có 1 giếng nước ngọt nhưng sắp kiệt, không đủ khỏa lấp cơn khát của hơn 100 hộ dân, nhiều người phải thuê ghe đò đi vài cây số để xin hoặc mua nước rất vất vả, tốn kém…
Đề cập thực trạng, giải pháp “hóa giải” khô hạn dai dẳng khu vực phía Nam đầm Ô Loan, ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), cho rằng, để giải được bài toán trên cần nguồn kinh phí rất lớn, phải tầm tỉnh hoặc trung ương mới quyết được. Nhiều năm trước, UBND huyện đã có nhiều kiến nghị, lập dự án đề xuất kinh phí đầu tư dẫn nước về giải quyết khô hạn cho người dân nhưng đến nay kinh phí rót về vẫn rất hạn chế.
Tại tỉnh Bình Định đang có nhiều vùng liên tục bị khô hạn, như: huyện Vân Canh, Phù Mỹ và một số xã huyện Tây Sơn. Ông Bùi Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh, cho biết: “Huyện nằm ở thế rất khó giữ được nguồn nước. Mùa mưa thì xối xả, nhưng tất cả các nguồn nước đều chảy theo sông Hà Thanh về TP Quy Nhơn và đổ ra biển.
Bàn đến giải pháp ứng phó lâu dài với khô hạn, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, nhìn nhận, việc đổ vốn vào đầu tư các công trình, dự án, hồ chứa chống hạn là giải pháp được hầu hết các địa phương ưu tiên, nhưng lại thiếu bền vững. Đặc biệt, nguồn tiền cho công tác chống hạn, ứng phó thiên tai ở miền Trung thời gian qua rất lớn, đè nặng lên ngân sách nhà nước.
Quảng Bình: Cần làm rõ vụ phá rừng phòng hộ tại xã Trường Sơn
Thời gian gần đây, tại rừng phòng hộ khu vực thượng nguồn suối Chà Rào, tiểu khu 554, xã Trường Sơn do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình quản lý, xảy ra tình trạng phá rừng.
Nhiều cây gỗ có đường kính khá lớn, trong đó có gốc cây khoảng 1m bị khai thác trái phép. Gỗ bị cắt xẻ và tẩu tán khỏi hiện trường, chỉ trơ lại gốc cây và ít gỗ bìa bắp.
Sau khi nhận được thông tin, đoàn liên ngành huyện Quảng Ninh đã vào hiện trường xem xét, bước đầu nhận định việc phá rừng xảy ra trong khoảng tháng Ba, tháng 4/2022 và phá nhiều lần khác nhau, không phá ồ ạt.
Ông Phạm Hồng Khánh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh, cho biết đoàn liên ngành đã đo đếm, xác định có 5 cây bị cắt hạ, chưa xác định được tên khoa học nên gọi là cây SP, người dân địa phương gọi là cây măng ri. Loại cây này phát triển khá nhanh trong rừng, những cây lớn thường bị rỗng ruột hoặc chết đứng.
Theo ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Ninh, rừng Trường Sơn có diện tích rộng, trữ lượng gỗ lớn, trong khi người dân sống gần rừng nên áp lực vào rừng rất lớn, cứ khoảng 2 năm lại xảy ra phá rừng. Đây là vấn đề phức tạp, huyện sẽ tiếp tục chú trọng bằng các biện pháp quyết liệt hơn…
Để sớm ổn định tình hình, các cơ quan chức năng của huyện Quảng Ninh cần sớm xác minh để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan khi để xảy ra phá rừng phòng hộ tại khu vực trên.
Thanh Hóa: Người dân bức xúc vì ô nhiễm môi trường
Theo phản ánh của người dân địa phương, hiện nay mương thoát nước đê biển ở phường Hải Bình, Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực này.
Ghi nhận thực tế tại đây vào sáng ngày 5/7, gần 1km mương thoát nước là hình ảnh rác thải sinh hoạt và rác thải kinh doanh phủ đầy con mương, màu nước đen sì, bốc mùi hôi thối. Ngoài rác thải, nơi đây là nơi trú ngụ của các sinh vật như ruồi, muỗi, các loài vật trung gian truyền bệnh cho con người.
“Vấn đề này đã xuất hiện từ lâu rồi, đi qua đây nếu không đeo khẩu trang là tôi bị đau đầu bởi thứ mùi hôi thối từ mương này. Mặc dù hơn 10 ngày trước, Đoàn thanh niên có ra dọn vệ sinh, nhưng nó chỉ giải quyết được vấn đề rác khô, còn rác dưới lòng mương thì không ai dám đến gần vì nó quá hôi thối” - một người dân bức cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình thừa nhận: “Đúng là chuyện này có thật, đây là vấn đề mà lãnh đạo phường đang rất quan tâm, chúng tôi đã gửi tờ trình và đang chờ quyết định từ UBND thị xã Nghi Sơn. Chỉ cần cấp trên đồng ý thông qua, chúng tôi sẽ tiến hành làm ngay”.
Theo ông Sơn, để giải quyết được tình trạng ô nhiễm trên, phải thuê máy máy móc, hút cạn nước tù ở con mương, từ đó tiến hành nạo vét, xử lý môi trường. Tất nhiên phải được sự đồng ý của UBND thị xã Nghi Sơn vì nó liên quan đến ngân sách. Khi Phóng viên chia sẻ những hình ảnh về tình trạng ô nhiễm nói trên, một cán bộ thị xã Nghi Sơn đã phải thốt lên: “Quá kinh! Tôi sẽ trao đổi với anh Sơn (Chủ tịch UBND phường Hải Bình) để giải quyết vấn đề này”.
Rà soát điều chỉnh sớm quy hoạch thoát nước Thủ đô
Thời gian gần đây, Hà Nội phải đối mặt với tình trạng úng ngập cục bộ tại nhiều tuyến phố mỗi khi có mưa lớn.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thừa nhận, hạ tầng chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch là một trong những nguyên nhân chưa đảm bảo công tác thoát nước cho TP Hà Nội nên mỗi khi có mưa lớn bất thường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. “TP đã có kế hoạch triển khai đồng bộ các trạm bơm cũng như hệ thống tiêu thoát nhưng việc đầu tư xây dựng đòi hỏi kinh phí rất lớn, sẽ phải thực hiện dần trong các kế hoạch 5 - 10 năm tới” – ông Nguyễn Thế Công cho hay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng ngập úng thường xuyên tại Hà Nội có nguyên nhân từ bất cập trong công tác quy hoạch. TP đã có quy hoạch thoát nước tầm nhìn đến năm 2050, nhiều quận, huyện cũng đã có kế hoạch thoát nước chi tiết nhưng việc triển khai lại thiếu tính đồng bộ. Trong khi đó, các dự án bất động sản, nhà ở thương mại liên tục được xây dựng mà không có sự kết nối đồng bộ theo quy hoạch thoát nước của địa phương.
Việc tập trung phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa quá nhanh nhưng chưa chú trọng đến phát triển các công trình hạ tầng, thiếu hồ nước, thiếu không gian xanh… làm tăng diện tích “bê tông hóa”, giảm khả năng thấm hút tự nhiên. Cùng đó, không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực đã khiến cho các khu dân cư hiện hữu tại các quận như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… luôn bị “ngâm” trong nước nhiều ngày sau mưa.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) cao điểm mùa mưa ở miền Bắc sẽ diễn ra từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8/2022. Điều này đồng nghĩa người dân Hà Nội sẽ phải thấp thỏm ứng phó với những đợt ngập úng sau những trận mưa lớn trong những ngày tới đây. Và để người dân không phải chịu cảnh cứ mưa là ngập, bên cạnh chiến lược dài hơi thì những giải pháp tức thời cũng cần được TP ưu tiên thực hiện ngay nhằm đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân cũng như bộ mặt đô thị của Thủ đô.
Lan Anh