Thứ sáu, 03/05/2024 06:02 (GMT+7)
Thứ ba, 05/04/2022 20:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 5/4

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội: Ô nhiễm không khí cao nhất ở Times City; Rác thải “bủa vây” bờ biển Hà Tĩnh; Điện gió giúp tránh phát thải hơn 1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 5/4.

Hà Nội: Ô nhiễm không khí cao nhất ở khu đô thị Times City

Sáng ngày 5/4, tại ứng dụng theo dõi chất lượng không khí Pam Air, nhiều khu vực của Hà Nội cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng với chỉ số AQI trên 150 (mức gây hại cho sức khỏe).

Cụ thể, vào lúc 10h00 ngày 5/4, chỉ số AQI ở một số điểm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe là Dịch Vọng Hậu - 153, Thụy Khuê - 178, Trường Đại học Giao thông Vận tải 164, Trường đại học Kinh tế Quốc dân - 165, Trần Hưng Đạo - 173, Tràng Tiền - 184, Nguyễn Du - 197, Đại học Y Hà Nội - 153, Nguyễn Trãi - 158, Làng sinh viên Hacinco - 167, Khu tập thể Kim Liên - 165, Ngọc Hà - 178...

Tin tức môi trường nổi bật ngày 5/4 - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí cao nhất ở Hà Nội tại khu đô thị Times City.

Đặc biệt, khu đô thị Times City có mức ô nhiễm không khí cao nhất, chỉ số AQI lên đến 229, mức nguy hại cho sức khỏe.

Bà Hà Thanh Hương, quản lý dự án theo dõi chất lượng không khí PAM Air chia sẻ, đợt ô nhiễm không khí lần này ở Hà Nội chủ yếu đến từ các yếu tố nội sinh như hoạt động giao thông, sản xuất kinh doanh, các nhà máy, khu công nghiệp… Bằng chứng là chỉ số AQI toàn thành phố không quá nghiêm trọng, nhưng lại cá biệt có nhiều điểm chỉ số ô nhiễm rất cao.

Theo dữ liệu từ 80 điểm đo tại Hà Nội của mạng lưới PAM Air thì từ ngày 1/4 đến 4/4 chất lượng không khí đều ở mức tốt và trung bình, ô nhiễm mức kém bắt đầu xuất hiện và duy trì liên tục các khung giờ 8h, 9h, 10h ngày 5/4.

Điều đáng nói là các ngày 3/4 đến 5/4 tại các quận/ huyện của Hà Nội, chất lượng ô nhiễm không khí nội sinh có xu hướng ngày càng nhiều hơn.

Rác thải “bủa vây” bờ biển Hà Tĩnh

Mặc dù mùa du lịch biển đã cận kề, nhưng bãi biển ở Hà Tĩnh vẫn tràn ngập rác thải, khiến khung cảnh trở nên nhếch nhác, làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có của khu du lịch biển nổi tiếng.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 5/4 - Ảnh 2

Ngày 5/4, ghi nhận tại dọc bờ biển từ xã Thạch Kim đến bãi biển Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), mặc dù đã cận kề mùa du lịch biển, nhưng dọc bờ rác thải tràn ngập gây ô nhiễm, mất mỹ quan.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 5/4 - Ảnh 3

Có hàng tấn rác thải bủa vây dọc theo bờ biển từ xã Thạch Kim đến thị trấn Lộc Hà. Rác thải kết thành những mảnh lớn, dày đặc giữa bãi cát, bị sóng đánh nằm ngổn ngang trên bờ kè, thân đê biển.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 5/4 - Ảnh 4

Theo đó, tình trạng rác thải chưa được thu gom, xử lý dẫn tới ô nhiễm môi trường, nhất là khu vực này gần khu dân cư đang gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Lãnh đạo UBND thị trấn Lộc Hà cho hay, vùng biển Xuân Hải có một đặc điểm là mỗi khi có gió mùa, mưa lớn, rác từ các nhánh sông trôi dạt về rất nhiều. Vừa qua địa phương mới chỉ đạo người dân cùng lực lượng đoàn thanh niên thu gom rác, nhưng sau trận mưa lớn rác tiếp tục trôi dạt vào nhiều, trong số đó có lượng lớn rác thải sinh hoạt.

Nhiệt độ tăng tỷ lệ thuận với mức độ tổn thương nền kinh tế Việt Nam

Theo báo cáo “BĐKH 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương” do nhóm nghiên cứu IPCC thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ.

Tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp diễn sẽ làm giảm năng lực lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Năng suất lao động ở Việt Nam sẽ bị giảm 26% với lượng phát thải cao, hoặc 12% nếu lượng khí thải được cắt giảm nhanh hơn.

Ảnh hưởng tổng thể của việc phát thải tiếp tục ở mức cao có thể làm giảm 23% thu nhập trung bình toàn cầu, trong đó thu nhập trung bình ở Việt Nam vào năm 2100 cũng thấp hơn so với khi không có BĐKH.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi hậu quả của BĐKH xảy ra ở những nơi khác. Ví dụ, BĐKH sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, thị trường, tài chính và thương mại quốc tế, làm hàng hóa ở Việt Nam khan hiếm, khiến hàng hóa tăng giá, cũng như gây tổn hại đến thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các cú sốc kinh tế do BĐKH gây ra, bao gồm giảm sản lượng nông nghiệp, thiệt hại cơ sở hạ tầng thiết yếu và giá hàng hóa tăng, có thể dẫn đến tình trạng bất ổn tài chính.

Nếu lượng khí thải cao hơn, nhiệt độ tăng khiến các tảng băng tan nhanh hơn dự kiến, mực nước biển có thể dâng cao tới 2m trong thế kỷ này và 5m vào năm 2150. Hậu quả, sẽ có nhiều vùng đất bị ngập nước hơn, ngập lụt xảy ra thường xuyên, đất bị xói mòn, hoặc sẽ không còn thích hợp cho nông nghiệp do xâm nhập mặn, điển hình là ĐBSCL của Việt Nam.

Điện gió giúp tránh phát thải hơn 1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm

Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC) vừa công bố Báo cáo Điện gió Toàn cầu năm 2022. Theo đó, công suất điện gió mới trong năm vừa qua đã tăng gần 94 GW, nâng tổng công suất điện gió tích lũy toàn cầu lên 837 GW. Điện gió đang giúp thế giới tránh phát thải hơn 1,2 tỷ tấn CO2 hàng năm - tương đương với lượng khí thải carbon hàng năm của Nam Mỹ.

Việt Nam có tên trong danh sách 10 thị trường điện gió trên bờ hàng đầu và 5 thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu, tính theo công suất lắp đặt mới vào năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng điện gió hằng năm 12% của năm 2021 chỉ thấp hơn năm 2020. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng và quỹ đạo đi lên của ngành điện gió toàn cầu.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 5/4 - Ảnh 5
Việt Nam có tên trong danh sách 10 thị trường điện gió trên bờ hàng đầu và 5 thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu, tính theo công suất lắp đặt mới vào năm 2021.

Năm 2021 cũng là năm thành công nhất của thị trường điện gió ngoài khơi với 21,1 GW công suất được đưa vào hoạt động, tăng gấp ba lần so với năm trước. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 80%, giúp nước này vượt qua Vương quốc Anh để trở thành thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới về công suất lắp đặt tích lũy.

Tác động của đại dịch COVID-19 khá rõ ràng khi nhiều dự án ở Mỹ, Ấn Độ và Đài Loan chưa thể đi vào vận hành. Tuy nhiên, các hoạt động đấu giá vào năm 2021 đã chứng minh rằng, nhiều quốc gia vẫn lựa chọn chiến lược tăng cường triển khai điện gió. Công suất được đấu giá đã tăng 153% so với năm 2020, với 88 GW trên toàn cầu. Điện gió trên bờ chiếm 69 GW (78%) trong số đó, và công suất điện gió ngoài khơi là 19 GW.

Động lực đến từ các cam kết phát thải ròng bằng 0, cùng với sự cấp bách đổi mới để đạt được mục tiêu an ninh năng lượng, triển vọng thị trường đối với ngành điện gió toàn cầu thậm chí còn khả quan hơn. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, điện gió đang có quỹ đạo tăng trưởng tích cực, nhưng chưa đủ nhanh và mức độ bao phủ cũng chưa đủ rộng để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu một cách an toàn và bền vững.

Trong 5 năm tới, 557 GW công suất mới dự kiến sẽ được bổ sung, tương đương hơn 110 GW công suất lắp đặt mới mỗi năm cho đến năm 2026. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cần phải tăng gấp 4 lần vào cuối thập kỷ này nếu thế giới muốn đi đúng lộ trình giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1.5o C và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tiền Giang: Gần 200 tỷ đồng nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ hiệu quả tích cực của giai đoạn 1, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 3869 đồng ý triển khai dự án nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2 với tổng kinh phí dự toán gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và Trung ương.

Quy mô dự án nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2 có 3 hạng mục đầu tư xây dựng. Công trình đê giảm sóng có chiều dài hơn 5.400m với cao độ tường đỉnh đê giảm sóng dương 2,3m, cấu kiện bêtông cốt thép kết hợp với đá hộc được bố trí trước và sau đê có tác dụng chống xói chân đê.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 5/4 - Ảnh 6
Tiền Giang chi gần 200 tỷ đồng nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2.

Công trình nâng cấp đoạn kè rọ đá bảo vệ bãi rác Kiểng Phước (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) sẽ gia cố kè bằng đá hộc, nâng cao trình đỉnh kè lên 2,8 mét. Phần cống dưới đê nhánh 2 và nhánh 3 cũng sẽ được nâng cấp, sửa chữa.

Đê biển Gò Công hiện có khả năng chống chịu bão cấp 8-9, ngăn chặn ảnh hưởng của triều cường, gió biển trong mùa gió chướng, bảo vệ an toàn hàng chục nghìn ha đất sản xuất lúa và an toàn tính mạng cho hàng chục nghìn hộ dân vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang.

Tuyến đê biển đã được nâng cấp mở rộng tạo thành tuyến đường giao thông ven biển kết nối với tuyến đường trong khu vực. Đồng thời, từng bước hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng vùng ven biển.

Đây là công trình mang lại hiệu quả lớn trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển Gò Công, tạo thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội cho vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 5/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.