Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 4/4
Sắp xuất hiện liên tiếp 3 cơn ATNĐ trên Biển Đông; Năng lượng sạch của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10%; Hơn 380 tỷ đồng xây dựng kè bảo vệ bờ biển Tây tỉnh Cà Mau… là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 4/4.
Sắp xuất hiện liên tiếp 3 cơn ATNĐ, bão trên Biển Đông
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa cho biết, theo thông tin tham khảo từ các cơ quan dự báo quốc tế khoảng từ ngày 7-8/4, có khả năng xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển phía Nam Biển Đông và 2 cơn bão ở phía Đông Philippines có khả năng đi vào Biển Đông.
Đây là tình huống bất thường, có thể xuất hiện ATNĐ, bão sớm hơn so với quy luật hàng năm. Vì vậy Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế về diễn biến của ATNĐ, bão có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 7h ngày 4/4 đợt mưa lũ bất thường đã làm 4 người chết và mất tích; 2 nhà sập, 48 nhà tốc mái; 2.592 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 262 ghe, thuyền bị chìm.
Về nông nghiệp: Lúa bị ngập, thiệt hại 88.055ha; hoa màu bị ngập, thiệt hại 16.177ha; ngập 160.000 cây cảnh và 6ha chuối, 40ha cây trồng hàng năm.
Về giao thông, sạt lở một số tuyến đường giao thông địa phương tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Hiện còn ngập lụt một số vùng trũng thấp ven sông của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; huyện Phong Điền, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năng lượng sạch của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10%
Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia lần đầu tiên sản xuất được hơn 10% sản lượng điện năng từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021. Ngày 30/3, Tổ chức Ember công bố Báo cáo đánh giá điện năng toàn cầu cho thấy, điện gió và điện mặt trời, hai nguồn năng lượng tăng trưởng nhanh nhất, đã đạt kỷ lục 10% năng lượng toàn cầu trong năm 2021.
Có 50 quốc gia trên thế giới đã đạt được cột mốc này, trong đó, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia lần đầu tiên đạt được cột mốc trên trong năm 2021. Báo cáo thường niên lần thứ ba của Ember có tên Báo cáo đánh giá điện năng toàn cầu đã phân tích dữ liệu điện năng của 209 quốc gia từ năm 2000 tới 2020, với các dữ liệu mới nhất của năm 2021, trên 95 quốc gia đại diện cho 93% nhu cầu điện năng toàn cầu. Báo cáo tiết lộ rằng, có 50 quốc gia sản xuất được hơn 10% sản lượng điện năng từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021, trong đó có cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới – theo Baoquocte.
7 quốc gia mới lần đầu tiên đạt được cột mốc này trong năm 2021 gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Argentina, Hungary và El Salvador. Trên toàn cầu, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời đã tăng gấp đôi kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015. Trong năm 2021, Việt Nam đã cho thấy một trong những quá trình chuyển dịch nhanh chóng nhất từ nhiên liệu hóa thạch sang điện gió và điện mặt trời, chạm tới cột mốc 10%, dù trước đó con số chỉ là 3% trong năm 2020.
Theo đó, sản lượng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam tăng tới 11% trên tổng sản lượng, điều này cho thấy việc nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo là hoàn toàn khả thi. Không có quốc gia nào khác thành công trong việc tăng tỷ trọng điện gió và điện mặt trời thêm tới 8% chỉ trong năm 2021. Trong báo cáo nêu rõ, Việt Nam đã trải qua giai đoạn phát triển đáng kinh ngạc trong lĩnh vực điện mặt trời khi sản lượng tăng 337% (+17 TWh) trong duy nhất một năm và trở thành 1 trong 10 quốc gia có sản lượng điện mặt trời lớn nhất thế giới trong năm 2021.
Hơn 380 tỷ đồng xây dựng kè bảo vệ bờ biển Tây tỉnh Cà Mau
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ đã bố trí 2.680 tỷ đồng đầu tư cho các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ nguồn đầu tư công trung hạn.
Trong đó, Cà Mau được phân bổ kinh phí xây dựng 15 km kè giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển Tây với số tiền hơn 380 tỷ đồng.
Mùa mưa bão đang rất cận kề, đê biển Tây đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở với chiều dài hơn 700m; hàng năm có khoảng hàng trăm ha rừng phòng hộ bị cuốn trôi. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do chênh lệch triều lớn, dòng chảy mạnh...
Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, để bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân bên trong đê trước sạt lở, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ đê biển và rừng phòng hộ.
Trong đó, biện pháp kè ly tâm chắn sóng tạo bãi bồi được xem là hiệu quả nhất. Địa phương đã triển khai được 50 km kè đê biển bằng phương pháp trên.
“Phương pháp kè ly tâm chắn sóng tạo bãi bồi là đóng 2 hàng cọc bê tông, mỗi hàng cách nhau trên 1,5 mét và mỗi cọc cách nhau hơn 15 cm bên trong được thảm đá…
Giải pháp trên được thí điểm tại bờ biển Đông cũng đem lại hiệu quả khá cao. Cụ thể, hơn 1 km đê biển có kè thì phía ngoài đai rừng phòng hộ phát triển xanh tốt.
Australia đầu tư 170 triệu USD để xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm
Chính phủ Australia công bố khoản kinh phí 240 triệu AUD (168 triệu USD) để phát triển ngành công nghiệp khoáng sản đất hiếm nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Angus Taylor cho biết động thái trên của Canberra được thiết kế nhằm giải quyết sự thống trị hiện nay của Trung Quốc đối với các loại khoáng sản quan trọng toàn cầu, với khoảng 70-80% sản lượng được sản xuất tại quốc gia châu Á này.
Australia có trữ lượng đất hiếm khổng lồ nhưng cho đến nay vẫn chưa có năng lực sản xuất trong nước, một phần do Trung Quốc đã tinh chế khoáng sản này với giá rẻ. Khoản kinh phí được công bố bao gồm 30 triệu AUD (21 triệu USD) cho một nhà máy tách đất hiếm ở miền trung Australia do công ty Arafura Resources điều hành.
Ông Gavin Lockyer, giám đốc điều hành Arafura Resources cho biết nhà máy sẽ khai thác một trong những mỏ neodymium-praseodymium lớn nhất thế giới, khoáng chất được sử dụng để tạo ra nam châm được sử dụng trong tuabin gió và trang trại năng lượng mặt trời, qua đó trở thành nguồn cung cấp đất hiếm ngoài Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới, đáp ứng hơn 5% nhu cầu toàn cầu. Gần đây nhất, công ty khai thác mỏ Lynas của Australia, công ty sản xuất đất hiếm cho ô tô điện và tên lửa hành trình Tomahawk, đã được phê duyệt để xây dựng một nhà máy tinh chế đất hiếm ở Tây Australia.
Lan Anh