Tin tức môi trường nổi bật ngày 2/6
Mưa kéo dài nhiều giờ, trung tâm TP.HCM ngập nặng; Điện Biên cần di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở; Ô nhiễm thủy lợi Bắc Hưng Hải: Xử lý ngay các đối tượng xả thải trái phép... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 2/6.
Mưa kéo dài nhiều giờ, trung tâm TP. HCM ngập nặng
Cơn mưa dông xuất hiện khoảng lúc 13h ngày 2/6 và kéo dài 3 giờ khiến hàng loạt tuyến đường trung tâm quận 1 (TP. HCM) như: Cống Quỳnh, Lê Lợi, Lê Lai, Bùi Viện,... bị ngập nặng.
Lượng mưa phổ biến 30-40 mm, một số khu vực lên đến 45 mm. Lốc, sấm sét và gió giật xuất hiện trong cơn mưa. Lúc 16h, mưa tiếp tục nặng hạt và không có dấu hiệu vơi bớt. Nhiều phương tiện cố vượt nhanh khiến nước văng tung tóe.
Đến hơn 15h, thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ hiển thị lượng mưa tại Dĩ An hơn 24 mm, Tân Uyên 14,6 mm (Bình Dương), Biên Hòa 63 mm, Thống Nhất 24 mm, Đăk Lua 18.8 mm, Long Thành 16,2 (Đồng Nai), Bình Long 20 mm (Bình Phước)… Riêng TP.HCM, lượng mưa đo được lúc 16h là 50 mm
Trao đổi với báo chí, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan cảnh báo, tuần này, TP. HCM bắt đầu bước vào đợt triều cường. Đỉnh triều rơi vào buổi chiều, kết hợp mưa lớn khả năng ngập nặng nhiều khu vực.
Đặc biệt, các tuyến đường trũng thấp của Thành phố cần lưu ý như: đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Nguyễn Văn Hưởng, Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức), Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp)...
Ngoài ra, mưa lớn kèm theo dông có thể đe dọa an toàn người đi đường. Chuyên gia khuyến cáo người dân lưu ý tìm nơi trú ẩn khi mưa to, gió lớn để tránh gặp cây xanh gãy đổ, sấm sét.
Điện Biên: Cần di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Nhiều năm nay, người dân bản Huổi Toóng 1 và Huổi Toóng 2 (xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) được cảnh báo cần phải di dời vì khu vực này nằm trong vùng sạt trượt nguy hiểm. Tuy nhiên đến nay, các hộ dân sống khu vực này vẫn chưa được hỗ trợ để di dời và đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu mỗi khi mưa lũ.
Đêm 24/5, tại bản Huổi Toóng 2, một vụ sạt lở đất đã xảy ra khiến cháu T.M.C, 7 tuổi tử vong và mẹ cháu bị thương nặng. Khối lượng lớn đất đá từ ta luy dương đổ xuống đã vùi lấp căn nhà cùng với đồ đạc.
Theo UBND huyện Mường Chà, địa phương đã lường trước nguy cơ sụt trượt đe dọa an toàn cuộc sống của người dân hai bản Huổi Toóng. Tuy nhiên vì không có vốn nên dự án di dân khỏi vùng thiên tai ở hai bản Huổi Toóng bị trì hoãn từ giai đoạn 2016-2020.
Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà thông tin, qua rà soát, trên địa bàn hai bản Huổi Toóng 1 và 2, có 13 hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp.
Hiện tại, dự án di dời người dân Huổi Toóng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tiên, dự kiến khởi công năm 2022 nhưng hiện chưa được bố trí nguồn vốn cho nên huyện tính đến phương án đề nghị bố trí trước 15 tỷ đồng làm mặt bằng, hạ tầng cho 50 hộ vùng nguy hiểm di dời trước; sau đó sẽ bố trí thêm 20 tỷ đồng để tiếp tục di dời các hộ dân còn lại trong tổng số 98 hộ dân ở hai bản Huổi Toóng.
Với nguy cơ sụt sạt hiện hữu mỗi ngày đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là vào mùa mưa, chính quyền địa phương cần sớm có phương án di dời khẩn cấp các hộ dân ở Huổi Toóng ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở để người dân an tâm lao động sản xuất, không phải thấp thỏm mỗi khi trời mưa.
Ô nhiễm thủy lợi Bắc Hưng Hải: Xử lý ngay các đối tượng xả thải trái phép
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu các địa phương liên quan nghiên cứu Báo cáo của Bộ Công an, trong đó tập trung tăng cường, đẩy nhanh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các công việc, giải pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Cụ thể, tại Công văn số 3372/VPCP-NN ngày 31/5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để quản lý chặt chẽ chất lượng môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn, phòng, chống và ngăn chặn được các đối tượng, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường nước trái phép.
Được biết, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng từ cuối năm 1958 ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, với các hệ thống chính gồm 14 công trình cống, trạm bơm, 232 km kênh và 491 km bờ kênh trục chính.
Ngoài ra, công trình này còn có 400 trạm bơm tiêu, hơn 800 cống tưới và hàng nghìn km kênh cấp II do các công ty khai thác công trình thủy lợi vận hành, đảm bảo tưới tiêu cho 146.756 ha đất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và TP.Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nguyên nhân xuất hiện liên tiếp hố tử thần ở 'thung lũng khoáng sản' Nghệ An
Ngày 2/6, ông Hồ Văn Tú, Trưởng Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ, cho biết, bước đầu đơn vị đã xác định nguyên nhân xuất hiện liên tiếp các hố sụt lún ở xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) trong thời gian qua là tụt nước ngầm.
“Hố sụt lún có ảnh hưởng từ việc tụt nước ngầm còn vì sao tụt nước ngầm, đơn vị đang nghiên cứu, khảo sát. Đây mới chỉ là nguyên nhân ban đầu và cần làm rõ thêm có nguyên nhân khác hay không”, ông Tú thông tin.
Theo ông Tú, khu vực xã Châu Hồng từng có nhiều công trình nghiên cứu địa chất. Đây là một thung lũng kín, được bao quanh bởi nhiều dãy núi cao, cấu trúc địa chất phức tạp. Phía dưới các dãy núi là hệ thống các hang các-xtơ (Karst) và suối ngầm kéo dài khoảng 25 km từ xã Châu Hồng đến xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp).
Khi các hang các-xtơ thông nhau sẽ khiến mạch nước ngầm trong lòng đất bị tụt. Việc khai thác khoáng sản sử dụng mạch nước ngầm nhiều cũng bị ảnh hưởng và gây ra hiện tượng trên.
Theo báo cáo UBND xã Châu Hồng, đến nay đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 232 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần” xuất hiện. Trong khi, toàn xã chỉ có 900 hộ dân. Nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng bị tình trạng tương tự.
Trước tình trạng trên, huyện Quỳ Hợp đã yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng tạm dừng bơm hút nước ngầm để phục vụ quá trình kiểm tra địa chất, xác định nguyên nhân. UBND tỉnh Nghệ An cũng giao các sở, ngành liên quan phối hợp với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ để sớm khảo sát, nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân và xử lý hiện tượng.
Bắt giữ một đối tượng mua bán trái phép 2 cá thể gấu
Công an tỉnh Điện Biên cùng lực lượng Biên phòng vừa phát hiện, bắt giữ một đối tượng về hành vi mua bán động vật hoang dã là 2 cá thể gấu ngựa.
Trước đó, lúc 19 giờ 30 phút tối 1/6, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy (Công an huyện Điện Biên), Đồn Biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực bản Xôm, xã Phu Luông, huyện Điện Biên đã phát hiện, bắt giữ một đối tượng về hành vi mua bán động vật hoang dã là 2 cá thể gấu ngựa; có trọng lượng 8,4kg.
Đối tượng bị bắt giữ là Lò Văn Bua (sinh năm 1970), trú tại bản Na Há, xã Phu Luông, huyện Điện Biên. Khi bị tổ công tác phát hiện, Bua đang điều khiển xe máy chở một thùng giấy carton bên trong đựng 2 cá thể gấu ngựa. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ người và tang vật để điều tra.
Tại cơ quan công an, Lò Văn Bua khai nhận đã mua 2 cá thể gấu ngựa của một người dân cùng xã để mang đi bán kiếm lời. Trên đường mang đi bán thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Brazil ghi nhận tháng 5 cháy rừng tồi tệ nhất trong 18 năm qua
Chính phủ Brazil ngày 1/6 công bố số liệu cho thấy, số vụ cháy ở rừng nhiệt đới Amazon trong tháng 5 vừa qua đã tăng tới 96% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành tháng 5 cháy rừng tồi tệ nhất trong 18 năm qua.
Theo đó, ghi nhận 2.287 vụ cháy rừng Amazon trong tháng vừa qua, tăng mạnh so với 1.166 vụ của tháng 5/2021.
Đây là số vụ cháy rừng trong tháng 5 nhiều nhất mà Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE) từng ghi nhận, kể từ mức "kỷ lục" 3.131 vụ cháy rừng hồi tháng 5/2004. Số liệu này khiến giới phân tích lo ngại cháy rừng trong năm nay có thể nghiêm trọng hơn so với năm ngoái.
Theo INPE, số vụ cháy rừng Amazon trong 5 tháng đầu năm nay đã lên tới 4.971 vụ, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo, tình hình cháy rừng Amazon sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới do quốc gia Nam Mỹ này chuẩn bị bước vào mùa khô. Phần lớn các vụ cháy rừng ở Amazon là do nạn chặt phá và đốt rừng, thường là do người nông dân Brazil thực hiện để lấy đất trồng trọt.
Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc và nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau.
Lan Anh