Thứ năm, 25/04/2024 12:23 (GMT+7)
Thứ tư, 01/06/2022 19:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 1/6: Động đất tiếp tục tái diễn tại Kon Tum

Theo dõi KTMT trên

Động đất tiếp tục tái diễn tại Kon Tum; Nắng nóng 36 độ C sắp quay lại nhiều tỉnh Nam Bộ; Sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 1/6.

Động đất tiếp tục tái diễn tại Kon Tum

Trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 1 giờ 27 phút 27 giây (giờ Hà Nội) tại vị trí có tọa độ 14.839N - 108.295E, độ sâu khoảng 8.1 km, cường độ 3.0. Sau đó, lúc 4 giờ 4 phút 3 giây rạng sáng nay, thêm một trận động đất ở tọa độ 14.879N - 108.256E, độ sâu 8.1 km, cường độ 2.6. Cả hai trận động đất trên đều xảy ra ở huyện Kon Plông, Kon Tum.

Như vậy, sau ít ngày im ắng, động đất lại tái diễn tại khu vực này, nâng tổng số trận động đất ở khu vực này trong năm qua lên con số trên 200 trận, gấp hơn năm lần số trận động đất ghi nhận từ 1903 đến 2020.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 1/6: Động đất tiếp tục tái diễn tại Kon Tum - Ảnh 1

Trên thực tế, động đất ở huyện Kon Plong và các huyện lân cận của tỉnh Kon Tum đã bắt đầu từ tháng 4/2021, có những ngày ghi nhận nhiều trận động đất trong một ngày.

Lý giải về lý do động đất tăng đột biến ở khu vực này - nơi vốn ít ghi nhận các hoạt động động đất, PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất chia sẻ nguyên nhân có thể do động đất kích thích, liên quan đến hoạt động của hồ chứa thủy điện. Trước đó, vào 24/3/2021, Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1.

PGS Cao Đình Triều cho biết thêm, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán – A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn.

Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.

Trong đó, tại thủy điện sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2011, kéo dài đến tận bây giờ với kích động chính lên tới 4,7 độ, từng gây ra nhiều lo ngại và xáo trộn thời gian dài trong đời sống người dân các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn.

Theo PGS Cao Đình Triều, động đất kích thích xảy ra trên cùng đới đứt gãy này lại khác nhau ở từng khu vực. Vì vậy, với khu vực xảy ra động đất tại Kon Tum hiện nay, cần có những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng.

Nắng nóng 36 độ C sắp quay lại nhiều tỉnh Nam Bộ

Theo Đài Dự báo Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, nhiệt độ các tỉnh, thành trong khu vực sẽ tăng trong tháng 6. Các tỉnh, thành miền Đông và ven biên giới Tây Nam của miền Tây sẽ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C. Tổng lượng mưa tháng thấp hơn trung bình nhiều năm ở hầu hết khu vực.

Dự báo trong ngày 1-3/6, khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to.

Từ ngày 4-6/6 mưa giảm dần, một vài nơi ở Nam Bộ có mưa rào và dông, rải rác vào lúc chiều tối. Từ ngày 7-10/6 mưa giảm hẳn, có mưa rào nhẹ và dông vài nơi.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 1/6: Động đất tiếp tục tái diễn tại Kon Tum - Ảnh 2
Dự báo nhiệt độ các tỉnh, thành trong khu vực Nam Bộ sẽ tăng trong tháng 6. (Ảnh minh họa)

Tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, phổ biến từ 40-100 mm trên toàn khu vực. Nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm trước, hầu hết ở khoảng 28-29 độ C.

Nắng nóng khả năng xuất hiện trên khu vực miền Đông và ven biên giới Tây Nam từ khoảng ngày 4/6 trở đi. Sau đó, từ ngày 6-7/6, một vài nơi khác cũng có khả năng xuất hiện nắng nóng nhẹ.

Trong tuần giữa tháng (11-20/6), gió Tây Nam chi phối khu vực Nam Bộ có cường độ yếu đến trung bình. Thời tiết phổ biến có mưa rào và dông vài nơi đến rải rác, có nơi mưa vừa. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 24-26 độ C. Lượng mưa tuần phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, khoảng 30-90 mm.

Trong tuần cuối tháng (21-30/6), gió mùa Tây Nam chi phối khu vực Nam Bộ phổ biến có cường độ yếu đến trung bình. Đề phòng khả năng có xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông trong một vài ngày cuối tuần.

Sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng

Ngày 1/6, trao đổi với báo chí, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cho biết thống kê ban đầu có hơn 29.000 cây sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng, thiệt hại do nấm bệnh, sương muối và mưa đá. Ước tính thiệt hại hơn 8 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là xã Măng Ri có hơn 20.000 cây sâm Ngọc Linh bị chết.

“Phần lớn sâm Ngọc Linh chết là do bệnh tán thư, thối nhũn do nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora sp gây ra và một phần nguyên nhân mưa đá, sương muối.

Để hạn chế thiệt hại thêm cho người dân, chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện khuyến cáo thực hiện các giải pháp che bạt, tạo rãnh thoát nước, ủ mùn bằng tricodema. Đối với những nơi bị nặng thì di dời cây khỏi vùng bệnh” - ông Mạnh nói.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 1/6: Động đất tiếp tục tái diễn tại Kon Tum - Ảnh 3
Hơn 29.000 cây sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng, thiệt hại do nấm bệnh, sương muối và mưa đá. (Ảnh internet)

Phòng NN&PTNT huyện Tu Mơ Rông xác nhận đến thời điểm này có 4/9 xã đã có báo cáo về diện tích trồng sâm bị thiệt hại, gồm Măng Ri là 20.168 cây, xã Tê Xăng là 1.900 cây, xã Ngọk Lây là 7.075 cây và Đắk Sao.

Theo đó, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp các xã thống kê số lượng cây sâm bị thiệt hại do sâu bệnh hại, mưa đá gây ra. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh để có hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời.

Trong ngày 1/6, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum cũng cho biết đơn vị vừa kiểm tra và phát hiện tình trạng cây sâm Ngọc Linh con bị chết ở hai huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông.

Theo đó, tại huyện Đắk Glei, trong số trên 13.500 cây sâm một năm tuổi của các hộ dân ở hai xã Ngọc Linh và Mường Hoong đã có 2.200 cây bị chết, số còn lại có tỉ lệ cây bị nhiễm bệnh khoảng 35-40%.

Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp nhận 2 cá thể động vật trong Sách đỏ

Ngày 1/6, Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam tiếp nhận thành công 1 cá thể tê tê Java và 1 cá thể khỉ đuôi lợn từ thành phố Hải Phòng và tỉnh Hưng Yên.

Theo đại diện Vườn quốc gia Cúc Phương, ngay sau khi nhận được thông tin các cá thể kể trên đang được nhốt tại 2 hộ dân thuộc thành phố Hải Phòng và tỉnh Hưng Yên, ngày 31/5, vườn đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cử đoàn công tác thực hiện chuyến cứu hộ.

Tại thời điểm cứu hộ, 1 cá thể tê tê Java đã được đưa về chăm sóc tại Chi cục Kiểm lâm thành phố Hải Phòng.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 1/6: Động đất tiếp tục tái diễn tại Kon Tum - Ảnh 4
Cá thể khỉ đuôi lợn được nuôi nhốt trong lồng tại tỉnh Hưng Yên trước khi được cứu hộ. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, cá thể này được một người dân địa phương phát hiện tại phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng và đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng vào chiều 30/5.

Hiện, cá thể tê tê trên đang được chăm sóc và theo dõi tại khu chuồng kiểm dịch của Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (Vườn quốc gia Cúc Phương) với tình trạng sức khỏe tốt.

Cũng trong chuyến cứu hộ, đoàn công tác đã tiếp nhận 1 cá thể khỉ đuôi lợn từ gia đình bà Trần Thị Hương, thôn Nhạc Lập, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Bà Hương cho biết đã phát hiện cá thể khỉ này ở gần nhà nên đã đưa về nuôi được hơn một tháng.

Sau khi tìm hiểu được biết đây là loài động vật quý hiếm nên đã trực tiếp gọi điện cho Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam và Vườn quốc gia Cúc Phương để giao nộp.

Được biết, tê tê Java và khỉ đuôi lợn đều được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam. Theo các Nghị định 32/2006/NĐ-CP, 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tê tê Java thuộc nhóm IB theo nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại; khỉ đuôi lợn là động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB, cần được bảo vệ khẩn cấp.

Liên hợp quốc: Hơn 200 người thiệt mạng vì bão tại Madagascar

Liên hợp quốc cho biết các cơn bão và xoáy thuận nhiệt đới đã gây thiệt hại nặng nề cho Madagascar trong mùa mưa bão năm nay.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nêu rõ 6 hình thái thời tiết nhiệt đới đã hoành hành tại Madagascar kể từ tháng 1-4/2022, khiến ít nhất 214 người thiệt mạng và làm đảo lộn cuộc sống của khoảng 571.000 người trên khắp đảo quốc ở khu vực Ấn Độ Dương này.

Trích dẫn số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), OCHA cho biết vào cuối tháng 2 năm nay, hơn 61% diện tích lãnh thổ của Madagascar vẫn hứng chịu các tác động của tình trạng hạn hán khắc nghiệt.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 1/6: Động đất tiếp tục tái diễn tại Kon Tum - Ảnh 5
Các cơn bão và xoáy thuận nhiệt đới đã gây thiệt hại nặng nề cho Madagascar trong mùa mưa bão năm nay. (Ảnh minh họa)

Nhờ các nguồn viện trợ nhân đạo, vấn đề mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng tại đảo quốc này đã được cải thiện trong quý 1/2022. Mặc dù vậy, tình hình vẫn rất bấp bênh khi có tới 7 trên 10 địa phương tại đây đang lâm vào khủng hoảng.

Madagascar - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - thường hứng chịu nhiều cơn bão và xoáy thuận nhiệt đới từ tháng 11 năm trước tới tháng 4 năm sau. Riêng trong những tháng đầu năm 2022, đảo quốc này đã phải vật lộn khi bão nối bão.

Cơn bão nhiệt đới Ana đổ bộ vào Madagascar cuối tháng 1 đã cướp đi sinh mạng của 55 người. Kế đó, ngày 5/2, một cơn bão khác, được đặt tên là Cyclone Batsirai, đã càn quét nơi đây, khiến 121 người thiệt mạng.

Khu vực ven biển miền Đông nước này sau đó lại hứng chịu xoáy thuận nhiệt đới Emnati khiến 15 người chết... Trái lại, tại miền Nam, hạn hán kéo dài gây nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 1/6: Động đất tiếp tục tái diễn tại Kon Tum. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.