Thứ sáu, 22/11/2024 21:40 (GMT+7)
Thứ ba, 10/05/2022 07:00 (GMT+7)

Chuyên gia nói thẳng mức độ nguy hiểm của động đất ở Kon Tum

Theo dõi KTMT trên

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho rằng, động đất kích thích rất ít khả năng gây ra thiệt hại về người và của.

Ngày 9/5, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, đơn vị này đã ghi nhận 2 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Trận thứ nhất vào hồi 5h18, mạnh 3.4 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Trận thứ hai vào hồi 9h20, mạnh 3.0 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.

Cả 2 trận động đất nói trên đều có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Chuyên gia nói thẳng mức độ nguy hiểm của động đất ở Kon Tum - Ảnh 1
Vị trí tâm chấn trận động đất thứ 2 xảy ra sáng 9/5.

Quy luật chung

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho biết, tất cả những trận động đất xảy ra ở Kon Tum từ năm 2021 đến nay đều thuộc nhóm động đất kích thích.

Động đất kích thích được định nghĩa là do tác động của con người gây ra chứ không phải là do thiên nhiên, không phải phát sinh từ trong lòng đất do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo.

"Khu vực hay xảy ra động đất kích thích nằm gần thủy điện Thượng Kon Tum. Vì vậy, theo đánh giá ban đầu, việc tích nước hồ chứa thủy điện là nguyên nhân dẫn đến những trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông thời gian gần đây.

Viện Vật lý địa cầu cũng đã trình bày kết quả nghiên cứu, khảo sát ban đầu về hiện tượng động đất ở Kon Tum trước lãnh đạo Bộ Xây Dựng, và Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Kon Tum.

Thực ra, động đất kích thích có quy luật rất dễ hiểu, nó xảy ra sau khi tích nước hồ chứa thủy điện.

Quy luật này đã được thể hiện tại nhiều công trình thủy điện của Việt Nam, đặc biệt là các dự án tại khu vực miền Trung như Bắc Trà My, Nam Trà My, Sông Tranh 2, miền Bắc có Hòa Bình, Sơn La...", ông Phương phân tích.

Khó có khả năng gây ra thiệt hại

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của các trận động đất xảy ra tại Kon Tum, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho rằng, động đất kích thích rất ít khả năng gây ra thiệt hại về người và của.

Theo vị chuyên gia về động đất, đó chỉ là những trận động đất với cường độ trung bình nhỏ và vừa. Trận động đất lớn nhất được ghi nhận tại Kon Tum thời gian vừa qua là 4,5 độ Richter - đây chỉ là mức thấp so với thang đo động đất của thế giới. Các trận động đất có cường độ trên 5,5 độ Richter mới bắt đầu có khả năng gây ra thiệt hại.

"Chính vì vậy, người dân tại Kon Tum không nên quá hoang mang, lo lắng trước hiện tượng này. Để người dân sớm trở lại ổn định cuộc sống, cơ quan chức năng cần tích cực phổ biến kiến thức về động đất cho người dân, hướng dẫn người dân cách ứng phó khi xảy ra động đất. Trong thời gian tới Viện Vật Lý địa cầu sẽ tổ chức các buổi Hội thảo khoa học tại Kon Tum.

Thông qua các buổi Hội thảo, các chuyên gia của Viện sẽ giải thích cho người dân hiểu hơn về hiện tượng động đất kích thích và cách ứng phó khi xảy ra động đất. Phải làm cho người dân hiểu thì người dân mới không sợ và không hoang mang, nếu người dân không hiểu thì họ sẽ mãi sợ hãi một thứ không đáng để sợ", PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh.

Chuyên gia nói thẳng mức độ nguy hiểm của động đất ở Kon Tum - Ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương.

Đưa ra quan điểm về khả năng kéo dài của hiện tượng động đất tại Kon Tum, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần tin rằng, giống như hàng trăm công trình thủy điện ở Việt Nam và thế giới, thủy điện Thượng Kon Tum cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nghĩa là, hiện tượng động đất sẽ giảm theo thời gian, khi mà kết cấu địa chất ở hồ chứa dần ổn định.

"Để có thể đánh giá một cách chính xác, chúng ta cần nhanh chóng thiết lập các mạng trạm quan trắc, phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo. Không phải chỉ ngồi chờ cho đến khi hết động đất, có những công trình thủy điện hết nhanh, có nhưng công trình hết chậm.

Các nhà khoa học thì luôn sẵn sàng vào cuộc nhưng phụ thuộc rất lớn vào nguồn kinh phí. Do đó, hi vọng rằng trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ chú trọng đầu tư để có những nghiên cứu cụ thể hơn, chi tiết hơn về động đất kích thích", ông Phương đề xuất.

Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo: "Khi xảy ra động đất, nếu đang ở trong tòa nhà có kết cấu vững chắc, người dân cần bảo vệ cơ thể khỏi các tấm đổ vỡ bằng cách bám chặt vào khung cửa hoặc chui xuống một cái bàn nào đó.

Nếu đang ở bên ngoài, người dân hãy chạy ngay tới vùng đất trống, tránh xa các đường dây điện, các cột điện, đường ống dẫn nhiên liệu, tường và các công trình xây dựng khác có khả năng bị đổ hoặc sụp xuống.

Chuyên gia địa lý khuyến cáo người dân tránh xa các tòa nhà cao tầng. Nếu ở trên một ngọn núi hoặc ở gần một quả đồi nghiêng dốc, hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì chỗ đó có thể bị lở đất.

Nếu đang lái xe, hãy cố gắng lái vào bên đường và dừng lại, không được cố chui qua hoặc vượt qua những cây cầu vì chúng có thể bị sập".

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói thẳng mức độ nguy hiểm của động đất ở Kon Tum. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới