Thứ sáu, 26/04/2024 16:35 (GMT+7)
Chủ nhật, 08/05/2022 12:01 (GMT+7)

Liên tục xảy ra động đất tại Kon Plông: Lời giải từ chuyên gia

Theo dõi KTMT trên

Theo đánh giá sơ bộ, đây là hiện tượng động đất kích thích, xảy ra trong quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện.

Mới đây, một trận động đất mạnh 3,4 độ Richter đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Trận động đất này có độ sâu chấn tiêu khoảng 10km và không gây rủi ro về thiên tai. Hiện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đang tiếp tục theo dõi.

Đây không phải là lần đầu tiên huyện Kon Plông xảy ra động đất. Theo thống kê, từ năm 2021 đến ngày 18/4/2022, huyện Kon Plông đã xảy ra 169 trận động đất. Trong tháng 4/2022 (tính đến 22/4) xảy ra 29 trận động đất, riêng ngày 18/4 xảy ra trận động đất với cường độ 4,5 độ Richter được xem là mạnh nhất từ trước đến nay tại huyện này.

Động đất kích thích

Để tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.

Giải thích về việc trong hơn một năm trở lại đây huyện Kon Plong liên tục xảy ra động đất, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nhận định, theo đánh giá sơ bộ, đây là hiện tượng động đất kích thích, xảy ra trong quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện.

"Động đất được chia làm hai loại. Đầu tiên là động đất tự nhiên, được hình thành do hoạt động kiến tạo của vỏ trái đất. Thứ hai là động đất kích thích, hình thành do hoạt động của con người như làm hồ chứa thủy điện, khai thác hầm mỏ, nổ hạt nhân...

Trước đây, khu vực Kon Tum là vùng địa chất khá "yên tĩnh", trong hơn 100 năm mới chỉ ghi nhận vài trận động đất, trận mạnh nhất là 3,9 độ. Tuy nhiên, từ sau khi các nhà máy thủy điện được xây dựng, gần đây nhất là thủy điện Thượng Kon Tum, thì hiện tượng động đất xảy ra liên tục.

Để có thể hiểu rõ và đánh giá chi tiết hơn về tình hình động đất tại Kon Plong chúng ta phải thiết lập được mạng trạm quan trắc để thu thập và phân tích dữ liệu", TS. Nguyễn Xuân Anh phân tích.

Liên tục xảy ra động đất tại Kon Plông: Lời giải từ chuyên gia - Ảnh 1
TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.

Theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, động đất kích thích đang xảy ra tương đối nhiều tại các khu vực có công trình thủy điện, đây có thể coi là hiện tượng bình thường. Trước đây, tại Hòa Bình, Sơn La, đều xảy ra động đất kích thích, nhưng thời điểm đó việc tiếp cận thông tin còn hạn chế.

"Tại Sơn La, Hòa Bình và nhiều khu vực khác, gần đây nhất là thủy điện Sông Tranh 2 - Quảng Nam đều xảy ra động đất kích thích. Có một điểm chung về hiện tượng động đất kích thích đó là, khi hồ thủy điện bắt đầu tích nước, động đất xảy ra liên tục, sau đó vài năm khi kết cấu địa chất ổn định thì tần suất xuất hiện và cường độ động đất giảm dần. Tuy nhiên, có những hồ thủy điện trên thế giới đến mấy chục năm sau vẫn xảy ra động đất kích thích và vẫn mạnh.

Có thể giống như thủy điện Sông Tranh 2 và nhiều thủy điện khác, hiện tượng động đất ở Kon Plong sẽ giảm dần theo thời gian. Thế nhưng, nếu không có nghiên cứu và đánh giá chi tiết thì không thể khẳng định hiện tượng động đất ở Kon Plong sẽ giảm trong tương lai.

Do đó, Viện Vật lý địa cầu đang đề xuất thực hiện dự án khảo sát, nghiên cứu động đất kích thích và đánh giá động đất kích thích trên quy mô cả nước. Ngoài ra, cần cập nhật liên tục số liệu về động đất (khoảng 3 - 5 năm một lần), trên cơ sở đó sẽ có những đánh giá về mức độ rủi ro, nguy hiểm một cách khoa học", ông Xuân Anh lưu ý.

Nghiên cứu kỹ trước khi làm thủy điện

Được biết, UBND tỉnh Kon Tum đang xem xét đầu tư xây dựng Dự án Thủy điện Đăk Bla 3 với công suất lắp máy là 8,6MW. Trong bối cảnh huyện Kon Plong liên tục xảy ra động đất sau khi xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét thật kỹ trước khi phê duyệt Dự án Thủy điện Đăk Bla 3.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội đều phải hướng tới phát triển bền vững. Do đó, trước khi thực hiện một dự án thủy điện nào cũng phải khảo sát, đánh giá cụ thể từng khu vực, tránh đới đứt gãy, tránh khu vực có hoạt động địa chấn.

Liên tục xảy ra động đất tại Kon Plông: Lời giải từ chuyên gia - Ảnh 2
Vị trí tâm chấn trận động đất xảy ra sáng 6/5 tại Kon Plông.

"Trước khi xây dựng các công trình thủy điện nên đánh giá khả năng xảy ra động đất kích thích và mức độ nguy hiểm của động đất kích thích đối với người dân cũng như các công trình xung quanh. Thông qua kết quả đánh giá, nếu các chỉ số vẫn đảm bảo an toàn cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường thì vẫn có thể làm, nhưng phải tuân thủ quy định kháng chấn theo tiêu chuẩn và mức độ hoạt động động đất ở khu vực đó.

Đối với các dự án thủy điện, khi thực hiện đánh giá tác động môi trường, cũng như đánh giá sơ bộ tác động môi trường, cần phải nghiên cứu, tính toán thật kỹ khả năng xảy ra động đất kích thích, xác định mức độ rủi ro nguy hiểm của động đất kích thích. Từ đó, thông tin rộng rãi đến người dân, để người dân hiểu rõ. Việc người dân tại Kon Plong hoang mang khi hàng loạt vụ động đất xảy ra cũng một phần là do người dân chưa nắm được thông tin.

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần rà soát các quy định về đánh giá tác động môi trường, từ đó có sự thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn.  Cơ quan lập pháp cần rà soát lại về mặt pháp luật cũng như thực thi pháp luật đối với những công trình thủy điện đã và đang xây dựng", Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nhấn mạnh.

Cách ứng phó khi xảy ra động đất

TS. Nguyễn Xuân Anh khẳng định, hơn lúc nào hết, người dân xung quanh khu vực có nguy cơ xảy ra động đất phải được tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất.

Bên cạnh đó, họ phải được hướng dẫn các kỹ năng ứng phó nhanh nhất có thể nếu xảy ra động đất. Làm được như vậy sẽ giúp người dân bớt hoang mang và sớm ổn định cuộc sống.

Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo: "Khi xảy ra động đất, nếu đang ở trong tòa nhà có kết cấu vững chắc, người dân cần bảo vệ cơ thể khỏi các tấm đổ vỡ bằng cách bám chặt vào khung cửa hoặc chui xuống một cái bàn nào đó.

Nếu đang ở bên ngoài, người dân hãy chạy ngay tới vùng đất trống, tránh xa các đường dây điện, các cột điện, đường ống dẫn nhiên liệu, tường và các công trình xây dựng khác có khả năng bị đổ hoặc sụp xuống.

Chuyên gia địa lý khuyến cáo người dân tránh xa các tòa nhà cao tầng. Nếu ở trên một ngọn núi hoặc ở gần một quả đồi nghiêng dốc, hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì chỗ đó có thể bị lở đất.

Nếu đang lái xe, hãy cố gắng lái vào bên đường và dừng lại, không được cố chui qua hoặc vượt qua những cây cầu vì chúng có thể bị sập".

Liên quan đến động đất xảy ra liên tiếp tại huyện Kon Plông, UBND tỉnh Kon Tum đã gửi văn bản đến các đơn vị về việc theo dõi, xử lý động đất tại huyện Kon Plông.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tăng cường theo dõi dư chấn động đất trên địa bàn; kịp thời thông tin kết quả kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, mức độ nguy cơ ảnh hưởng động đất của các đơn vị để công bố cho chính quyền cơ sở và người dân được biết, chủ động ứng phó.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh khẩn trương đầu tư, lắp đặt bổ sung mới 3 trạm quan sát động đất kết hợp với 3 trạm quan sát động đất hiện có do Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt; hỗ trợ kinh phí cho việc vận hành mạng trạm quan trắc động đất ở khu vực công trình thủy điện Thượng Kon Tum (6 trạm).

Đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh khẩn trương đầu tư, lắp đặt mới và cấp kinh phí vận hành 2 trạm quan sát động đất ở khu vực công trình thủy điện Đăk Đrinh để kết nối vào hệ thống với 6 trạm quan sát động đất ở khu vực công trình thủy điện Thượng Kon Tum.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Liên tục xảy ra động đất tại Kon Plông: Lời giải từ chuyên gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới