Thứ ba, 23/04/2024 23:28 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/04/2022 15:00 (GMT+7)

Động đất ở Kon Tum liên tiếp bất thường, đề xuất thiết lập ngay 10 trạm quan trắc

Theo dõi KTMT trên

Theo đề xuất của Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cần phải thiết lập ngay mạng trạm quan trắc động đất (khoảng 10 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận để phục vụ thông tin, số liệu về động đất.

Động đất bất thường, gia tăng về tần suất

Những ngày qua, khu vực huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra các trận động đất. Chỉ tính từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực Kon Plông đã ghi nhận khoảng 180 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số động đất xảy ra trong suốt thời gian từ 1903 đến 2020.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc. Viện Vật lý địa cầu đã cử cán bộ tham gia Đoàn công tác BCĐ Quốc gia về phòng, chống thiên tai đi khảo sát thực tế tại địa bàn Kon Tum để đánh giá sơ bộ hoạt động động đất.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH&CN) cho rằng, "Cần phải thiết lập ngay mạng trạm quan trắc động đất (khoảng 10 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận để phục vụ thông tin, số liệu về động đất".

Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro động đất với khu vực huyện Kon Plông. Đồng thời cũng cần rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Trước đó, chỉ từ đêm ngày 20/4 đến sáng ngày 21/4, khu vực huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum ghi nhận thêm 3 trận động đất, nâng tổng số trận động đất trong một năm trở lại đây lên 173 trận.

Trận động đất đầu tiên trong sáng ngày 21/4 xảy ra lúc 00 giờ 55 phút 28 giây với độ lớn 3.2 và độ sâu 8.3 km. Ngay sau đó, lúc 1 giờ 5 phút 23 giây một trận động đất có độ lớn 2.9 ở độ sâu 8.6 km lại xảy ra ở huyện Kon Plông. Trận động đất mới nhất xảy ra lúc 4 giờ 12 phút 48 giây rạng sáng ở Kon Plông với độ lớn 2.5, độ sâu khoảng 8.1 km.

Ngày 20/4, tại huyện Kon Plông cũng ghi nhận trận động đất mạnh 2,5 độ richter. Xa hơn, ngày 18/4, tại huyện Kon Plông xảy ra 7 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,5 độ richter. Trong đó trận động đất mạnh 4,5 độ richter đã gây rung lắc tại huyện Kon Plông.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, tại Việt Nam động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác. Nhưng 2 năm gần đây, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được hàng trăm trận động đất có độ lớn trên 2,5 và rất nhiều động đất nhỏ khác xảy ra trên lãnh thổ nước ta.

Cũng theo ông Xuân Anh, không chỉ ở Kon Tum, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về động đất cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa ở các địa phương. Bởi trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước đã xảy ra nhiều trận động đất và dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất nhận định, động đất tại Kon Plông nhiều khả năng là động đất kích thích bởi thời điểm gia tăng động đất trùng với thời điểm Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 (24/3/2021).

Động đất ở Kon Tum liên tiếp bất thường, đề xuất thiết lập ngay 10 trạm quan trắc - Ảnh 1
Tâm chấn trận động đất mới nhất xảy ra sáng ngày 21/4 ở Kon Tum. (Nguồn: Viện Vật lý địa cầu)

Đặc biệt, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này tích nước hồ chứa.

Trong đó, tại thủy điện Sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2012, kéo dài đến tận bây giờ, từng gây ra nhiều lo ngại cho người dân và chính quyền các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn.

Yêu cầu đánh giá nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng 

Trong những ngày vừa qua đã liên tiếp xảy ra một số trận động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục thực hiện quan trắc, giám sát động đất tại khu vực nêu trên, báo tin kịp thời cho các cơ quan và nhân dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.

Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân biết các biện pháp ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi xảy ra động đất.

Trước đó, ngày 21/4, đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) tiếp tục làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum (BCH Phòng chống thiên tai Kon Tum) bàn hướng khắc phục, giải pháp cho tình hình động đất tại Kon Tum.

Đoàn công tác đã đến tìm hiểu thực tế tại Nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum ở địa bàn 2 xã Ngọc Tem và Đắk Tăng (huyện Kon Plông). Qua khảo sát thực tế, đoàn công tác cho rằng, trước mắt cần tập trung rà soát những tác động thực tiễn từ các trận động đất, rung chấn đã xảy ra tại Kon Plông. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, chính quyền cơ sở thấy được mức độ tác động của động đất rồi chủ động phòng tránh.

Trưởng đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, yêu cầu rà soát lại phương án, cập nhật những nội dung liên quan ứng phó với động đất để chính quyền, người dân biết; có phương án chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

“Từ kinh nghiệm của Sông Tranh chúng ta có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá xác thực nhất, từ đây đề ra giải pháp phù hợp, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm”, ông Quang nói.

Việc thủy điện tích nước có ảnh hưởng tới tần suất xảy ra động đất?

Với công suất thiết kế 220MW, dung tích hồ chứa trên 145 triệu m3 nước, thủy điện Thượng Kon Tum đang được xem là một trong những yếu tố có thể liên quan đến việc gia tăng các trận động đất và rung chấn thời gian gần đây tại khu vực này.

Ông Trần Công Đàm, Giám đốc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum, thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh thông tin, ngày 26/2/2020, Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu thực hiện tích nước, đến ngày 20/11 cùng năm đã tích đầy hồ chứa. Đến ngày 8/2/2021, nhà máy bắt đầu ghi nhận có rung chấn. Trong khoảng thời gian từ tháng 2-5/2021, rung chấn xuất hiện khá nhiều lần, sau thưa dần. Đến trung tuần tháng 9/2021 xuất hiện rung chấn trở lại và với mật độ dày vào tháng 3 và tháng 4/2022. 

Vì vậy, câu hỏi đặt ra đó là qua các con số thống kê, liệu việc gia tăng cả về mật độ và độ lớn động đất gần đây có sự trùng hợp với thời gian tích nước của hồ Thủy điện Thượng Kon Tum?

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Động đất ở Kon Tum liên tiếp bất thường, đề xuất thiết lập ngay 10 trạm quan trắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.