Thứ bảy, 20/04/2024 12:56 (GMT+7)
Thứ ba, 19/04/2022 14:00 (GMT+7)

Yêu cầu thủy điện Thượng Kon Tum không tích thêm nước

Theo dõi KTMT trên

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét cho phép tiến hành thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro động đất đối với huyện Kon Plông (Kon Tum).

Động đất ở Kon Tum có xu hướng mạnh dần

Sáng nay 19/4, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai họp bàn với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chuyên môn để chủ động giải pháp ứng phó với động đất liên tục xảy ra ở Kon Tum những ngày vừa qua.

Trước đó, trong vòng 4 ngày (15 - 18/4), tại Kon Tum đã xảy ra liên tiếp trên 20 trận động đất. Đặc biệt, riêng ngày hôm qua - 18/4/2022, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận liên tiếp 7 trận rung lắc lớn. Trong đó, trận động đất lúc 12 giờ ngày 18.4 mạnh đến 4,5 độ richter.

Yêu cầu thủy điện Thượng Kon Tum không tích thêm nước - Ảnh 1
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp sáng 19/4 để  bàn giải pháp ứng phó với động đất liên tục xảy ra ở Kon Tum những ngày vừa qua.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Lê Ngọc Tuấn, hiện tượng động đất nhỏ, gây nứt núi, dẫn đến sạt lở khi mùa mưa đến phổ biến ở các huyện miền núi như Tu Mơ Rông thì không lạ. Nhưng, khu vực huyện Kong Plông xưa nay là lại nơi bình yên. Hiện nay, động đất liên tiếp xảy ra ở các xã Măng Bút, Đăk Tăng, Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọk Tem, Măng Cành, Pờ Ê, Xã Hiếu, Thị trấn Măng Đen, thuộc huyện Kon Plông là bất thường.

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên, trong đó chỉ có hai trận động đất xảy vào năm 1937 có độ lớn 3.9 và năm 2015 có độ lớn 3.0. 

Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Đặc biệt trong các ngày 15 -18/4/2022 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn M = 2.5 đến 4.5.

Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.

"Nhiều số liệu cho thấy hiện tượng động đất tại khu vực Kon Plông có tần suất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng mạnh dần. Thời gian tới, tại đây có thể xảy ra các trận động đất có độ lớn 5-5,5", ông Xuân Anh nhận định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sơ bộ xảy ra động đất liên tục tại khu vực có thể đến từ hiện tượng kích thích do việc tích nước. Mặc dù đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực, các rung động địa chấn đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân trong khu vực.

Chủ động giải pháp ứng phó động đất 

Trước nguy cơ động đất có thể xảy ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất có khả năng gây ra tại khu vực trên, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai xem xét cho phép tiến hành thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro động đất đối với khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Yêu cầu thủy điện Thượng Kon Tum không tích thêm nước - Ảnh 2
Bản đồ các điểm động đất tỉnh Kon Tum từ năm 2021 đến nay.

Trong đó, tiến hành nghiên cứu đánh giá chi tiết mô hình cấu trúc và độ lớn động đất cực đại có khả năng phát sinh của các hệ thống đứt gãy khu vực huyện Kon Plông và lân cận; thiết lập ngay một mạng trạm quan sát động đất địa phương (gồm 5 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và phụ cận.

Đồng thời, nghiên cứu nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất, đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông; rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Cũng cho ý kiến về các giải pháp, theo ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương), Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum đang trong quá trình tích nước, với dung tích hiện đạt 73%, còn 7 m nước nữa mới đạt đến mực nước dâng bình thường. Mực nước này không phải quá lớn so với dung tích của hồ chứa.

Vì vậy, ông Thực nhận định, quá trình vận hành Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum vẫn đảm bảo an toàn và "trong tầm kiểm soát". Về nhận định nguyên nhân động đất tại Kon Plông có thể là động đất kích thích do việc tích nước, ông Thực cho rằng cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu thêm việc này.

"Bài học về động đất ở thủy điện Sông Tranh năm 2015 cho thấy, chúng ta cần rất nhiều thời gian (1-2 năm) để kết luận về nguyên nhân. Do đó, việc này cần sự đánh giá kỹ lưỡng thông qua nghiên cứu, quan trắc số liệu tại khu vực, sau đó chúng tôi mới có thể xây dựng phương án ứng phó cụ thể", ông Thực nói.

Trước mắt, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum và Gia Lai sớm xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó khẩn cấp đối với các tình huống động đất trên địa bàn.

Kết luận cuộc họp, Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đề nghị các cơ quan liên quan rà soát dấu hiệu động đất tại tỉnh Kon Tum, từ đó xác định nguyên nhân, nguy cơ xảy ra tình huống mới. Đồng thời, tăng cường theo dõi tình hình diễn biến của các trận động đất.

Theo ông Hoài, việc cảnh báo diễn biến động đất có độ trễ. Nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, thời lượng trễ này là thời gian vàng để cơ quan chức năng ứng phó. Do đó, ông đề nghị Viện Vật lý địa cầu tăng cường kết hợp với đơn vị quản lý thủy điện và các địa phương để cung thấp thông tin nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, khu vực xung quanh huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum có nhiều hồ chứa, đặc biệt nhiều hồ xung yếu và nhiều hồ đã tích đầy nước.

"Việc này đặt ra bài toán đảm bảo an toàn cho người dân đang sinh sống tại khu vực hạ du các hồ chứa trong trường hợp xảy ra những yếu tố bất thường, đặc biệt là động đất", ông Hoài cho hay.

Vì vậy, đối với các công trình quan trọng, trong đó có hồ chứa thủy lợi và thủy điện, trước mắt, ông Hoài đề nghị các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum không tích thêm nước vì có thể có mưa trái mùa, gia tăng mực nước, có thể kích hoạt thêm động đất. Thứ hai, đối với các hồ chứa thủy lợi, phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, có giám sát theo dõi đối với các hồ chứa xung yếu.

Tỉnh Kon Tum cần thông báo cơ quan liên quan và người dân chủ động ứng phó song song với thông tin thường xuyên, đầy đủ để tránh thông tin thất thiệt dẫn tới một số hộ dân lo lắng, hoang mang. 

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đã nhận định, động đất ở Kon Tum là hiện tượng động đất kích thích, do hoạt động của con người gây ra, cụ thể là hoạt động của thủy điện.

Được biết thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Công ty liên kết của Tổng Công ty Phát điện 3) làm chủ đầu tư với công suất 220MW. Công trình được khởi công vào tháng 9.2009. Tích nước, phát điện vào năm 2021.

Công trình khai thác dòng chảy từ sông Đăk S’Nghé, chảy qua vùng đất thuộc xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông... có thể tích 150 triệu m3 nước.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu thủy điện Thượng Kon Tum không tích thêm nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới