Thứ sáu, 29/03/2024 02:47 (GMT+7)
Thứ tư, 20/07/2022 23:34 (GMT+7)

Điểm những tin tức môi trường nổi bật ngày 20/7

Theo dõi KTMT trên

Phát động giải báo chí ‘Giảm ô nhiễm nhựa đại dương’ lần thứ 2; Chuyên gia khí tượng nói về thời tiết dị thường; Kon Tum: Sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, thiệt hại hơn 20 tỷ đồng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 20/7.

Phát động giải báo chí ‘Giảm ô nhiễm nhựa đại dương’ lần thứ 2

Giải báo chí Giảm ô nhiễm nhựa đại dương là sự ghi nhận những đóng góp của báo chí trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường biểnà cũng là cơ hội để kêu gọi toàn xã hội cùng chung sức “cứu” đại dương.

“Nếu không sớm có sự can thiệp, ngăn chặn việc thải nhựa ra môi trường biển, cuộc sống của chúng ta và các thế hệ sau sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhựa có thể dần chiếm lĩnh không gian sống của các loài sinh vật biển, phá hoại tài nguyên thiên nhiên đã ban tặng cho con người.”

Đó là cảnh báo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tại lễ phát động giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” với chủ đề “Hành động vì đại dương không rác thải nhựa” vừa diễn ra chiều 20/7, tại Hà Nội.

Sự kiện do UNDP Việt Nam, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Báo điện tử VTC News phối hợp tổ chức.

Điểm những tin tức môi trường nổi bật ngày 20/7 - Ảnh 1
Hằng năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe tải chở đầy rác đổ ra biển.

Theo UNDP Việt Nam, hằng năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe tải chở đầy rác đổ ra biển.

Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch cùng với gia tăng dân số làm lượng rác thải hàng ngày không được xử lý xả ra môi trường ngày một nhiều thêm, gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường các khu vực ven biển và hải đảo, đặc biệt là làm suy giảm các hệ sinh thái cỏ biển và san hô trong các khu bảo tồn.

Ngoài ra, các sản phẩm làm từ nhựa cũng đã và đang trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.

Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác; còn lại đang được chuyển vào các bãi rác lộ thiên, thậm chí là thải trực tiếp ra môi trường.

Trước thực trạng trên, UNDP Việt Nam cho rằng giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” lần thứ 2 là dịp để ghi nhận cũng như phát huy vai trò của báo chí trong công tác truyền thông nhằm góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Bởi lẽ, báo chí không chỉ có vai trò dẫn dắt mà còn định hướng ý thức cho người dân.

Đây cũng là cơ hội để phổ biến và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, sự kiện kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương cũng như việc quản lý rác thải nhựa, qua đó để người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn những tác động tiêu cực của việc quản lý chất thải không đúng cách với môi trường và sức khỏe con người.

Chuyên gia khí tượng nói về thời tiết dị thường

Năm 2022 được coi là năm thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều thiên tai dị thường, điều này là do mưa cực đoan, hệ lụy từ chu kỳ La Nina kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, diễn biến thời tiết rõ ràng nhất năm nay là hiện tượng mưa cực đoan. Mưa nhiều, lũ lớn, do vậy các hiện tượng thời tiết và thiên tai dị thường liên quan đến bão lũ có thể sẽ xảy ra dồn dập ở mùa mưa lũ năm nay.

Hiện tượng mưa cực đoan là lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, có thể xuất hiện các điểm mưa lớn kỷ lục và mưa dồn dập, liên tục, tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm. Theo dự báo thì trong tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%, tháng 9 cao hơn từ 10-30%. Tại khu vực Trung Bộ, tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12 có lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm, xuất hiện các điểm mưa cực đoan.

"Với diễn biến này, trong các tháng cuối năm, Trung Bộ có khả năng thiên tai dồn dập như lũ quét, sạt lở đất giống như năm 2020. Thời điểm tháng 10,11/2020 ở Trung Bộ liên tục xuất hiện các đợt mưa lớn gây trượt lở đất ở nhiều khu vực. Năm nay, mưa có hình thế tương tự như năm 2020, tuy nhiên mức độ như thế nào cần phải xem xét thêm.

Dự báo mùa bão năm nay sẽ xuất hiện các cơn bão mạnh, trái quy luật do tác động của hiện tượng La Nina. Từ nay đến cuối năm còn khoảng 9 – 11 cơn bão trên biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Điểm đặc biệt của năm nay là không khí lạnh sẽ đến sớm nên có thể xảy ra sự kết hợp của không khí lạnh và xoáy thuận nhiệt đới. Sự tương tác này làm cho cường độ của bão có khả năng mạnh hơn và đường đi bất thường, phức tạp hơn", ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.

Từ nay đến hết tháng 7, đầu tháng 8, Bắc Bộ vẫn chịu tác động của nắng nóng. Xen kẽ các đợt nắng nóng là các đợt mưa lớn, kèm theo giông, sét, lốc xoáy rất nguy hiểm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có hiện tượng mưa rào và giông, cần đề phòng ngập úng.

Kon Tum: Sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, thiệt hại hơn 20 tỷ đồng

Ngày 20-7, UBND H.Tu Mơ Rông cho biết, qua rà soát, xác định tính đến thời điểm hiện nay, tổng số cây sâm Ngọc Linh thiệt hại trên địa bàn huyện là 39.224 cây của 408 hộ. Ước tính giá trị thiệt hại của sâm Ngọc Linh khoảng hơn 20 tỉ đồng.

Trong đó, thiệt hại nặng nhất là do sâu bệnh, khi có 38.412 cây sâm Ngọc Linh của 393 hộ dân bị chết. Số lượng sâm Ngọc Linh bị chết, ảnh hưởng do mưa đá là 812 cây của 27 hộ dân. Xã Măng Ri (Tu Mơ Rông) bị thiệt hại nặng nhất khi có 23.210 cây sâm bị chết.

Trước đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đã gửi mẫu sâm Ngọc Linh chết trên địa bàn 2 xã Măng Ri (H.Tu Mơ Rông) và Ngọc Linh (H.Đắk Glei, cùng thuộc tỉnh Kon Tum) đến Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) để tìm nguyên nhân.

Điểm những tin tức môi trường nổi bật ngày 20/7 - Ảnh 2
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số cây sâm Ngọc Linh thiệt hại trên địa bàn huyện là 39.224 cây của 408 hộ, ước tính giá trị thiệt hại khoảng hơn 20 tỉ đồng.

Kết quả giám định cho thấy lá sâm Ngọc Linh bị bệnh ở xã Ngọc Linh và Măng Ri đều phát hiện nấm Puccinia sp; trên mẫu củ sâm Ngọc Linh thu tại xã Ngọc Linh phát hiện nấm Rhizoctonia sp. Ngoài ra, trong mẫu đất thu tại xã Ngọc Linh có tuyến trùng ký sinh thực vật, mẫu còn lại tại xã Măng Ri không có tuyến trùng gây hại.

Theo UBND H.Tu Mơ Rông, đa số các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện là người dân tộc thiểu số và sử dụng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại cho người dân trồng Sâm Ngọc Linh, UBND huyện Tu Mơ Rông kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ cho người dân trồng Sâm Ngọc Linh.

UBND H.Tu Mơ Rông cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội có phương án khoanh, giãn nợ cho người dân vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh; chỉ đạo cho các doanh nghiệp cung ứng giống sâm Ngọc Linh cho người dân trên địa bàn huyện để khôi phục các diện tích bị chết.

Trung Quốc lại ban bố cảnh báo xanh về mưa dông ở nhiều khu vực

Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc ngày 20/7 ban bố trở lại cảnh báo xanh về mưa dông tại một số khu vực ở nước này.

Theo đó, từ 8h sáng 20/7 đến 8h sáng 21/7, mưa dông dự kiến diễn ra tại các khu vực của tỉnh Sơn Đông, An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc, Trùng Khánh, Quý Châu và Vân Nam, trong khi mưa lớn với lượng mưa lên đến 150mm có thể trút xuống nhiều khu vực của các tỉnh này.

Một số tỉnh cũng sẽ có mưa lớn trong thời gian ngắn với lượng mưa hơn 70mm trong nhiều giờ tại một số nơi, kèm theo sấm sét và gió mạnh.

Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc khuyến cáo chính quyền các địa phương đề phòng mưa bão và kiểm tra các hệ thống thủy lợi tại các thành phố, các trang trại và ao cá.

Trung tâm cũng khuyến cáo các tài xế đề phòng lũ lụt và tắc nghẽn giao thông, đồng thời yêu cầu các trường học và nhà trẻ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Trước đó, ngày 14/7, Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc đã ban bố cảnh báo xanh về mưa dông tại một số khu vực, trong đó có các tỉnh Giang Tô, An Huy.

Trung Quốc áp dụng hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp độ mã hóa theo màu, trong đó màu đỏ là cảnh báo nghiêm trọng nhất, tiếp đến màu cam, vàng và xanh da trời.

Châu Âu 'bỏng rãy' vì nắng nóng kỷ lục

Theo hãng tin AP, mực nước ở các hồ chứa ở phía bắc nước Anh đang ở mức thấp nguy hiểm trong khi các quốc gia ở phía nam châu Âu đang chịu hạn hán và khiến các đám cháy rừng tiếp tục lan rộng.

Các chuyên gia khí hậu cảnh báo, các đợt nắng nóng sẽ diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và gay gắt hơn do tình trạng nóng lên của toàn cầu. Cơ quan Khí tượng Anh lần đầu tiên phải ban bố cảnh báo đỏ do cực kỳ nóng. Nhiều công viên, đường sá trống trơn do nhiều người ở nhà để tránh nóng.

Điểm những tin tức môi trường nổi bật ngày 20/7 - Ảnh 3
Tuyến đường sắt nối giữa ga King's Cross và Peterborough phải dừng hoạt động do đám cháy lớn xảy ra ở Bedfordshire, gây hư hại cho các thiết bị báo hiệu. (Ảnh: Daily Mail)

Lính canh tại Cung điện Buckingham đã phá vỡ chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh như thường lệ của họ để uống từng ngụm nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ ở Anh tăng kỷ lục, lên trên 40 độ C.

Ở cuộc đua Tour de France, các vận động viên gắn túi nước đá dưới quần áo để chống chọi với thời tiết. Trong khi đó, các bãi biển ở phía tây nam Pháp bị khói từ các đám cháy rừng bao phủ dày đặc.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điểm những tin tức môi trường nổi bật ngày 20/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.