Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 7/4
WHO phát động Chiến dịch Thay đổi vì biến đổi khí hậu; 99% dân số thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm; Dừng sản xuất Nhà máy giấy gây ô nhiễm môi trường tại Hòa Bình... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 7/4.
WHO phát động Chiến dịch "Thay đổi vì biến đổi khí hậu"
Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến: Hành tinh của chúng ta, sức khỏe của chúng ta. Đây cũng chính là chủ đề năm nay, nhằm nhấn mạnh những tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người.
Tại tọa đàm, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã phát động Chiến dịch Change for Climate change (tạm dịch: Thay đổi vì biến đổi khí hậu). Chiến dịch nhằm khuyến khích cộng đồng thực hiện những hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động đến môi trường. Mỗi thay đổi dù nhỏ nhất cũng là bước đi quan trọng để cứu tương lai của loài người trước biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Chia sẻ về tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực y tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ gia tăng làm gia tăng các nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng – những bệnh nhạy cảm với khí hậu; tăng tỷ lệ nhập viện, đặc biệt là các đối tượng người già và trẻ em. Nhiệt độ tăng 1 độ C sẽ làm tăng 3,4 – 4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7 – 11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tăng 5,6% nguy cơ mắc tay chân miệng và tăng 1,5% tiêu chảy.
Biến đổi khí hậu cũng làm tăng tình trạng thiếu nước sạch, gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, hoạt động hậu cần tại bệnh viện và cơ sở y tế. Đây là những điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng hoạt động khám chữa bệnh phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Nếu chúng ta ứng phó biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, tác động và thiệt hại với cơ sở y tế rất nghiêm trọng, mất nhiều công sức nguồn lực khắc phục.
Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; với mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống y tế và sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bộ đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, hỗ trợ địa phương triển khai các hành động ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch, xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp; giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu.
Hà Nội quản lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Bên cạnh vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa ngành nghề nông thôn thì sự phát triển mạnh của các làng nghề cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.
Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, các địa phương tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý; tăng cường bảo vệ môi trường, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái và nguồn gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, giám sát, từng bước ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp.
Bắt quả tang 5 đối tượng đang phá rừng lấn chiếm đất ở Đà Lạt
Ban Quản lý rừng Lâm Viên (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, sau quá trình mật phục, sáng 7/4, lực lượng chức năng đã bắt được 5 đối tượng đang phá rừng nhằm lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Vụ việc xảy ra tại lô A3, khoảnh 5, tiểu khu 144B, Phường 7, TP.Đà Lạt. Đây là lâm phần do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý bảo vệ.
Trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, Ban Quản lý rừng Lâm Viên phát hiện nhóm người đang cưa cây, dọn cỏ.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã bắt quả 5 đối tượng trên đang có hành vi lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích 3.000m2 (trong đó 2.000m2 đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp, 1.000m2 đất lâm nghiệp).
Các đối tượng khai nhận đã dùng rựa (dao) phát, cuốc đất nhằm chiếm đất rừng. Họ được một người không biết tên có số điện thoại 0965138222 thuê và trả công 2 triệu đồng/ngày, bắt đầu thực hiện công việc từ chiều 6/4.
Dừng sản xuất Nhà máy giấy gây ô nhiễm môi trường tại Hòa Bình
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định ngừng toàn bộ hoạt động đối với Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy thương phẩm và sản xuất giấy xuất khẩu của Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Thuận Phát tại xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Thời gian ngừng hoạt động là 12 tháng kể từ ngày 5/4, với lý do: trong quá trình triển khai dự án, Nhà máy sản xuất bột giấy của Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Thuận Phát đã xả nước thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật. Ngày 16/1/2020, Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Thuận Phát.
Mặc dù doanh nghiệp đã có ý thức khắc phục, tuy nhiên chưa triệt để, nước thải sau khi xử lý chưa đạt quy chuẩn Việt Nam, nhà đầu tư vẫn có hoạt động xả nước thải chưa bảo đảm quy chuẩn cho phép ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Ngày 31/12/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trước đó, nhiều năm qua, Công ty Thuận Phát đã liên tục xả nước thải ra suối Cái gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân tại địa bàn và một số xã thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Mặc dù, cơ quan chức năng đã vào cuộc yêu cầu khẩn trương xử lý, giảm công suất sản xuất, nhưng công ty vẫn tiếp tục xả nước thải, khiến người dân bức xúc.
99% dân số thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm
Đây là cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực y tế của Liên Hợp Quốc vừa cho biết, 99% dân số thế giới hít thở không khí ô nhiễm vượt quá giới hạn được quốc tế phê duyệt, tuy nhiên, ô nhiễm không khí gây tác động tiêu cực đến sức khỏe ở mức thấp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
WHO cũng kêu gọi các chính phủ lưu ý rằng tổ chức này đã tiến hành các thay đổi đáng kể đối với các chỉ số chất lượng không khí, bao gồm cả vật chất dạng hạt - được gọi là PM2.5 - có thể đi vào máu, cùng với nitơ điôxít (NO2).
TS. Sophie Gumy, cán bộ kỹ thuật tại Cơ quan Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của WHO, cho biết, ô nhiễm không khí có tác động ở mức độ thấp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Vì vậy, với tất cả các bằng chứng mới được đưa ra trong 15 năm qua kể từ lần cập nhật hướng dẫn chất lượng không khí cuối cùng của WHO, hầu hết các chỉ số của các mức hướng dẫn đã bị giảm xuống. Đối với ô nhiễm dạng hạt, mức độ ô nhiễm đã giảm đi 2 lần và đối với NO2, mức độ ô nhiễm đã giảm đi 4 lần.
Giám đốc Cơ quan Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của WHO, TS. Maria Neira đánh giá cao việc ngày càng có nhiều thành phố bắt đầu đo chất lượng không khí lần đầu tiên và điều đặc biệt quan trọng là dữ liệu về NO2 cũng đang được thu thập. NO2 là loại khí gây hại và gây ra rất nhiều bệnh về đường hô hấp - một trong số đó là bệnh hen suyễn - đang gia tăng ở nhiều thành phố trên thế giới.
TS. Gumy cho biết, mặc dù sự tiến bộ trên được ghi nhận, nhưng vẫn còn phần lớn các thành phố không tuân thủ các nguyên tắc về chất lượng không khí. Tại các thành phố này, người dân vẫn đang tiếp xúc với ô nhiễm không khí dạng hạt và NO2 ở mức độ không tốt cho sức khỏe và nhiều người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức phơi nhiễm cao nhất.
Lan Anh