Thứ năm, 18/04/2024 22:33 (GMT+7)
Thứ năm, 07/04/2022 07:00 (GMT+7)

Nghiên cứu phân vùng hạn chế xe máy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới

Theo Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, Chính phủ yêu cầu UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Đồng thời, quán triệt thực hiện một số các giải pháp như cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải.

Nghiên cứu phân vùng hạn chế xe máy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Quán triệt cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải.

Nghị quyết 48 đề ra mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm 5-10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020. Đồng thời, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

Quyết định nêu rõ, giao Bộ Công an đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông. 

Cùng với đó, trên cơ sở thực tế của từng thành phố, rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho HĐND thành phố ban hành các Nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%.

Áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị. Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Khí thải giao thông là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường

Theo đánh giá của WHO, giai đoạn 2008 – 2017, Hà Nội và TP.HCM nằm trong danh sách 500 TP có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất. Trong đó, Hà Nội ở vị trí 214 và TP.HCM là 279… và một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí chính là giao thông vận tải.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thông tin, theo nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí… Điều này đã và đang gây ra nhiều tác động bất lợi tới sức khỏe cộng đồng.

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm. Trong đó, có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Các chuyên gia khẳng định, mặc dù TP.Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng nó vẫn diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là việc giảm thiểu khí thải nhà kính. Dẫn chứng về việc này, các chuyên gia nhấn mạnh, theo thống kê tổng lượng khí thải nhà kính của Hà Nội năm 2015 là khoảng 18,2 triệu tấn Co2, tương đương 7% tổng lượng phát thải của quốc gia. Dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 42,7 triệu tấn nếu chúng ta không có biện pháp giảm thiểu.

Đáng chú ý, căn cứ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Hòa An cho biết, so với khí thải ô tô, khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn vì có thuộc tính gây đột biến gen và teratogen, nguy cơ ảnh hưởng phôi thai, gây ra một số loại ung thư ở người. Với thành phố có gần 10 triệu dân, khoảng 8,5 triệu phương tiện đang lưu thông mỗi ngày (trong đó 7,5 triệu môtô, xe máy, còn lại là ô tô), việc kiểm soát khí thải xe máy là cấp thiết.

Tương tự Việt Nam, dẫn chứng câu chuyện của Đài Loan, có đặc thù tương tự Việt Nam, ThS Đinh Trọng Khang cho biết để giảm một lượng khí thải khổng lồ này, Đài Loan phải mất 15 năm và bắt đầu thực hiện từ năm 1993. TP.HCM cần chủ động thực hiện càng sớm càng tốt, bắt đầu ở khu vực trung tâm, nơi chịu áp lực lớn ô nhiễm không khí.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Chiến – Viện Chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải cho rằng, việc các đơn vị chức năng thí điểm đo khí thải xe máy, hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới là điều rất cần thiết, đáng hoan nghênh. Song, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra, chúng ta cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, hỗ trợ về tiền, phí đăng ký xe mới… để khuyến khích người dân thay thế phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho rằng, cùng với việc giám sát lượng khí thải phát sinh, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường… các đơn vị chức năng cần xem xét đánh thuế môi trường cả xe ô tô và xe máy. Trong đó, cần quy định rõ, những phương tiện đã sử dụng từ 5 năm trở lên phải nộp thuế và cứ sau 1 năm thuế này lại tăng lên

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu phân vùng hạn chế xe máy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới