Phương tiện giao thông 'sạch hơn' khi nâng quy chuẩn kỹ thuật khí thải
Sau thành công khi áp dụng nâng quy chuẩn kỹ thuật khí thải ô tô, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật khí thải mức 4 (tương đương Euro 4) đối với phương tiện mô tô, xe gắn máy nhằm hạn chế ô nhiễm không khí.
Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông
Việt Nam là một quốc gia điển hình ở khu vực và thế giới về sử dụng môtô, xe gắn máy khi chiếm tới 95% tổng số xe cơ giới. Đây là loại phương tiện đi lại được nhiều người dân lựa chọn bởi dễ sử dụng, khả năng cơ động và giá thành hợp lý.
Bên cạnh những lợi ích mà môtô, xe gắn máy mang lại thì đây cũng là nguồn chính thải ra các chất độc hại như CO, HC, VOC, NOx... gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều.
Lượng phát thải chất gây ô nhiễm từ các loại xe cơ giới nói chung và môtô, xe gắn máy nói riêng không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng xe cũng như lượng nhiên liệu tiêu thụ, mà chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng nhiên liệu, công nghệ giảm khí thải được lắp trên xe; chế độ bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành xe...
Thực tế cho thấy trung bình một môtô, xe gắn máy tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng khoảng 1/5 so với một ôtô con, nhưng lại có thể thải ra lượng khí độc hại gấp nhiều lần nếu như môtô, xe gắn máy đó có kết cấu, công nghệ lạc hậu (không có các hệ thống kiểm soát khí thải trên xe).
Nhiều nghiên cứu cho thấy hệ số phát thải CO, HC của môtô cao gấp 6,4 lần ôtô hạng nhẹ. Như vậy, có thể thấy không giống như ôtô đang lưu hành (tham gia giao thông) phải kiểm tra khí thải định kỳ tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thì môtô, xe gắn máy ngoài việc phải đăng ký cấp biển số thì khi tham gia giao thông lại chưa phải chịu bất kỳ hình thức kiểm soát khí thải nào.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có ý kiến về việc xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật khí thải Mức 4 (tương đương Euro 4) đối với phương tiện môtô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới.
Cụ thể, về kiến nghị xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật khí thải mức 4 (tương đương Euro 4) đối với phương tiện môtô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để thống nhất về cơ quan chủ trì, cơ sở pháp lý, đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật liên quan khác, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh trùng dẫm, chồng chéo trong hoạt động quản lý nhà nước giữa các cơ quan liên quan.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, thẩm quyền của mình và quy định của Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô, môtô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô tham gia giao thông và ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu, để triển khai, thực hiện các lộ trình hiện hành.
Việt Nam lọt top đầu ASEAN về kiểm soát khí thải khi nâng tiêu chuẩn khí thải
Việc nâng tiêu chuẩn khí thải ôtô từ mức 4 (năm 2017) lên mức 5 vào tháng 1-2022, Việt Nam trở thành quốc gia nằm trong top đầu ASEAN về kiểm soát khí thải gây tác động đến môi trường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đông Phong - Giám đốc Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết mục đích chính là nhằm tăng cường kiểm soát khí thải gây tác hại đến môi trường và hiệu ứng nhà kính.
Theo ông Phong, năm 2007, Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 2, đến năm 2017 áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và đến tháng 1-2022 áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5. Như vậy, khi áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5, Việt Nam sẽ nằm trong top đầu ASEAN (gồm Việt Nam và Singapore) áp dụng tiêu chuẩn khí thải cao nhất trong khu vực và đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Tuy nhiên, hiện nay một số nước châu Âu đã tăng cường kiểm soát khí thải ôtô và đã nâng tiêu chuẩn khí thải lên mức 6. Trong đó, một số nước châu Âu đang tiến đến hạn chế loại ôtô phát khí thải, thay vào đó nhiều nước sản xuất sử dụng ôtô điện.
Hiện nay công tác kiểm định xe cơ giới tham gia giao thông đã và đang được thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ; các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đã trang bị và sử dụng thiết bị kiểm tra hiện đại, đồng bộ, quy trình kiểm định phù hợp thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức đăng kiểm Quốc tế (CITA), xe cơ giới sau kiểm định đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Tuy nhiên, khí thải xe cơ giới tham gia giao thông giữa 2 kỳ kiểm định phụ thuộc rất nhiều vào quá trình khai thác, sử dụng và thực hiện chế độ bảo dưỡng sửa chữa của chủ phương tiện; có hiện tượng xe ô tô không bảo đảm về khí thải vẫn lưu thông trên đường.
Để giải quyết thực trạng này cần có giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và mức phát thải giữa 2 kỳ kiểm định; bên cạnh đó cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý của các lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường.
Tuyên truyền, phổ biến các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tăng cường công tác quản lý kỹ thuật đối với phương tiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong suốt quá trình khai thác, sử dụng phương tiện. Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (phương tiện phát thải lớn, hoạt động với tần suất cao tại các thành phố) đầu tư, chuyển đổi sang sử dụng phương tiện ít phát thải; ứng dụng công nghệ, thiết bị xử lý khí thải trên xe buýt nhằm giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Nguyễn Linh (T/h)