Thứ sáu, 26/04/2024 12:23 (GMT+7)
Thứ năm, 30/12/2021 12:00 (GMT+7)

Cần tìm giải pháp phù hợp để nhân rộng đo kiểm khí thải xe máy

Theo dõi KTMT trên

Không nên dừng thí điểm đo khí thải xe máy, hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới ở mức thí điểm mà cần nhân rộng nhiều hơn để bảo vệ môi trường.

Cần giải pháp đồng bộ hơn

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra, Hà Nội cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân cũng như nghiên cứu phương án hỗ trợ về tiền, phí đăng ký xe mới… để khuyến khích người dân thay thế phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Các cơ quan chức năng cũng cần tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển các loại phương tiện này để thu hút người dân sử dụng, từng bước hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Về phía đơn vị tổ chức, bà Đào Thị Anh Điệp cho biết trên cơ sở kết quả triển khai đo kiểm và thu/đổi mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, Chi cục Bảo vệ môi trường đang xem xét, đánh giá lại quá trình triển khai; Từ đó sẽ đề xuất giải pháp cũng như phân trách nhiệm của các Sở, ngành để ban hành kế hoạch cụ thể.

“Hiện nay, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn tổng hợp số liệu,” bà Điệp nói thêm.

Cần tìm giải pháp phù hợp để nhân rộng đo kiểm khí thải xe máy - Ảnh 1
Cần nhiều giải pháp đo kiểm khí thải mô tô, xe gắn máy cũ. (Ảnh minh họa)

Cũng theo đại diện đơn vị tổ chức, chương trình thí điểm đo kiểm khí thải mô tô, xe gắn máy cũ, nhằm mục đích xây dựng chính sách, theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ.

Thực tế triển khai hiện nay cho thấy việc thu hồi xe cũ rất quan trọng, là cơ hội để xây dựng những chính sách, quy định, gỡ bỏ các rào cản cho phù hợp. Nếu chỉ quy định một nhà sản xuất phải thu hồi xe cũ, nhưng khách hàng không muốn, đến một thời điểm nào đó khách hàng muốn thì vướng nhiều rào cản về thủ tục pháp lý.

“Do đó, mục tiêu của chương trình thí điểm được đưa ra là ghi nhận ý kiến người dân, các thách thức khó khăn hiện có của đại lý... trong việc tổ chức thu đổi xe cũ và tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe mới. Đây cũng sẽ là bài học rất giá trị để xây dựng chính sách cho phù hợp,” đại diện đơn vị tổ chức nhấn mạnh.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết trong các năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí ở một số đô thị có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM10, PM2.5 gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Vì thế, chương trình thí điểm đo kiểm khí thải mô tô, xe gắn máy cũ của Hà Nội là hoạt động quan trọng nhằm thu thập thông tin về mức phát thải của xe máy đang lưu hành, cũng như đánh giá được mức hiệu quả của việc sửa chữa.

Theo đó, kết quả của chương trình sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ thuật về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bên cạnh việc triển khai tại Hà Nội, chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy đã được tiến hành tại TP.HCM và sắp tới là Đà Nẵng. Hoạt động chính của chương trình là tổ chức kiểm tra khí thải miễn phí, sửa chữa bảo dưỡng miễn phí cho khoảng 18.000 xe máy tại 3 thành phố lớn.

Mục tiêu là để đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của phát thải xe máy, đặc biệt là xe máy cũ, đến chất lượng không khí đồng thời là cơ sở khoa học để hỗ trợ việc xây dựng, thực thi các chính sách về giao thông bền vững và bảo vệ môi trường.

Ý kiến chuyên gia về vấn đề thí điểm đo khí thải xe máy tại TP.HCM

Về vấn đề này, theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), do chưa có quy định về niên hạn đối với xe máy nên muốn thực hiện kiểm định được khí thải xe máy và thu hồi xe máy cũ, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, có quy chuẩn về khí thải xe máy. Với những xe không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải có thể dừng lưu hành. Người dân có trách nhiệm bảo dưỡng, nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải.

Nếu xe cũ nhưng sửa chữa vẫn hoạt động tốt, nên có quy định về bảo trì, không nhất thiết phải thu hồi. Nếu xe quá cũ nát, không thể sửa chữa, không thể bảo dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải, không đủ tiêu chuẩn lưu hành, người dân sẽ tự thải bỏ.

Mặt khác, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý cho chủ xe bị thu hồi như giảm giá mua xe mới hoặc cho vay mua xe không lãi suất để không ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là người nghèo.

Bên cạnh đó, Nhà nước có thể hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, trong khi chờ đợi hành lang pháp lý về việc kiểm soát, kiểm định khí thải xe máy, TP.HCM nên chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án cụ thể trong việc xử lý xe máy cũ bị thu hồi, đặc biệt là vấn đề về nhân lực và diện tích sân bãi cần thiết để lưu giữ, xử lý số lượng lớn xe thu hồi. Nếu có thể, nên xem xét việc giao cho các doanh nghiệp xe máy tự thu hồi, xử lý xe của hãng mình để cân đối, tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, thành phố hướng đến quản lý xe máy dựa trên việc kiểm soát khí thải thay vì chỉ thu hồi dựa trên niên hạn sử dụng vì trên thực tế, có những xe máy chất lượng tốt tuy sử dụng quá niên hạn quy định nhưng vẫn không gây nguy hại đến môi trường.

Ngược lại, có những xe mới mua, sử dụng chưa lâu nhưng chất lượng sản xuất kém, lượng khí thải xả ra vượt mốc quy định, dễ hư hỏng thì vẫn cần cấm lưu thông.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, việc thu hồi xe hết niên hạn cần được áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện, bao gồm cả ôtô và xe máy. Chính sách công bằng cho tất cả các loại phương tiện sẽ tránh dẫn đến tâm lý tiêu cực cho những người sử dụng xe gắn máy.

Theo ông Phạm Xuân Mai, không thể phủ nhận hiện vẫn còn rất nhiều người nghèo mưu sinh dựa vào xe máy nhưng đồng thời cũng là lựa chọn chủ động của những người không thuộc diện khó khăn mà chỉ muốn tiết giảm chi phí lưu thông, tăng lợi nhuận. Nếu cứ mãi vì thế mà “ngại” không dám thực hiện kiểm định thì vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí của TP.HCM sẽ không thể cải thiện.

“Hiện nay, nhận thức của người dân cũng đã có nhiều thay đổi. Họ hiểu rõ tác động tiêu cực của những phương tiện cũ, không đạt tiêu chuẩn. Chỉ cần Nhà nước có chính sách và lộ trình thích hợp sẽ nhận được ủng hộ”, ông Phạm Xuân Mai đánh giá.

Cần tìm giải pháp phù hợp để nhân rộng đo kiểm khí thải xe máy - Ảnh 2
Còn rất nhiều người nghèo mưu sinh dựa vào xe máy. (Ảnh minh họa)

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, Sở đã báo cáo UBND Thành phố kiến nghị các Bộ, ngành sớm ban hành quy định pháp luật cho kiểm soát khí thải xe máy; đồng thời, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xây dựng lộ trình kiểm định, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

Sở Giao thông Vận tải cũng đang tham mưu UBND Thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để mở rộng thực hiện kiểm định khí thải xe máy.

Trước mắt, Sở đề xuất tập trung kiểm soát xe từ 5 năm sử dụng trở lên rồi mới kiểm soát tất cả. Toàn bộ quá trình chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn đầu xây dựng 88 trạm kiểm định và hệ thống lưu trữ dữ liệu; Thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải toàn bộ xe lưu hành để lập cơ sở dữ liệu với mức phí 50.000 đồng/xe/năm.

Thành phố miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn.

Sau đó, bắt đầu phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải và áp dụng cho xe từ 5 năm trở lên. Giai đoạn tiếp theo mở rộng ra xây dựng thêm 78 trạm, quy mô toàn thành phố. Kinh phí thực hiện đề án tới năm 2030 là 553 tỷ đồng.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần tìm giải pháp phù hợp để nhân rộng đo kiểm khí thải xe máy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới