Thứ hai, 06/05/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ ba, 22/03/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 22/3

Theo dõi KTMT trên

Ngày Nước thế giới 22/3: Đề cao vai trò nước ngầm; Dự báo mùa mưa năm 2022 ở ĐBSCL sẽ đến sớm; Liên minh giảm tiêu thụ túi nylon vì sự phát triển bền vững... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày 22/3.

Ngày Nước thế giới 22/3: Đề cao vai trò nước ngầm

Với chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, Ngày Nước thế giới năm nay nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2022 cũng hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cần có những hành động khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm. Đây sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 22/3 - Ảnh 1
Ngày Nước thế giới 2022 với chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”.

Gửi thông điệp cho sự kiện quan trọng này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh, nhu cầu về nước của nhân loại đang ngày càng lớn dần. Áp lực lên nguồn nước ngày càng tăng do sử dụng quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Hạn hán và các đợt nắng nóng ngày càng gay gắt và diễn ra thường xuyên hơn. Mực nước biển dâng đang thúc đẩy xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước ven biển. Các tầng chứa nước ngầm đang bị cạn kiệt.

Nhu cầu về nước của nhân loại đang lớn dần. Áp lực lên nguồn nước ngày càng tăng do việc sử dụng quá mức, tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Các đợt hạn hán và sóng nhiệt diễn ra ngày càng gay gắt và thường xuyên hơn. Mực nước biển dâng đang thúc đẩy xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước ven biển. Các tầng chứa nước ngầm đang dần bị cạn kiệt.

Dự báo mùa mưa năm 2022 ở ĐBSCL sẽ đến sớm

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ đầu tháng 3 đến nay, khu vực ĐBSCL xuất hiện mưa trái mùa ở một vài nơi thuộc các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ… với lượng mưa trung bình khoảng 10mm. Những cơn mưa góp phần làm giảm oi bức, nắng nóng, khô hạn ở các địa phương.

Dự báo đến cuối tháng 3/2022, ĐBSCL tiếp tục sẽ có mưa xuất hiện trên toàn vùng với lượng mưa khoảng 10-20mm. Đặc biệt, ở vùng thượng nguồn ĐBSCL (bao gồm vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên) mưa xuất hiện có thể lên tới 30mm. Đồng thời, hiện tượng ENSO đang ở pha lạnh, ảnh hưởng La Nina tiếp tục kéo dài đến tháng 5 sau nghiêng về trung tính, do đó năm 2022 dự báo mùa mưa xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Hiện thời tiết đang nắng nóng, oi bức nên khi chuyển sang mưa thường xuất hiện sấm sét, gió mạnh dẫn đến lốc xoáy, nhất là thời điểm đầu mùa mưa… Các địa phương trong vùng cần đề phòng, né tránh và hướng dẫn người dân các biện pháp hạn chế tốc mái nhà cửa, công trình xây dựng bị ảnh hưởng do lốc xoáy và phòng tránh bị sét đánh trúng.

Liên minh giảm tiêu thụ túi nylon: Sáng kiến vì sự phát triển bền vững

Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa được coi là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất ở Việt Nam và trên toàn cầu. Theo số liệu khảo sát vào tháng 3 năm 2021 do Viện CLCSTN&MT, Bộ TN&MT thực hiện cùng các đối tác, số lượng túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nylon/năm.

Phát biểu tại hội thảo “Chia sẻ kế hoạch giảm tiêu thụ túi nylon sử dụng một lần tại các nhà bán lẻ” diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội, TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng, việc các nhà bán lẻ cùng chung tay thực hiện các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ túi nylon sử dụng một lần là việc rất cần thiết để góp phần đạt được các mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 22/3 - Ảnh 2
Tính đến tháng 12/2021 đã có 16 nhà bán lẻ đăng ký tham gia liên minh giảm tiêu thụ túi nylon.

Thông tin từ TS Kim Thị Thúy Ngọc, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, tính đến tháng 12/2021, đã có 16 nhà bán lẻ đăng ký tham gia liên minh. Trong đó có sự xuất hiện của Tập đoàn TH True Milk, Công ty TNHH Phân Phối Sành Điệu, Công ty TNHH Bán lẻ BRG.

Theo đó, Kế hoạch hành động của liên minh đã được các thành viên thống nhất gồm: Truyền thông, tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi khách hàng; thực hiện các chương trình khuyến mãi khuyến khích khách hàng giảm tiêu dùng túi nylon; đào tạo, tăng cường năng lực cho nhân viên thu ngân, cán bộ liên quan... 

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị bán lẻ đã trình bày về kế hoạch giảm tiêu dùng túi nylon trong thời gian tới như: Thay thế túi nylon khó phân hủy bằng các loại túi thân thiện với môi trường; thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi nylon dùng một lần; triển khai chương trình “Ngày không sử dụng túi nylon."

Nguy hiểm rình rập từ các mỏ hết thời hạn khai thác tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Hiện nay, một số mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hết hạn khai thác hoặc cạn kiệt tài nguyên. Tuy nhiên, các mỏ này không được phục hồi môi trường sau khai thác, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho những hộ dân sống xung quanh.

Trong đó, tại khu phố Phú Thạnh, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, 3 mỏ khai thác đất sét được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép cho doanh nghiệp khai thác vào các năm 2003, 2004 và 2008 với diện tích hơn 51 ha hiện đều đã hết hạn khai thác, có những mỏ đã hết hạn khoảng hơn 10 năm nay.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 22/3 - Ảnh 3
Nhiều mỏ khoáng sản không được phục hồi môi trường sau khai thác, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho những hộ dân sống xung quanh. (Ảnh: TTXVN)

Trong khu vực các mỏ này, doanh nghiệp không bố trí người bảo vệ. Có nơi, doanh nghiệp đã làm hàng rào lưới B40 cao quá đầu người nhưng có nơi còn rất sơ sài chỉ là ít dây kẽm gai kéo song song nhau chạy trên bờ các hồ. Doanh nghiệp đã cắm biển cảnh báo, đào mương ngăn không cho người dân vào bên trong nhưng do không có bảo vệ thường trực tại khu vực này nên nhiều người vẫn vào tắm khiến xảy ra những vụ đuối nước thương tâm như thời gian vừa qua. Đến nay, các doanh nghiệp chưa có biện pháp khắc phục tình trạng này và không khắc phục môi trường sau khai thác.

Qua khảo sát của phóng viên, không riêng các mỏ khai thác khoáng sản tại thị xã Phú Mỹ, nhiều mỏ trên địa bàn tỉnh còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm việc rào chắn, cảnh báo.

Thậm chí, khu vực hồ Đá Xanh, thuộc phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm nhưng tại đây vẫn không có biển cảnh cáo, thậm chí có cá nhân đứng ra làm điểm khai thác kinh doanh du lịch, thu phí người đến chụp ảnh.

Quảng Nam: Xã đảo Tam Hải tràn ngập rác thải

Tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam rác thải tràn ngập bờ biển gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Nghịch lý ở chỗ, người dân nơi đây cho rằng, tình trạng rác bủa vây xã đảo là do không có nhà máy xử lý rác thải. 

Hiện tại các bãi biển và những nơi danh thắng như Ghềnh đá Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa;… của xã đảo Tam Hải đủ các loại rác thải trôi dạt vào bờ gây ô nhiễm nặng về môi trường và làm mất mỹ quan danh thắng nơi đây.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 22/3 - Ảnh 4
Rác thải tràn ngập bờ biển gây ô nhiễm môi trường nặng nề tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)

Đáng lo ngại, khi có nhiều loại rác khó phân hủy như chai, lọ bằng nhựa hay thủy tinh, túi nilon, các loại bao bì, cho đến những vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Nhiều đống rác đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, tình trạng rác thải tràn ngập bờ biển và danh thắng nơi đây diễn ra thời gian dài, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động du lịch trên đảo. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng hàng năm tổ chức dọn rác tuy nhiên không hết được, rác trên biển cứ tấp vào liên tục, dọn chưa hết đợt này, rác lại tiếp tục tấp vào phải dọn đợt khác. Mỗi năm chính quyền xã phải tốn khoảng 500 triệu đồng để chi phí tiền xử lý rác thải.

Rác tràn ngập khắp nơi, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng, thế nhưng có 1 dự án xây dựng lò đốt rác tại chỗ đã nhiều lần họp bàn giữa các bên nhưng vẫn không thống nhất để thực hiện được.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 22/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới