Thứ ba, 23/04/2024 19:10 (GMT+7)
Thứ tư, 30/03/2022 20:00 (GMT+7)

Tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/3

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội: Điểm danh những siêu dự án hàng nghìn tỷ đồng bị “bỏ hoang” hàng thập kỷ; Đi vào tận ngõ hẻm sâu, giá đất vẫn “chóng mặt”; “Choáng” đấu giá đất quê lên tới 30 triệu đồng/m2… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Hà Nội: Điểm danh những siêu dự án hàng nghìn tỷ đồng bị “bỏ hoang” hàng thập kỷ

Giữa trung tâm Hà Nội, hàng loạt dự án nhà cao tầng được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với vị trí đắc địa, nhưng “bỏ hoang” sau nhiều năm xây dựng, làm méo mó bộ mặt Thủ đô, gây thất thoát và lãng phí nghiêm trọng.

Dự án tổ hợp khách sạn Sao Phương Đông có tên thương mại là dự án khách sạn Westin Hà Nội có địa chỉ tại số 269 Kim Mã, phường Giảng Võ, quận Ba Đình do Công ty Cổ phần Du lịch và thương Mại sao Phương Đông làm chủ đầu tư. Quy mô dự án bao gồm 17 tầng cao, 1 tầng lửng, 2 tầng kỹ thuật trên diện tích 3.485 m2…

Tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/3 - Ảnh 1
Dự án khách sạn Westin Hà Nội tọa lạc tại 269 Kim Mã, phường Giảng Võ, quận Ba Đình.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: Để xảy ra tình trạng dự án “treo”, dự án chậm triển khai trong nhiều năm nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án… Tất nhiên, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Với những dự án chủ đầu tư chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý thu hồi giao cho doanh nghiệp khác có năng lực để triển khai dự án, từ đó không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đi vào tận ngõ hẻm sâu, giá đất vẫn “chóng mặt”

Để tìm được mảnh đất khoảng 10.000 m2 (1 héc-ta) có view đẹp, mặc dù ở sâu trong các con đường nhỏ (thậm chí đường đất đỏ, đi lại khó khăn) giá vài tiền tỷ mới có thể mua được. Trong khi, mức giá này 7 năm về trước chỉ tính bằng vài chỉ vàng.

Đất tăng khắp nơi, từ nông thôn đến vùng núi là hiện tượng dễ nhìn thấy trên thị trường BĐS hiện nay. Ở những khu vực heo hút, vài năm trước không ai nghĩ tới, thì nay bỗng trở nên nóng sốt, tiền tỷ cũng khó mua được.

Tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/3 - Ảnh 2

Tìm hiểu được biết, tại xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đang rao bán lô đất 1,1 héc-ta với giá 3 tỷ đồng (khoảng 300 triệu đồng/1.000 m2). Mức giá này đã tăng gần 2 tỷ đồng so với giá thời điểm đầu năm 2018.

Theo môi giới khu vực này, mức giá hiện bán ra được xem là dễ chịu so với thị trường chung, gần bên cạnh, là xã Lộc Tiến thuộc TP.Bảo Lộc, 3 tỷ đồng chỉ mua được 1.000-1.500 m2. "Với 1.1 héc-ta này, nếu phân lô ra bán khoảng 1,1 tỷ đồng/1.000 m2, gấp gần 4 lần so với giá mua vào", môi giới này cho hay.

Mảnh đất này nằm sâu vào các con đường đèo dốc, đi qua nhiều huyện nhỏ, đường chưa trải nhựa. Do có view đồi – nơi trước đây người dân chỉ để trồng cà phê và tiêu thì nay có giá bạc tỷ khi cơn sốt đất đi qua.

Khoảng 3 năm nay, khi nhiều nhà đầu tư các nơi đổ về TP.Bảo Lộc và các huyện ven như Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Tẻh… săn đất khiến mặt bằng giá đất cũng leo thang, tăng ít nhất 40% so với thời điểm năm 2018. Các mảnh đất nằm tận sau ngõ hẻm, đường khó đi, đèo dốc liên tục, giá cũng tăng "chóng mặt".

Cơn sốt đất trồng cây lâu năm cũng đang lan rộng ra các khu vực Quảng Ngãi, Phú Yên. Tại Phú Yên, một năm trước 1 héc-ta đất có giá từ 100-150 triệu đồng thì hiện đã lên mức 350-400 triệu đồng. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư cũng không có nguồn hàng để mua, vì dân giữ lại để chờ giá tăng thêm.

Đề xuất bổ sung quy định đấu giá quyền sử dụng đất

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung quy định về xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá; điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của người tham gia đấu giá.

Phải nộp tiền đặt trước, có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá

Theo dự thảo, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

1- Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai.

2- Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.

3- Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư.

4- Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

5- Phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.

“Choáng” đấu giá đất quê lên tới 30 triệu đồng/m2

Trong khi giá đất ở nông thôn nhiều nơi ở Bắc Ninh chỉ vài triệu đồng/m2 thì đất đấu giá lên đến 30 triệu đồng/m2. Thực tế, những năm gần đây, giá đất ở khu vực này vẫn tăng “nóng” bất chấp dịch bệnh. Chuyên gia cảnh báo về việc “sốt ảo”.

Tại Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, thị trường bất động sản tỉnh này trong những năm qua có những biến động lớn.

Theo đó, giá đất so với mặt bằng của cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng có sự chênh lệch về địa giới hành chính và vị trí đất được chuyển nhượng.

Tại khu vực đô thị, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thực tế dao động từ 10 triệu đồng/m2 đối với các khu vực trong ngõ hẻm đến 200 triệu đồng/m2 đối với mặt các tuyến đường kinh doanh sầm uất như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cao, Nguyễn Gia Thiều (TP Bắc Ninh), Trần Phú (Từ Sơn)...

Giá nhà ở chung cư thu nhập thấp hiện được các chủ đầu tư bán với giá khoảng 10 triệu đồng/m2 đến 12 triệu đồng/m2, cho thuê với giá từ 60.000 đồng/m2 đến 80.000 đồng/m2, phù hợp với thu nhập của đại bộ phận công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp và các nhóm đối tượng khác theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở.

Giá nhà ở chung cư thương mại đang được giao dịch với mức giá dao động từ 15 triệu đồng/m2 đến 30 triệu đồng/m2 tùy dự án.

Đáng chú ý, giá đất ở nông thôn thấp hơn nhiều so với khu vực đô thị, nhiều nơi chỉ vài triệu đồng/m2, tuy nhiên, tại một số dự án đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian vừa qua ghi nhận giá đất ở lên đến 30 triệu đồng/m2.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Xã Diễn Hoàng dần lộ diện nông thôn mới nâng cao
Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, phát huy nội lực, xã Diễn Hoàng, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo NTM lộ diện, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.