Tìm giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp
Theo kế hoạch, ngày mai (9/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khởi động lại nền kinh tế ứng phó dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Trước thềm hội nghị, Báo Nhân Dân nêu một số đề xuất, kiến nghị của DN nhằm tìm giải pháp thiết thực hỗ trợ các DN phục hồi sau dịch.
Công nhân Xí nghiệp may 1, Công ty May Chiến Thắng sản xuất khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn. (Ảnh: Lâm Thanh) |
Cần chính sách chung về lãi suất
Dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề chưa từng có đối với ngành hàng không thế giới cũng như trong nước. Sau khi “lệnh” dừng bay quốc tế và giảm tần suất các đường bay nội địa về mức gần như bằng 0, hàng trăm máy bay của các hãng phải nằm “đắp chiếu” trong nhiều ngày. Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) Dương Trí Thành nhận định: Đối với tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là hàng không, tôi muốn nhấn mạnh điều đầu tiên là nội lực, sau đó, mới nói đến vay và tài trợ. Trong nội lực của DN, bao gồm dựa vào cổ đông, chủ sở hữu. VNA là hãng hàng không quốc gia, Nhà nước chiếm phần lớn cổ phần. Ngoài ra, còn có cổ đông chiến lược là hãng hàng không Nhật Bản. VNA đã báo cáo và kỳ vọng các cổ đông chính sẽ có những giải pháp về nguồn vốn. Về vay và tài trợ, với những đối tác như cho thuê máy bay, cung ứng dịch vụ hàng không, VNA đã đàm phán tạo điều kiện giãn tiến độ thanh toán hoặc tài trợ trực tiếp qua các chính sách về thuế, tài chính. Quan điểm của tôi là DN dù lớn hay nhỏ đều mong muốn được hỗ trợ, nhưng bản thân DN phải có phương án, giải pháp để phục hồi, trả nợ và phát triển.
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, từ ngày 28/3 đến 22/4, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt đã tạm dừng. Tổng công ty chủ động sắp xếp cho người lao động nghỉ việc và chi trả chế độ, chính sách đãi ngộ đúng quy định, bảo đảm ổn định nội bộ trong toàn đơn vị. Tuy nhiên, do không có nguồn thu cho nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, DN đang triển khai các thủ tục để được hưởng các chính sách hỗ trợ, chủ động làm việc với ngân hàng để đề xuất giãn trả nợ gốc và giảm lãi suất vốn vay từ nay đến hết năm. Các chính sách này đã phần nào giúp DN giải quyết khó khăn về tài chính, dòng tiền để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có chính sách khác nhau, không có sự thống nhất để áp dụng chung cho tất cả các đối tượng DN. Hiện lãi suất tại tất cả các ngân hàng đều không thấp hơn 9%, thời gian giảm nhiều nhất không quá sáu tháng. Một số ngân hàng chỉ cho phép DN lựa chọn một trong hai hình thức hỗ trợ: Giảm lãi suất hoặc gia hạn các khoản nợ. Về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, bản chất chỉ là cho phép DN gộp hai kỳ vào một lần, không có chính sách hỗ trợ miễn hay giảm. Gói tín dụng 285 nghìn tỉ đồng hỗ trợ DN được Chính phủ công bố sớm nhất, hàng loạt ngân hàng đồng loạt đăng ký tham gia với lãi suất cho vay cam kết thấp hơn 0,5 đến 1% mức thông thường. Tuy nhiên, thực tế nhiều DN khó tiếp cận dòng vốn hỗ trợ này do ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của DN vay theo đúng tiêu chuẩn thông thường thay vì tình huống dịch bệnh và vẫn đòi tài sản thế chấp. Nếu DN không có tài sản bảo đảm hay không chứng minh được thiệt hại và dòng tiền trả nợ, khó có thể tiếp cận gói tín dụng này để duy trì hoạt động.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Thắng Lợi (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Đình Hãn cho biết, do ảnh hưởng dịch, khoảng 70% số công nhân của công ty buộc phải nghỉ việc từ giữa tháng 3. Nguồn nguyên liệu vẫn bảo đảm nhưng các đơn hàng đã bị “đứt gãy” do thị trường chủ yếu là châu Âu và Mỹ tạm dừng nhận hàng. Mặc dù DN đã được giảm một số khoản thuế; tạm ngừng đóng tiền bảo hiểm xã hội; được các ngân hàng thương mại (NHTM) cho giãn nộp tiền lãi vay ba tháng; được ngành điện lực giảm tiền điện từ tháng 4/2020 (tháng 5 mới thanh toán hóa đơn tiền điện kỳ tháng 4), nhưng tác dụng chỉ “như muối bỏ bể” vì sản xuất giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất vay vốn vẫn chưa có kết quả, hiện đơn vị vẫn đang đàm phán với các NHTM về từng khoản vay để có được mức giảm lãi vay mong muốn, do mỗi NHTM có tiêu chí riêng về chính sách tín dụng. Do đó, công ty mong muốn Nhà nước sớm ban hành tiêu chí chung, rõ ràng về mức giảm lãi suất vay vốn đối với từng ngành nghề, lĩnh vực, mức độ thiệt hại,... Đồng thời, để “cầm cự” trong mùa dịch, DN đã triển khai sản xuất khẩu trang kháng khuẩn nhưng hiện còn gặp khó khăn về đầu ra, cho nên rất cần các ngành liên quan, nhất là các tham tán thương mại ở các nước, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu mặt hàng này.
Theo Phó Giám đốc Mai Linh Đà Nẵng Trương Tài, tiến độ triển khai các gói hỗ trợ của Nhà nước còn chậm, việc tiếp cận các gói hỗ trợ này còn hạn chế, khiến một số chủ trương, chính sách chưa phát huy tác dụng. Hiện nay, DN mới tiếp cận và thụ hưởng chính sách gia hạn nợ từ ngân hàng và gia hạn thuế, giúp giảm bớt phần nào áp lực của DN. Về gia hạn thuế, thực tế trong thời gian dịch bệnh không phát sinh doanh thu hoặc doanh thu chỉ bằng 10 đến 20% so cùng kỳ, cho nên việc giãn các loại thuế có tác động không lớn, trong khi gói tín dụng cho vay thêm rất khó tiếp cận. Tương tự, đại diện Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (Vicem) cho biết, đến nay, Vicem cũng chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước. Các đơn vị trong ngành đang tích cực làm việc với các bên liên quan, nhất là các tổ chức tín dụng để hỗ trợ lãi suất cho vay. Nhìn chung, phía ngân hàng cũng đồng hành cùng DN vượt khó, nhưng DN cần chuẩn bị kỹ hồ sơ chứng minh thiệt hại để được hỗ trợ ngay trên những khoản đã vay tại ngân hàng. Vicem đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư xây dựng cơ bản, thúc đẩy phát triển sản xuất,...
Tính toán căn cơ các gói hỗ trợ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công. Trong đó, đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ như: Miễn 100% lệ phí môn bài năm 2020 cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020; giảm 30% tiền thuê đất trong thời gian sáu tháng đối với các cơ sở bị ngừng sản xuất, kinh doanh; miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các DN hàng không; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết tháng 9-2020,... Trên thực tế, việc triển khai các gói hỗ trợ thời gian qua chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, ngoại trừ gói hỗ trợ lãi suất là dễ tiếp cận hơn cả. Do đó, nếu không có thêm những chính sách cụ thể và mạnh mẽ, nhiều DN sẽ đứng trước nguy cơ phá sản trước khi được hỗ trợ.
Theo nhận định của TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 sẽ tác động dài hạn đến nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước, trong khi nguồn lực tài chính của Việt Nam có hạn cho nên phải tính toán căn cơ các gói giải pháp hỗ trợ DN và duy trì phát triển kinh tế. Tăng quy mô gói hỗ trợ tín dụng bằng giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu các khoản nợ phải thận trọng để không làm phát sinh nợ xấu, tránh tình trạng sau khủng hoảng nợ xấu lại tăng lên. Gói tài khóa giãn, hoãn thuế cũng đã được đưa ra, nếu tăng quy mô mà mức độ từ giãn hoãn thuế sang miễn, giảm thuế thì vẫn còn dư địa nhưng là dư địa hẹp. Bên cạnh đó, cần kiến nghị Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu đang giảm mạnh, mức thuế này chiếm tỉ lệ cao trong giá bán lẻ xăng dầu. Quan trọng nhất vẫn là giải pháp tạo môi trường kinh doanh, gỡ bỏ rào cản đối với hoạt động của DN như dừng hoạt động thanh tra, kiểm tra, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí hoạt động cho DN. Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lúc này cần biện pháp hỗ trợ mạnh hơn nữa từ phía Nhà nước để cứu DN trước khi quá muộn. Phải tính đến việc tung ra các gói hỗ trợ trực tiếp cho DN vay lãi suất rất thấp với tính chất như gói cho vay 30 nghìn tỉ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội trước đây để giúp DN có tiền trang trải chi phí và cầm cự lúc khó khăn. Về nguyên tắc, cho vay lãi suất thấp có thể ảnh hưởng lạm phát nếu lượng tiền đi vào lưu thông lớn nhưng thời điểm này, mức cầu giảm mạnh cho nên vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát.
Theo Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành, với vai trò là doanh nghiệp nhà nước - hãng hàng không quốc gia, VNA đã báo cáo, đề xuất Chính phủ (với tư cách là cổ đông đang sở hữu hơn 86% cổ phần) để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, thông qua việc bơm vốn bổ sung, cho vay ưu đãi để bảo đảm dòng tiền, duy trì hoạt động, vượt qua khủng hoảng. Trong bối cảnh ngành nào cũng bị thiệt hại, nguồn lực nhà nước có hạn, các gói hỗ trợ cần có lộ trình và thứ tự. Những ngành nào mang tính chất dẫn đường, cơ bản cần được ưu tiên trước và không nên đặt nặng vấn đề thành phần kinh tế, bởi tất cả đều là của quốc gia. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) Nguyễn Ngọc An cho rằng, ngoài chính sách gia hạn thuế, Chính phủ cần có thêm các chính sách về giảm thuế cho DN. Vì khi giảm thuế mới kích thích sản xuất và tạo điều kiện tái sản xuất cho các DN, còn hiện nay gia hạn thuế thì cuối năm các DN vẫn phải nộp thuế đầy đủ.
Theo đại diện Công ty TNHH Anthi Việt Nam (quận Ba Đình, Hà Nội), những quyết sách của Chính phủ hết sức đúng đắn, tuy nhiên chỉ đúng ở “thượng tầng”, khi triển khai thì DN nhỏ hoặc siêu nhỏ không có cách nào tiếp cận, nhất là các gói cứu trợ. Các bộ, ngành cần đưa ra quyết sách làm sao đến được DN nhanh nhất, thiết thực nhất. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Lạc Việt Lê Văn Lên cho rằng, để hỗ trợ ngành du lịch, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, cụ thể: miễn visa 28 ngày cho tất cả các nước khối châu Âu (Schengen), Anh, Mỹ , Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa. Đồng thời, giảm 50% giá vé, phí tham quan tại tất cả các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên toàn quốc đến hết năm 2021 để kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, tích cực triển khai các chương trình quảng bá về hình ảnh Việt Nam với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng về văn hóa ẩm thực, vẻ đẹp thiên nhiên và nghỉ dưỡng,… để thu hút khách quốc tế và trong nước sau khi hết dịch.
Thúc đẩy đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định sản xuất, kinh doanh của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do đó, Chính phủ cần có thêm các giải pháp cụ thể và đặc thù để đẩy nhanh tiến độ cho các dự án trọng điểm đang triển khai như Nhiệt điện Sông Hậu 1, cũng như sớm khởi động lại các dự án được đánh giá sẽ có hiệu quả, tác động lan tỏa đến nền kinh tế (Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1,...). Bên cạnh đó, tiếp tục khởi công một số dự án khác đã nằm trong quy hoạch phát triển điện lực như: Quảng Trạch 1, Quỳnh Lập 1,... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng tăng, bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới. Anh hùng Lao động Lê Văn Tuấn Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP |
Nhóm PV kinh tế