Thứ sáu, 19/04/2024 04:12 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/07/2021 06:34 (GMT+7)

Tiếp tục hoàn thiện chính sách để tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo dõi KTMT trên

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, việc chỉnh sửa nội dung Đề án sẽ theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 09/NQ-CP và Luật Bảo vệ môi trường 2020 là quản lý thống nhất Nhà nước về chất thải rắn và nâng cao trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương.

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số, tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) có xu hướng gia tăng qua các năm, đã và đang gây áp lực lớn đến môi trường nước ta. Trong khi đó, công tác quản lý CTRSH chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay và thời gian tới.

Kết quả điều tra của Bộ TN&MT năm 2019 cho thấy, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 64.658 tấn/ngày (số liệu của 63 tỉnh, thành phố), tăng 46% so với năm 2010. Trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 35.623 tấn/ngày với tỉ lệ thu gom, xử lý khoảng 85%, khu vực nông thôn khoảng 28.394 tấn/ngày. Các địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25%, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM phát sinh trên 6.000 tấn/ngày).

Tiếp tục hoàn thiện chính sách để tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 1
Lượng chất thải rắn sinh hoạt có xu hướng gia tăng qua các năm đã gây sức ép lớn đến môi trường. (Ảnh: Thành Đạt)

Đến năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh). 

Trước thực trạng này, Bộ TN&MT đề xuất xây dựng đề án “Tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam” trên cơ sở lồng ghép nội dung Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH đô thị và nông thôn trình Chính phủ.

Tuy nhiên, trong năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội ban hành; ngày 1/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng thời ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến dự thảo Đề án đã trình. Ngoài ra, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có nhiều nội dung về quản lý CTRSH. Do vậy, Bộ TN&MT sẽ chỉnh sửa lại nội dung Đề án cho phù hợp với các văn bản nêu trên.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, việc chỉnh sửa nội dung Đề án sẽ theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 09/NQ-CP và Luật Bảo vệ môi trường 2020 là quản lý thống nhất Nhà nước về chất thải rắn và nâng cao trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương. Do đó, những nội dung về quy phạm pháp luật cần chi tiết, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật từ việc phân loại, thu gom, xử lý đến định mức kinh tế kỹ thuật, mô hình công nghệ.

Hiện Việt Nam có nhiều mô hình công nghệ xử lý CTRSH, việc áp dụng công nghệ phù hợp với thực tiễn của từng địa phương là điều quan trọng, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn thì cần tìm mô hình mang tính đột phá để có thể góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề về CTRSH hiện nay. Trong đó, một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý. 

Đại diện Vụ Pháp chế nhận định, hệ thống quản lý CTRSH tại Việt Nam hiện nay do một số lực lượng cùng tham gia như đồng nát, các làng nghề, đặc biệt cơ bản là các công ty môi trường thu gom, phân loại và cuối cùng được xử lý bằng chôn lấp, thiêu đốt, tái chế chuyển sang dạng năng lượng. Do đó, trong dự án nên có cái nhìn tổng quan về toàn bộ hệ thống này, làm rõ vai trò của từng nhóm đối tượng, từ "đồng nát", công ty môi trường, UBND các cấp, người dân trong mối quan hệ này để đánh giá được thực trạng quản lý CTRSH hiện nay ra sao.

Đề án cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương để thực hiện hình thành các hệ thống hạ tầng tái chế, xử lý chất thải rắn. Hiện nay, việc tái chế chủ yếu là làng nghề, trong khi đó, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong xây dựng hạ tầng như cơ sở tái chế, bãi chôn lấp, thiêu đốt, nên trong Đề án cũng cần tập trung vào nội dung này.

Ngoài ra, Đề án có khuyến khích đầu tư hình thức đối tác công - tư (PPP), vì vậy cần mở ra cơ chế để địa phương có thể phối hợp với các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động thu gom, phân loại rác tại nguồn.

Mới đây, Cục Viễn thám quốc gia (Bộ TN&MT) đã triển khai xây dựng dự án “Giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia nhận định, công nghệ viễn thám sẽ là công cụ hữu hiệu để giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc. Do đó, Dự án được kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp hữu ích nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn ở Trung ương và địa phương cũng như cập nhật, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin chất thải rắn của Tổng cục Môi trường”. 

Dự án hoàn thành sẽ giúp giảm chi phí trong việc cập nhật thông tin dữ liệu, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải sinh hoạt nói riêng, góp phần cung cấp thông tin, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, quy hoạch bãi rác, khu xử lý, bãi chôn lấp rác.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục hoàn thiện chính sách để tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới