Thứ bảy, 20/04/2024 19:38 (GMT+7)
Thứ năm, 22/07/2021 16:54 (GMT+7)

Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Việc kiểm soát và quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành vấn đề cấp bách của Việt Nam hiện nay, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo kết quả điều tra của Bộ TN&MT năm 2019, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh từ khu vực đô thị khoảng hơn 37.000 tấn/ngày với tỉ lệ thu gom, xử lý khoảng 85%. Lượng CTRSH phát sinh từ các hộ gia đình nông thôn trong cả nước vào khoảng hơn 24.000 tấn/ngày. Việc thu gom CTRSH tại thành phố, đô thị bước đầu đã có kết quả tốt; tuy nhiên tại nông thôn chưa được coi trọng, tỉ lệ thu gom CTRSH khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40%-55%. Nhiều khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, miền núi, việc thu gom, xử lý CTRSH rất khó khăn, nhiều bãi rác tự phát hình thành chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Phương pháp xử lý CTRSH phổ biến là chôn lấp (71% lượng CTRSH chôn lấp), trong đó có nhiều bãi không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Có thể thấy, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số, tình hình phát sinh CTRSH có xu hướng gia tăng qua các năm, đã và đang gây áp lực lớn đến môi trường nước ta. Trong khi đó, công tác quản lý CTRSH chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay và thời gian tới.

Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam - Ảnh 1
Gần 80% bãi chôn lấp rác thải ở Việt Nam không hợp vệ sinh. (Ảnh: Ngọc Thành)

Cần tăng cường năng lực quản lý

Trước thực trạng này, Bộ TN&MT đã đề xuất xây dựng đề án “Tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam” trên cơ sở lồng ghép nội dung Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH đô thị và nông thôn trình Chính phủ.

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến, nghe Tổng cục Môi trường báo cáo dự thảo Đề án “Tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam” do Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì ngày 20/7, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Mục tiêu của đề án nhằm tăng cường năng lực quản lý CTRSH cho các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý và tái chế CTRSH để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý CTRSH hiện nay.

Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác quản lý CTRSH, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.

Theo đó, đề án đưa ra 13 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện và các giải pháp cụ thể như tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về CTRSH, trong đó, tập trung vào hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTRSH và tăng cường năng lực thực thi; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý CTRSH; xây dựng và triển khai các mô hình quản lý CTRSH; đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH và tăng cường đào tạo, truyền thông và nâng cao nhận thức, sự tham gia và trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đẩy nhanh kế hoạch phân loại rác tại nguồn

Góp ý tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Nguyễn Thạc Cường đề xuất đưa thêm nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình về thu gom, phân loại rác thải thải nguồn; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với vùng, miền trong Chỉ thị số 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn vào danh sách các nhiệm vụ đề án ưu tiên thực hiện. Bên cạnh đó, nhiệm vụ 3 cần điều chỉnh lại tên cho phù hợp, bám sát theo nhiệm vụ của Chỉ thị 41/CT-TTg. Nhiệm vụ 7 cần xem xét, điều chỉnh lại tiến độ thời gian thực hiện cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả.

Theo ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách và môi trường, trong mục tiêu cần phải bổ sung nội dung về đảm bảo việc quản lý CTRSH được thực thi theo đúng Luật BVMT 2020. Về các danh mục nhiệm vụ, nhiệm vụ 5 nên xem xét, cân nhắc có nên đưa vào danh mục nhiệm vụ ưu tiên không hay nên dừng ở cấp Bộ. Bên cạnh đó, trong nhiệm vụ cần có hoạt động để có thể học tập được kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy được ý thức trách nhiệm của người dân và xã hội, hiện nay nhiều nước đã sử dụng các ứng dụng quản lý chất thải sinh hoạt và rất thành công, kể cả công nghệ về theo dõi dữ liệu về chất thải.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tập trung rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp để hoàn thiện đề án.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đề án trong việc thống nhất quản lý Nhà nước và nâng cao trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng cho rằng, các nội dung của đề án cần bám sát theo tinh thần của Luật BVMT 2020, các quy phạm pháp luật về quản lý chất thải cần cụ thể, chi tiết, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật từ việc phân loại, thu gom, xử lý đến định mức kinh tế kỹ thuật, mô hình công nghệ... để góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương.

Đâu là giải pháp?

Nhằm tăng cường quản lý CTRSH dựa trên thực trạng chất thải tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị.

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường và hoàn thiện thống nhất bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và CTRSH; Trong đó, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành; Thống nhất cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và quản lý CTRSH là Bộ TN&MT; Cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và quản lý CTRSH.

Thứ hai, thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải lồng ghép với công tác bảo vệ môi trường và quản lý CTRSH ngành, địa phương.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; Hạn chế sản xuất. nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Không nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng tiềm ẩn các chất nguy hại, gây ô nhiễm.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Nâng cao năng lực thu gom, việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế việc chôn lấp CTRSH. Có chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư xử lý CTRSH.

Thứ năm, hướng dẫn, công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục máy, thiết bị, công nghệ tái chế, xử lý CTRSH, nhất là công nghệ, dây chuyền lò đốt rác để các địa phương, doanh nghiệp ứng dụng, thực hiện; Tránh sử dụng lãng phí, phân tán và giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và công tác quản lý CTRSH. Có giải pháp ngăn chặn, loại bỏ công nghệ, thiết bị, máy móc lạc hậu, hiệu quả thấp “đội lốt” các nước tiên tiến để đưa vào Việt Nam.

Thứ sáu, thực hiện công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường và công tác quản lý, thu gom, xử lý CTRSH. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát và phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và CTRSH ở địa phương, cơ sở, nhất là chương trình, kế hoạch, dự án về bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý CTRSH có liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân ở địa phương, cơ sở.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới