Chủ nhật, 24/11/2024 22:09 (GMT+7)
Thứ tư, 22/05/2024 07:18 (GMT+7)

Tiền Giang: Mặn trên sông Tiền không còn ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn quả phía Tây

Theo dõi KTMT trên

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, mặn theo hướng sông Hàm Luông không còn ảnh hưởng đến sông Tiền.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, do mặn theo hướng sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) không còn ảnh hưởng đến sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) và mặn hướng sông Vàm Cỏ Tây đã có các cống đóng ngăn mặn, không có khả năng ảnh hưởng đến các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

Do đó, từ ngày 14/5/2024, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang sẽ không thông báo số liệu mặn trên sông Hàm Luông và sông Vàm Cỏ Tây trong bản tin thông báo mặn hàng ngày.

Bên cạnh đó, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều trận mưa lớn trên diện rộng giúp cải thiện và tăng thêm nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất và đời sống, Nhân dân rất phấn khởi.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang thông tin, đến sáng ngày 14/5, tại các điểm đo dọc sông Tiền ghi nhận độ mặn tiếp tục giảm.

Cụ thể, tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) độ mặn đo được 3,11 g/l, giảm 0,68 g/l so với ngày hôm trước; tại cầu Xoài Hột (xã Bình Đức, huyện Châu Thành), độ mặn đo được 1,15 g/l, giảm 0,55 g/l so với ngày hôm trước; tại cầu Phú Phong (xã Phú Phong, huyện Châu Thành), độ mặn đo được 0,15 g/l, giảm 0,17 g/l so với ngày hôm trước.

Tiền Giang: Mặn trên sông Tiền không còn ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn quả phía Tây - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet).

Trước đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (Tổng cục Khí tượng thủy văn) cho biết, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần từ ngày 11 đến 20/5/2024. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 5/2023.

Về xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. 

Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần; riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn duy trì ở mức cao đến giữa tháng 5, sau đó giảm dần.

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Tiền Giang cho biết, nhờ độ mặn giảm, cống Xuân Hòa đã có thể lấy gạn (lấy ngọt khi đủ điều kiện) bổ cấp vào nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công phục vụ sản xuất và đời sống, cải tạo môi trường. Hiện, mực nước trong các kênh trục chính trong vùng dự án đạt ở mức -0,42 m đến - 0,41 m.

Theo ông Trần Minh Hữu, Giám đốc Chi nhánh Thủy nông khu vực Cai Lậy - Cái Bè (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Tiền Giang), do mặn không còn ảnh hưởng nhiều nên đơn vị cho mở và vận hành tự do các cống Chùa 1, Mù U, Cái Sơn, Cây Cồng, Hai Tân trên Đường tỉnh 864 thông ra sông Tiền nhằm lấy nước bổ cấp vào nội đồng phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân các huyện, thị phía Tây tỉnh, bảo vệ các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản giá trị kinh tế cao tại đây.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Tiền Giang: Mặn trên sông Tiền không còn ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn quả phía Tây. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới