Thường xuyên ăn mỳ tôm có bị ung thư dạ dày?
Một thanh niên Đài Loan được xác định nguyên nhân gây ung thư dạ dày do thường xuyên ăn mỳ tôm. Thông tin này khiến rất nhiều người tiêu dùng lo lắng. Chuyên gia y tế nhận định sao về vấn đề này?
Mới đây, các bác sĩ đã xác định nguyên nhân gây ung thư dạ dày giai đoạn cuối của một nam thanh niên người Đài Loan là do ăn mỳ tôm liên tục trong nhiều ngày. Chàng trai 18 tuổi phải thức đêm học bài trong thời gian dài để ôn thi, mỳ tôm chính là sự lựa chọn tiện lợi nhất khi đói bụng.
Chỉ mới có kết quả thi đỗ, chàng trai đã phải bàng hoàng vì được chẩn đoán bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối trong khi đi khám sức khoẻ.
Theo bác sĩ Lâm Triệu Đường thuộc Hội Y học Đài Loan, độ tuổi trung bình mắc ung thư dạ dày là 65 tuổi. Thế nhưng, một vài năm trở lại đây, tỷ lệ người trẻ bị căn bệnh này đang gia tăng khá mạnh, chủ yếu do thói quen ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh như mỳ tôm, dưa chua,…
Nhiều người lo lắng về thông tin ăn mỳ tôm thường xuyên có thể là nguyên nhân gây ung thư dạ dày - Ảnh minh họa. |
Không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng rất thích ăn mỳ tôm bởi sự tiện lợi cũng như giá thành rẻ. Viện phó Viện Dinh Dưỡng Quốc gia – PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng cho biết: “Thành phần chủ yếu của mỳ tôm chính là tinh bột và chất béo, bên cạnh đó một lượng lớn vitamin và gluco đã bị mất đi trong quá trình chế biến. Do đó, nếu ăn quá nhiều mỳ tôm sẽ thiếu chất xơ, vitamin, khoáng chất, ngay cả khi bát mỳ tôm có rau, thịt...".
Cũng theo Phó giáo sư Lâm, cả người lớn và trẻ nhỏ đều không nên ăn quá 2 gói mỳ tôm mỗi tuần. Với người có hệ tiêu hoá kém thì không nên ăn. Mỳ tôm thường được sấy khô sau khi chiên qua dầu, nếu ăn mỳ tôm thường xuyên sẽ làm chức năng của dạ dày bị rối loạn, dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng….
Theo thống kê được công bố bởi Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), Việt Nam hiện đang đứng thứ năm trên thế giới về tiêu thụ mì ăn liền, sau Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ. Trước đó, Việt Nam đứng thứ 2 về mức tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người cao nhất năm 2017, với 53,5 khẩu phần/người/năm; đứng sau Hàn Quốc với 73,7 khẩu phần/người/năm. |
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, ngành Sinh học phân tử trong Y học, Viện nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope, California, Mỹ, tư vấn: Thành phần chủ yếu của mì tôm là carbohydrate. Cơ thể con người muốn khỏe mạnh cần nạp đủ các chất protein, mỡ, carbohydrate, khoáng chất, vitamin và nước. Nếu thiếu hụt một trong 6 dưỡng chất trên, cơ thể rất dễ mệt mỏi.
Bạn ăn mì thường xuyên sẽ khiến cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng, kể cả những loại cao cấp. Vì vậy, bạn không nên ăn mì tôm để thay cho bữa chính. Ngoài ra, khi ăn, bạn có thể thêm một số loại thực phẩm khác như thịt, rau, trứng... để tăng dinh dưỡng.
Hiện nay, các nhà khoa học chưa có nghiên cứu nào chứng minh ăn nhiều mì tôm là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư dạ dày. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày bao gồm:
- Chế độ ăn quá mặn, sử dụng nhiều thực phẩm hun khói, đã qua chế biến.
- Chế độ ăn ít trái cây, rau củ.
- Tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Viêm dạ dày lâu ngày.
- Hút thuốc.
- Có Polyp dạ dày.
Minh Phương (T/h)