Thứ sáu, 04/10/2024 06:30 (GMT+7)
Thứ ba, 04/01/2022 13:00 (GMT+7)

Thực hiện phân loại rác tại nguồn: Luật chưa đi vào đời sống?

Theo dõi KTMT trên

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, từ ngày 1/1/2022 người dân phải tiến hành phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người dân sinh sống trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn chưa thể thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.

Nhiều chung cư chưa trang bị thêm thùng rác

Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực. Luật quy định, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Ngoài những đổi mới mang tính đột phá chính như lần đầu tiên cộng đồng cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường thì điều được người dân quan tâm hơn cả là điều 75 của Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

Thực hiện phân loại rác tại nguồn: Luật chưa đi vào đời sống? - Ảnh 1
Theo quy định Luật Bảo vệ Môi trường 2020, người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn từ ngày 1/1/2022. 

Theo Điều 75, thì chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm, và chất thải rắn sinh hoạt khác. Nếu các hộ gia đình không tiến hành thu gom rác, công nhân vệ sinh có quyền từ chối thu gom rác.

Là người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, anh Nguyễn Mạnh Tuân (sinh sống Ecohome 3, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nắm bắt thông tin này từ rất sớm. “Theo quy định luật Bảo vệ Môi trường 2020, gia đình tôi sẽ phải phân loại rác ngay tại nhà mình. Để chuẩn bị, gia đình tôi mua thêm một thùng rác cá nhân để thuận lợi cho việc phân loại rác hữu cơ. Thế nhưng khi đi đổ rác, tôi rất bất ngờ khi phòng chứa rác tại tầng gia đình tôi đang ở vẫn chỉ có một thùng rác như trước kia, khiến việc phân loại rác của gia đình tôi trở nên vô nghĩa”.

Thực hiện phân loại rác tại nguồn: Luật chưa đi vào đời sống? - Ảnh 2
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên rác vẫn bị để lẫn lộn như trước đó chứ chưa được phân loại. 

Giống như anh Tuân, anh Huy sinh sống tại chung cư Samora (Chu Văn An, Hà Đông) cho biết: “Chung cư nơi tôi sống vẫn chưa bổ sung thêm thùng rác khác màu trong phòng rác tại các tầng để phục vụ việc phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020”.

Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế Môi trường thì tình trạng chưa bổ sung thêm thùng rác khác màu tại các phòng rác của các chung cư đang diễn ra tại rất nhiều chung cư rất nhiều phân khúc khác nhau từ bình dân đến cao cấp nên rất khó để người dân có thể phân loại rác, và việc phân loại rác của người dân trở thành vô ích.

Trong khi đó theo chị Nguyễn Thị Nhung (Đại Kim, Hoàng Mai) cho biết: “Thấy quy định của Luật Bảo vệ Môi trường mới, người dân phải bắt buộc người dân phải phân loại rác tại nguồn từ ngày 1/1/2022. Thế nhưng ngoài những thông tin trên báo, mạng xã hội cho rằng người dân không phân loại rác có thể bị từ chối thì còn lại gia đình tôi chưa nhận được bất cứ thông báo nào từ phía đơn vị thu gom, xử lý rác khu vực gia đình đang sinh sống. Nên tất cả rác thải sinh hoạt của gia đình vẫn được gom vào một túi như trước kia, vì có phân loại thì vẫn bị công nhân thu gom rác để lẫn vào chung”.

Nếu phân loại rác, chúng tôi sẽ vất vả hơn

Chia sẻ với phóng viên, một kiến trúc sư cho biết: “Với những chung cư mới được xây dựng gần đây, được chủ đầu tư bố trí phòng để rác tại các tầng thì để phục vụ việc phân loại rác tại nguồn trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ý thức của cư dân sinh sống tại các chung cư này thì, ban quan trị tòa nhà, đơn vị thu gom chỉ cần bố trí thêm thùng rác tại các phòng để rác thì việc phân loại rác tại nguồn có thể thực hiện dễ dàng, thuận lợi. Trong khi đó, với các chung cư cũ thường được thiết kế duy nhất một họng rác kết nối trực tiếp từ các tầng đến phòng chứa rác tại tầng hầm thì việc phân loại rác tại nguồn rất khó thực hiện, vì có phân loại tất cả các loại rác cũng sẽ bị đổ chung vào một thùng rác”.

Thực hiện phân loại rác tại nguồn: Luật chưa đi vào đời sống? - Ảnh 3
Tại nhiều chung cư vẫn chưa bố trí thêm thùng rác để phục vụ phân loại rác tại nguồn theo quy định Luật Bảo vệ Môi trường 2020. (Ảnh người dân cung cấp)

Không chỉ người dân gặp khó khăn khi thực hiện phân loại rác tại nguồn, mà những người đang thực hiện thu gom, xử lý rác tại các khu dân cư cũng sẽ gặp khó khăn nếu thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Trương Thị Ngọc Liên (công nhân tổ thu gom rác số 6, URENCO Thanh Trì) cho biết: “vẫn chưa thấy người dân tự giác tiến hành phân loại rác tại nguồn, người dân vẫn để rác lẫn như mọi khi”.

Là người trực tiếp thu gom rác tại các khu dân cư, nhưng theo các công nhân thu gom rác đang làm việc cho URENCO Thanh Trì thì họ vẫn chưa nhận được thông tin từ phía công ty về việc phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. “Nếu nhà nước có chủ trương, thì chúng tôi sẽ nhắc nhở tuyên truyền người dân chấp hành, thực hiện theo quy định. Nếu người dân không chấp hành mới có chuyện để nói, đằng này chúng tôi cũng vẫn chưa nhận được thông báo gì từ phía lãnh đạo công ty”.

“Theo quy định của luật Bảo vệ Môi trường thì trách nhiệm của chúng tôi nhiều hơn, vất vả hơn so với hiện nay”, chị Liên cho hay. Tuy nhiên, theo chị và các công nhân đang làm việc tại tổ thu gom rác số 6, URENCO Thanh Trì thì vẫn chưa nhận được thông báo từ phía đơn vị chủ quản về kế hoạch thực hiện phân loại rác tại nguồn, bổ sung phương tiện, thùng rác để phục vụ phân loại rác tại nguồn như Luật quy định.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ với đại diện URENCO Hà Nội để tìm hiểu, tuy nhiên vị này không bắt máy.

Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Thực hiện phân loại rác tại nguồn: Luật chưa đi vào đời sống?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.