Chủ nhật, 24/11/2024 10:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/12/2023 14:43 (GMT+7)

Thúc đẩy xanh hóa trong sản xuất công nghiệp: Doanh nghiệp Việt cần chủ động

Theo dõi KTMT trên

Để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp cần có những giải pháp phù hợp, nhất là kiểm kê khí nhà kính.

Sáng 15/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương, Viện Nghiên cứu Môi trường và Các vấn đề xã hội đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường hàng hoá môi trường thúc đẩy xanh hoá sản xuất công nghiệp”.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài và Môi trường- Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; TS. Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam; TS. Vũ Quang Hùng - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương; TS. Phạm Sỹ Tiệp; TS. Nguyễn Duy Thái - Tổng Biên tập Tạp chí Công nghiệp Môi trường; cùng nhiều đại biểu, khách mời khác tới tham dự.

Thúc đẩy xanh hóa trong sản xuất công nghiệp: Doanh nghiệp Việt cần chủ động - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện và xác định vai trò thị trường hàng hoá môi trường trong tiến trình xanh hóa sản xuất công nghiệp; xác định những vấn đề cần hoàn thiện của thị trường hàng hoá môi trường và nhu cầu sử dụng hàng hóa môi trường nhằm xanh hóa trong sản xuất công nghiệp. Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp phát triển thị trường hàng hoá môi trường nhằm thúc đẩy xanh hoá trong sản xuất công nghiệp.

"Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm phát triển ngành Công nghiệp môi trường, từ đó đáp ứng nhu cầu “xanh hoá” trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội nói chung và “xanh hóa” sản xuất công nghiệp nói riêng", ông Hội nhấn mạnh.

Thúc đẩy xanh hóa trong sản xuất công nghiệp: Doanh nghiệp Việt cần chủ động - Ảnh 2
TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và Môi trường - Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã trình bày một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình xanh hóa, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, để thúc đẩy xanh hóa trong sản xuất công nghiệp cần xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, cần huy động thêm các nguồn lực cho chuyển đổi xanh trong sản xuất công nghiệp (tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quỹ sản xuất xanh, quỹ bảo vệ môi trường).

Về phía chủ doanh nghiệp phải nhận thức được rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi xanh, cần nắm bắt rõ mức phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Tích cực đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất, chuyển đổi sử dụng năng lượng sang năng lượng tái tạo. Tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, sẵn sàng cho việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.

"Chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh" trong sản xuất công nghiệp là tất yếu khách quan phù hợp với chính sách của ngành Công nghiệp, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp cần có những giải pháp phù hợp, nhất là kiểm kê khí nhà kính, chuyển đổi sử dụng năng lượng, đổi mới công nghệ, sẵn sàng tham gia vào thị trường carbon trong tương lai gần", Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường nhấn mạnh.

Thúc đẩy xanh hóa trong sản xuất công nghiệp: Doanh nghiệp Việt cần chủ động - Ảnh 3
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh trình bày tham luận tại Hội thảo.

Về phần mình, Chuyên gia Đinh Văn Tôn đã trình bày hàng loạt giải pháp quản lý và sử dụng các tấm quang năng hết hạn sử dụng tại các nhà máy điện mặt trời.

Theo vị chuyên gia, đây là vấn đề vô cùng nan giải, bởi lẽ hiện nay chưa có quy định, cơ chế tài chính về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, nghĩa vụ của nhà sản xuất. Ngành công nghiệp tái chế chất thải còn sơ khai, thiếu đầu vào ổn định và đủ lớn.

Mặt khác, việc định nghĩa và phân loại các tấm quang năng hết hạn sử dụng còn chưa rõ ràng. Nó là chất thải thông thường hay chất thải nguy hại vẫn chưa rõ. Công nghệ tái chế và xử lý tấm quang năng hết hạn sử dụng vẫn còn sơ khai, các thử nghiệm chỉ mới diễn ra trong quy mô phòng thí nghiệm.

Hiện nay trên thế giới cũng chưa có quy định riêng về xử lý và quản lý tấm quang năng hết hạn sử dụng. Chúng được xếp vào nhóm chất thải điện, điện tử. Hầu hết các quốc gia không xếp tấm quang năng hết hạn sử dụng vào nhóm chất thải nguy hại. Tuy nhiên, họ xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ, hướng dẫn hoặc bắt buộc tái sử dụng, tái chế các tấm quang năng hết hạn sử dụng.

Thúc đẩy xanh hóa trong sản xuất công nghiệp: Doanh nghiệp Việt cần chủ động - Ảnh 4
TS. Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam (đứng) điều hành phiên thảo luận.

Tại Hội thảo, TS. Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam đã điều hành phiên thảo luận.

Các ý kiến đóng góp, chia sẻ tại Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp lại, xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác nghiên cứu, cũng như công tác xây dựng chính sách liên quan đến thúc đẩy xanh hóa trong sản xuất công nghiệp.

PV

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy xanh hóa trong sản xuất công nghiệp: Doanh nghiệp Việt cần chủ động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới