Thúc đẩy tiến trình xây dựng đô thị xanh
Theo cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải cácbon thấp.
Đến năm 2050, ít nhất 50% đô thị mới phải đạt tiêu chí công trình xanh
Nhằm thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0, Bộ Xây dựng vừa phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050," trong đó đặt mục tiêu phát triển rộng rãi vật liệu xanh, công trình xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đó, Bộ Xây dựng cam kết đến năm 2025, toàn ngành sẽ hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải cácbon thấp; khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải khí cácbon thấp.
Trên cơ sở đó, đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới sẽ áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải cácbon thấp; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đô thị xanh.
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Xây dựng cũng đề cao việc thúc đẩy sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, phát thải các bon thấp theo hướng: Đến năm 2030, dự kiến 25% các vật liệu xây dựng như xi măng, vật liệu ốp lát, kính xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh.
Sang giai đoạn sau năm 2030, Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu 100% các công trình xây dựng mới sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính, áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển đô thị theo hướng xanh, phát thải cácbon thấp.
Tiếp đó, đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải cácbon thấp...
Thực trạng phát triển đô thị xanh tại Hà Nội
Thông tin mới đây cho biết, theo Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mô hình hành lang xanh được thiết kế với tỷ lệ 60% diện tích (gồm 40% là vùng bảo tồn, 20% là vùng phát triển dựa trên bảo tồn). Cũng theo quy hoạch này, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái nhằm giảm sức ép cho khu vực nội đô, 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.
Bên cạnh các đô thị vệ tinh, xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới. Tuy nhiên, sau nhiều năm, những đô thị này vẫn chỉ “nằm trên giấy”, trong khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội tiếp tục phải gánh áp lực lớn về dân số, quá tải hạ tầng…
Hiện trong các đồ án quy hoạch chi tiết phát triển cho các huyện ngoại thành, UBND Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh điểm phát triển theo xu tăng diện tích xanh thành khu đô thị sinh thái và công nghệ cao. Theo đó, huyện Đan Phượng được xác định là phần phía Đông vành đai 4 là khu đô thị sinh thái gắn với các dịch vụ công chất lượng cao về y tế, giáo dục thuộc phân khu đô thị S1; phần phía Tây vành đai 4 nằm trong khu vực hành lang xanh.
Khu hành lang xanh, phát triển các mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp. Khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, vùng đa dạng sinh thái, vùng nông nghiệp năng suất cao; phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối liên đô thị.
Đối với huyện Thạch Thất: Sẽ được xây dựng trở thành trung tâm đô thị vùng phía Tây Hà Nội về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tiểu thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ, du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái.
Huyện Quốc Oai được định hướng phát triển là đô thị sinh thái, văn hóa lịch sử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Huyện Mê Linh sẽ là khu vực phát triển đô thị dịch vụ gắn với nông nghiệp công nghệ cao, là vành đai xanh của thành phố…
Huyện Chương Mỹ được quy hoạch đô thị sinh thái Chúc Sơn, nhưng đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực. Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này phải kể đến là hạ tầng giao thông kém phát triển.
Rõ ràng, các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái chưa hình thành được do thiếu nguồn lực, thiếu hạ tầng giao thông, nên không thu hút được đầu tư, không di dời được trường học, bệnh viện… càng không thu hút được dân số để giảm áp lực cho nội đô.
Tuy nhiên, quy hoạch chung cũng chỉ mang tính dự báo, nên sau một thời gian khá dài, đến nay các động lực phát triển cho các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái có nhiều thay đổi, cho nên cần có sự xem xét, đánh giá lại cho phù hợp với thực tiễn.
Trước đó, năm 2017, UBND TP.Hà Nội cũng đã ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các lô đất HT3, CX7 đến CX10, MN3 đến MN6, CV3 và CV4 tại khu A - khu du lịch, vui chơi, giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội, tại xã Sài Sơn, H.Quốc Oai.
Hiện nay, quy hoạch xây dựng đô thị của các đô thị Việt Nam nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng chủ yếu theo hướng đô thị sinh thái như đô thị Ecopark, đô thị Việt Hưng, đô thị Vinhome Riverside… Sau 10 năm kể từ khi đồ án quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt, nhưng về cơ bản các đô thị chưa được quy hoạch là đô thị sinh thái vẫn chưa có những thay đổi đáng kể.
Nguy cơ suy giảm về môi trường sinh thái, giảm đa dạng sinh học, đánh mất chất lượng và giá trị cảnh quan đô thị, hệ thống quy hoạch không bắt kịp với sự chuyển đổi đô thị nhanh chóng… vẫn là những vấn đề hạn chế trong quy hoạch đô thị ở Hà Nội. Nhiều dự án đô thị mang tên là sinh thái nhưng chưa được quan tâm và đầu tư xứng đáng.
Ở hầu hết các đô thị sinh thái chưa hình thành được là do thiếu nguồn lực, thiếu hạ tầng giao thông, nên không thu hút được đầu tư. Việc không di dời được trường học, bệnh viện…, nên chưa giảm được áp lực cho nội đô. Các đô thị sinh thái chưa có giải pháp khai thác tối đa tiềm năng du lịch, kết nối các đô thị sinh thái thành chuỗi du lịch.
Có thể tóm tắt một số hạn chế chủ yếu trong quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, sinh thái hiện nay ở Hà Nội và Việt Nam như sau:
1- Xây dựng ĐTX, đô thị sinh thái (ĐTST) mới dừng lại ở mức độ ý tưởng, nhận thức, định hướng chung mà chưa trở thành hệ thống văn bản pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ và đồng bộ về khái niệm, định nghĩa cũng như các tiêu chí, nguyên tắc, chỉ tiêu và phương pháp cho việc lập quy hoạch xây dựng một ĐTX, ĐTST.
Mặt khác, nhận thức về ĐTX, ĐTST mới chủ yếu nhấn mạnh đến “phần cứng” (cây xanh, mặt nước, xử lý chất thải, nước thải…) mà còn ít chú ý đến một hệ thống toàn diện (bao gồm cả sản xuất xanh, năng lượng xanh, lối sống xanh…)
2- Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong khi các nguồn lực đầu tư phát triển theo quy hoạch, để thực hiện quy hoạch không theo kịp nhu cầu thực tiễn, việc quản lý quá trình thực hiện quy hoạch chưa tốt đã gây ra một loạt các vấn đề ở đô thị như: Quá tải khu vực trung tâm đô thị, tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sạch, hạ tầng xã hội, tỷ lệ xử lý nước thải, rác thải thấp… tạo ra sức ép về suy giảm chất lượng môi trường sống.
3- Mâu thuẫn giữa đô thị hóa, công nghiệp hóa và bảo vệ môi trường; Mâu thuẫn giữa bảo tồn các di sản và phát triển đô thị; Mâu thuẫn giữa chỉnh trang làng xóm, khu dân cư hiện hữu và khu vực phát triển đô thị mới.
4- Công tác quản lý chưa theo kịp nhu cầu phát triển dẫn đến tình trạng phát triển thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thiếu tập trung, mất cân đối giữa dân cư và cơ sở hạ tầng, giữa các thành phần cỉa cơ sở hạ tầng, giữa các khu vực trong đô thị, khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề, lối sống của dân cư khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang xây dựng đô thị, hiệu quả sử dụng đất đai và các nguồn lực xây dựng phát triển đô thị chưa cao.
5- Ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường chưa cao, nhận thức về tầm quan trọng của môi trường, của phát triển bền vững chưa thống nhất ngay trong hệ thống quản lý, giữa hệ thống quản lý với các nhà đầu tư, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế.
Thành phố xanh - thông minh là thành phố sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin theo cách phù hợp, tin cậy, có thể mở rộng, có thể truy cập, an toàn, an ninh và linh hoạt cho một số mục đích khác. Nó cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị; tăng cường phòng ngừa và quản lý các thảm họa, bao gồm khả năng giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời cung cấp các cơ chế quản lý và điều hành hiệu quả, cân bằng với các chính sách phù hợp. Đây là xu hướng tất yếu của các đô thị Việt Nam trong thời gian tới.
Bùi Hằng