Phát triển công trình xanh là cả một quá trình dài
Phát triển công trình xanh là mục tiêu mà bất kỳ đất nước nào trên thế giới cũng muốn theo đuổi. Thế nhưng, để công trình xanh đem lại hiệu quả đúng nghĩa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Công trình xanh không chỉ là sử dụng nhiều cây xanh trong dự án, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường mà còn là sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, mối quan hệ “xanh” giữa chủ đầu tư dự án và khách hàng.
Để hiểu rõ hơn về những thuận lợi và khó khăn khi phát triển công trình xanh tại Việt Nam, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường có cuộc trao đổi với TS Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm Phuc Khang Corporation.
Không thể thực hiện trong một sớm một chiều
- Theo các chuyên gia, công trình xanh là hướng phát triển tốt nhưng lại đang bị méo mó ở Việt Nam. Bởi muốn phát triển công trình xanh một cách đồng bộ, hiệu quả thì phải có sự kết nối với hạ tầng giao thông và trên hết là sự hài lòng của khách hàng, cách ứng xử của chủ đầu tư. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
-Một xu hướng mới bất kỳ trên thế giới đều sẽ mang lại những lợi ích lẫn sự chưa đồng thuận, công trình xanh cũng không nằm ngoài số đó. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn về những giá trị mà công trình xanh mang lại thì không thể phủ nhận được mức độ cấp thiết của công trình xanh trong môi trường xây dựng hiện nay.
Do đó, cần tập trung vào các giá trị cốt lõi và nhận định đúng về bản chất của công trình xanh, chúng ta có thể cải thiện dần những điểm còn hạn chế của thị trường và để mọi người hiểu về công trình xanh một cách đúng đắn.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có một định nghĩa chính thức về công trình xanh. Theo Hội đồng công trình xanh thế giới, công trình xanh là một công trình mà trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành làm giảm hoặc loại bỏ các tác động tiêu cực và có thể tạo ra các tác động tích cực đến khí hậu và môi trường tự nhiên; công trình xanh bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Ngoài ra, công trình xanh phải là một công trình đáp ứng đầu đủ các yêu cầu cơ bản của khách hàng về nhiều khía cạnh như: pháp lý, chi phí, vị trí… Dựa trên cơ sở ấy, các yếu tố về sử dụng năng lượng hiệu quả, địa điểm bền vững, bảo tồn tài nguyên, giảm tác động đến môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người cư ngụ được nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng không phải tất cả các công trình xanh đều giống nhau. Các địa điểm và khu vực khác nhau, văn hóa và truyền thống khác nhau, kinh tế và xã hội khác nhau và đặc biệt là cơ sở hạ tầng cũng khác nhau, tất cả điều này đều định hình các chiến lược và giải pháp dành cho công trình xanh khác nhau.
Đặc biệt, ở môi trường có tốc độ phát triển và đô thị hóa cao như Việt Nam, các yếu tố về hạ tầng hay sự đón nhận của khách hàng vẫn luôn là vấn đề khó khăn cho các chủ đầu tư công trình xanh. Vấn đề này đã, đang và sẽ là một chặng đường dài cần sự đồng lòng từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cả những khách hàng – người thụ hưởng công trình.
- Công trình xanh đang trở thành xu thế của thế giới. Tại Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) được biết đến là một trong những đơn vị theo đuổi các dự án theo tiêu chuẩn công trình xanh đầu tiên tại khu vực miền Nam. Trong tương lai, đơn vị muốn hướng tới một mô hình công trình xanh như thế nào và lựa chọn tiêu chí nào để phát triển công trình xanh?
-Trong tất cả các dự án của chúng tôi đều lấy những giá trị nhân văn truyền thống làm nền tảng, kết hợp tinh tế và chắt lọc những giá trị tiên tiến của thế giới vào sản phẩm để tạo ra những tính năng độc đáo vượt trội mang lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng và xã hội.
Hiện tại, các dự án của Phuc Khang Corporation đều được đăng ký và làm theo tiêu chuẩn công trình xanh LOTUS của Hội đồng công trình xanh Việt Nam.
Thêm vào đó, các tiêu chuẩn công trình xanh trên thế giới cũng được nghiên cứu và đăng ký áp dụng cho một số dự án phù hợp của chúng tôi, điển hình như dự án Diamond Lotus Riverside được đăng ký và làm theo tiêu chuẩn LEED (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ) bên cạnh chứng nhận LOTUS và lấy cấp độ Gold (Vàng) ở cả hai tiêu chuẩn này. Hay một số cái tên còn mới mẻ trên thị trường như hệ thống chứng nhận Green Mark (Singapore), EDGE (IFC), Fitwel (Hoa Kỳ)… cũng được nghiên cứu và áp dụng vào các dự án của Phuc Khang Corporation.
- Theo bà, khi thực hiện các dự án theo hướng công trình xanh của mình, các nhà đầu tư sẽ gặp những khó khăn, thuận lợi như thế nào? Hạ tầng giao thông, những dự án chậm tiến độ và cả phản ứng không tốt từ khách hàng đã ảnh hưởng gì tới mục tiêu của mình?
- Quá trình kiến tạo một công trình theo tiêu chuẩn công trình xanh không chỉ đòi hỏi trong một hai ngày hay một vài năm, mà đó là một con đường lâu dài từ khi nung nấu, ấp ủ dự án cho đến khi thiết kế, thi công xây dựng, vận hành và chuyển giao đến người thụ hưởng. Đặc biệt, với một thị trường vô cùng mới mẻ và không ngừng thay đổi như thị trường bất động sản.
Có lẽ, khó khăn khi phát triển công trình xanh đầu tiên phải kể đến đội ngũ thực hiện. Công trình xanh là một lĩnh vực mới, sự thiếu hụt về các chuyên gia và đối tác dày dặn kinh nghiệp là không thể tránh khỏi. Để giải quyết vấn đề này, Phuc Khang Corporation tìm đến các đối tác hàng đầu trong nước và cùng hợp tác với nhiều đơn vị có tiềm năng trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Về khía cạnh công trình, một công trình đạt được tiêu chuẩn công trình xanh cũng đòi hỏi sự đầu tư về chất lẫn lượng, chi phí đầu tư gia tăng cùng với các yêu cầu về không gian, thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên hay tầm nhìn ra bên ngoài cũng là một bài toán nan giải cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, như trình bày ở trên, một công trình xanh phải luôn đáp ứng đầy đủ những giá trị cơ bản và đảm bảo thực hiện được các tiêu chí đánh giá nhất định của tiêu chuẩn áp dụng. Các yếu tố về hạ tầng giao thông, các chỉ tiêu hay các tiêu chí đánh giá là một bài toán cân bằng của chủ đầu tư, hàm bất biến trong bài toán này chính là mục tiêu, giá trị cốt lõi mang đến cho người thụ hưởng.
Khó tránh khỏi xung đột
- Vừa qua, có hiện tượng một số chủ đầu tư lợi dụng công trình xanh để quảng cáo nhằm bán hàng tốt hơn. Nhưng thực tế khi cư dân vào ở lại xuất hiện một số bất cập. Trước tình trạng này, đại diện Bộ Xây dựng đã yêu cầu các tỉnh tích cực kiểm tra, xử lý các dự án đội lốt "công trình xanh". Bà nghĩ gì về kế hoạch này của Bộ Xây dựng?
- Xây dựng công trình xanh chính là một trong những chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu với phương châm kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”.
Phát triển công trình xanh thực chất không phải tạo ra một sản phẩm bất động sản xanh mà là kiến tạo một quá trình từ xây dựng không gian sống xanh đến thay đổi nhận thức sống xanh của cộng đồng. Do là một quá trình nên để hình dung ra được một bức tranh toàn thể về chất lượng công trình xanh cần phải có đủ năng lực chuyên môn, kỹ thuật và trải nghiệm để nhận định. Bất cập trong một công trình xây dựng sẽ có nhiều yếu tố, ngoài yếu tố kỹ thuật (sẽ soi chiếu trong tiêu chuẩn công trình xanh) còn liên quan đến sự hiểu biết thực sự về công trình xanh cũng như mong muốn của cư dân.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, khuyến khích phát triển và xây dựng công trình xanh chính là chiến lược hợp lý để ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Từ những bước đi ban đầu là cập nhật về xu hướng công trình xanh, xây dựng những công trình xanh đầu tiên, cho đến viễn cảnh mong muốn là toàn bộ các công trình trong các đô thị lớn của Việt Nam được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh là cả một chặng đường dài.
Tôi rất mong muốn Bộ Xây dựng đồng hành cùng các doanh nghiệp để hỗ trợ về hành lang pháp lý, quy định, quy chuẩn, đồng thời có những chiến lược nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Chỉ khi người dân có kiến thức về phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, công trình xanh thì lúc đó nhu cầu của thị trường mới thực sự thực chất và lớn mạnh, hạn chế những nhận định tiêu cực ảnh hưởng đến những nỗ lực tiên phong của một số nhà phát triển trong những giai đoạn đầu.
-Thực tế tại một số dự án công trình xanh của Phuc Khang Corporation đã, đang và sẽ xây dựng cũng xuất hiện một số tình trạng bất cập liên quan đến hạ tầng giao thông, môi trường sống, khách hàng không hài lòng (thậm chí bức xúc với chủ đầu tư)... Những vấn đề cụ thể như vừa kể ra nguyên nhân do đâu? khắc phục như thế nào?
-Như đã đề cập đến ở trên, phát triển công trình tại Việt Nam là một chặng đường dài. Trên chặng đường ấy chắc hẳn còn những thiếu sót từ hành lang pháp lý, từ chủ đầu tư cũng như từ khách hàng, người tiêu dùng. Do đó, các bất cập là không thể tránh khỏi, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao, sự thay đổi về hạ tầng tiện ích, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ của người thụ hưởng.
Đối với chúng tôi, chất lượng cuộc sống của khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu để mang lại một giá trị lợi ích lâu dài cho người thụ hưởng và môi trường sống tốt hơn cho cư dân tại dự án cùng với người dân trong khu vực. Trong quá trình thiết kế và thi công một dự án thông thường và đặc biệt là dự án công trình xanh, việc đảm bảo sự kết nối và thống nhất giữa các bên là điều vô cùng quan trọng, bên cạnh những vướng mắc về quy định, pháp lý, thì những khó khăn này cũng một phần ảnh hưởng đến mong muốn ban đầu của khách hàng.
Xin cảm ơn Tiến sỹ Lê Thị Hồng Na!
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”.
Cụ thể, Việt Nam lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, trong đó có phát triển xanh. “Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Hồ Duy (thực hiện)