Thuận Thành - Bắc Ninh: Rác thải, phế liệu ngập ngụa trong khu dân cư
Rác thải sinh hoạt đang xâm lấn đường giao thông, khu dân cư và những địa điểm công cộng khác, là thực trạng đang diễn ra ở Thuận Thành, Bắc Ninh.
Đầu tháng 3/2023, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường ghi nhận được tình trạng hàng chục hộ buôn bán, phân loại, chế biến phế liệu và sản xuất hạt nhựa gây ô nhiễm môi trường ở một số khu dân cư trên địa bàn huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Bãi tập kết rác thải sinh hoạt lấn chiếm lòng lề đường, chiếm luôn cả chỗ dành cho người đứng chờ xe buýt. Đây là thực trạng đã và thường xuyên diễn ra.
Trao đổi với một người đang đứng chờ xe buýt, chị H. cho biết, chị thường xuyên phải đi xe buýt và buộc phải đón xe tại điểm này, mỗi khi đứng chờ ở đây vào đầu giờ sáng là một sự tra tấn.
Tại địa điểm đường khu vực xã Song Liễu, PV ghi nhận được tình trạng phế liệu chất thành đống lấn chiếm cả đường liên thôn, liên xã, với những bảo tải lớn, chại lọ hoá chất nằm ngổn ngang, thậm chí xâm lấn luôn cả đất nông nghiệp.
Theo một số thông tin từ người dân địa phương cho biết, nhiều hộ kinh doanh đã thuê đất nông nghiệp của người dân rồi tập kết phế liệu ở đó.
Theo ghi nhận của PV, rác thải này được các hộ kinh doanh mua từ nhiều nơi khác nhau mang về đây để phân loại, chế biến, tái chế rồi bán cho các đơn vị sản xuất hàng hoá vật dụng khác.
Qua ghi nhận tại các điểm tập kết phế liệu này cho thấy có rất nhiều các loại chai lọ đựng hoá chất như dầu mỡ.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Đảng ủy xã Song Liễu cho biết, trong xã có mấy chục hộ kinh doanh phế liệu, chế biến phế liệu, thật sự là đã gây ảnh hưởng đến môi trường như mùi, bụi và các chất cặn bã trong chai lọ sẽ chảy ra và ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước là điều đáng báo động. Địa phương cũng đã tìm cách để tháo gỡ cho các hộ này vào một khu tập chung nhưng chưa được người dân đồng thuận, rất mong cấp trên có các chế tài cụ thể để xã có biện pháp thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã.
PV cũng đã liên hệ với UBND huyện Thuận Thành để làm tìm hiểu công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Dưới đây là những hình ảnh PV đã ghi nhận về tình trạng tập kết phế thải gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Thuận Thành:
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cũng đồng tình cho rằng công tác thu gom, phân loại rác thải nhựa hiện vẫn để cho “đồng nát” làm, mà chưa có một mạng lưới quy định cụ thể. Mặc dù ai cũng biết rác thải nhựa là thành phần có lợi về kinh tế, có thể tái chế, tái sử dụng. Do đó, các cơ quan liên quan cần có cơ chế rõ ràng để thống nhất hoạt động thu gom, tái chế.
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, ông Dũng đề xuất nên có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa. Đặc biệt, thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Quang Huy