Thiên tai tại Malaysia và Philipines ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại Philipines và Malaysia, thiên tại xảy ra đang gây nhiều thương vong về người, gây thiệt hại cho nền kinh tế và thậm chí còn làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thế giới.
Ở Malaysia mưa lớn vào cuối tuần đã khiến hơn 61.000 người phải di tản, đường xá bị đóng cửa và giao thông bị gián đoạn. Theo Tổng thư ký Bộ Môi trường và Nước Zaini Ujang, trận mưa lớn từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 12 tương đương với lượng mưa trung bình của cả một tháng. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu có khởi sắc khi mưa giảm vào 19/12 và nước lũ bắt đầu rút.
Theo các nhà chức trách Malaysia, việc giao hàng đi và đón tàu cập bến tại Port Klang của Malaysia - cảng lớn thứ 2 của khu vực Đông Nam Á, sẽ gặp phải nhiều sự đình trệ. Nguyên nhân ở đây là do đường đi bị hư hỏng và nhân viên không thể đi làm được.
Việc gián đoạn vì thiên tai này diễn ra vài ngày ngay sau khi Intel công bố khoản đầu tư trị giá 7,1 tỷ USD vào Malaysia trong bối cảnh cơn khủng hoảng chip toàn cầu được dự đoán sẽ kéo dài đến năm 2023. Do Malaysia là một trung tâm công nghệ và thử nghiệm chip lớn, sự chậm trễ trong việc giao hàng có thể làm tăng thêm sự đình trệ của chuỗi cung ứng đang gây ảnh hưởng lên nền kinh tế toàn thế giới hiện nay.
Bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, công ty BE Semiconductor Industries NV của Hà Lan - công ty chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn, đã cắt giảm triển vọng doanh thu quý IV do lũ lụt ảnh hưởng tại cơ sở sản xuất Shah Alam của tập đoàn ở Malaysia. Đại diện của công ty cho biết doanh thu vì vậy có thể giảm từ 15-20%, vượt quá mức dự đoán trước đó là từ 5-15%.
Còn với công ty Nihon Dempa Kogyo của Nhật Bản – một nhà sản xuất các sản phẩm tinh thể thạch anh được sử dụng trong thiết bị viễn thông và công nghiệp, cũng cho biết nhà máy ở Malaysia của họ đã bị hư hại. Sẽ mất một khoảng thời gian nữa trước khi sản xuất có thể khôi phục trở lại tại đây.
Nhà máy của Panasonic tại Malaysia cũng chịu tình cảnh tương tự khi cơ sở sản xuất quạt và máy hút bụi của tập đoàn bị nước lũ làm thiệt hại. Ngoài ra, tập đoàn Notion VTEC của Malaysia cũng báo cáo thiệt hại tại nhà máy sản xuất thiết bị máy điều khiển tự động (CNC) của mình.
Mặc dù vậy, trận lũ lịch sử lại không gây ảnh hưởng gì tới ngành công nghiệp sản xuất găng tay của Malaysia. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia, ông Panamanian Shanmugam, cho biết trận mưa lớn này "chỉ là một chút bất tiện về dịch vụ vận chuyển và hiện đã trở lại bình thường".
Còn tại Philipines, siêu bão Rai đổ bộ ngày 15/12 đã gây ra mức thương vong 208. Mark Timbal, phát ngôn viên của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia cho biết hơn 440.000 người đã phải di dời và khoảng một triệu người bị ảnh hưởng.
Siêu bão Rai cũng đã làm hỏng đường dây điện và khiến người dân tại hơn 200 thành phố và thị trấn miền Nam nước này không có điện để sử dụng. Ngoài ra, tín hiệu di động vẫn chưa trở lại tại nhiều khu vực và lương thực đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, một số sân bay và cảng biển đã hoạt động trở lại để hỗ trợ cho công tác cứu trợ. Thiệt hại tại đảo nghỉ dưỡng Siargao, nơi siêu bão đổ bộ lần đầu tiên, có thể lên tới 400 triệu USD.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố viện trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng 40 triệu USD. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cũng tuyên bố một khoản viện trợ trị giá 23,7 triệu USD để khắc phục hậu quả của lũ lụt.
Báo cáo năm 2020 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc về châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, thiệt hại kinh tế hàng năm do thiên tai ước tính rơi vào khoảng 86,5 tỷ USD ở Đông Nam Á.
Bùi Hằng (T/h)